Xót xa bé trai người Dao đỏ học giỏi bị bỏng toàn thân khi đi chăn trâu

Thời sựThứ Sáu, 16/06/2017 11:43:00 +07:00

Nhà nghèo, học giỏi, ước mơ đến trường của cậu bé người Dao đỏ bỗng dưng bị gián đoạn bởi một tại nạn bất ngờ.

Em Phàn Láo Lở (11 tuổi, dân tộc Dao đỏ, trú tại xã Bản Hồ, Sa Pa, Lào Cai) trong lúc đang chăn trâu gần hầm thi công điện lưới thì bất ngờ bị tia lửa điện bắn vào cháy toàn thân.

Video: Xót xa bé trai 12 tuổi bị bỏng toàn thân khi đi chăn trâu

Tai nạn bất ngờ của cậu học sinh giỏi người Dao đỏ

Tiếp chúng tôi, ông Phàn Dò Phấu (ông nội của Lở) cho biết: “Cháu nó đang đi chăn trâu thuê thì bất ngờ trạm điện cao thế phát nổ, bắn tia lửa điện vào người khiến bé bị bỏng nặng toàn thân đã được điều trị hơn 1 tháng tại Bệnh viện Bỏng quốc gia”. 

Qua làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán Lở bỏng điện cao thế 50% độ II,III,IV (mặt, thân, chi).

20170609_130033

Bé trai người Dao đỏ bị tia lử điện bắn khiến bỏng toàn thân khi đi chăn trâu.

“Lúc đầu, gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Sa Pa điều trị, sau đó, chuyển qua Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai rồi cuối cùng phải chuyển lên Bệnh viện Bỏng quốc gia”, ông Phấu nói.

Việc đưa em Lở xuống Hà Nội điều trị là điều vượt quá khả năng của gia đình. Bản thân ông Phấu và em Lở là người dân tộc Dao, nói tiếng Kinh còn chưa sõi, thi thoảng phải nói đi nói lại ông Phấu mới hiểu người khác nói gì.

“Tôi năm nay hơn 50 tuổi rồi mà đây là lần đầu tiên xuống Hà Nội. Mọi thứ đều lạ lẫm so với Sa Pa”, ông Phấu cho biết thêm.

18813706_1925892227647245_6402790177382038419_n

 Các bác sĩ chẩn đoán Lở bỏng điện cao thế 50% độ II,III,IV (mặt, thân, chi).

Kinh tế gia đình Lở một năm chỉ trông chờ vào 2 tấn gạo thu hoạch từ mảnh ruộng nhỏ. Quy ra tiền 2 tấn gạo tương đương khoảng 10 triệu đồng. Con số đó không đủ để giải quyết cái ăn cho 10 thành viên trong nhà, đói là chuyện cơm bữa. 

“Nhà tôi ăn cơm còn phải trộn thêm sắn, khoai mới đủ sống”, ông Phấu tâm sự.

Những ngày đầu vào viện, Lở còn được bố chăm sóc nhưng vì hoàn cảnh nghèo khó, bố Lở phải nhờ ông nội xuống trông cháu để anh ra ngoài làm thuê, làm mướn để kiếm thu nhập về chữa trị cho cháu.

Bất kỳ việc gì, bố Lở cũng làm, từ phụ hồ, phu vác, hay nhặt nhạnh từng tờ các-tông, chai nhựa về bán đồng nát. Từ ngày đưa con về Hà Nội chữa bệnh, mỗi ngày, anh Linh chỉ kiếm được trên dưới 10.000 đồng. Với anh đó là một số tiền lớn.

Lở thèm sữa, ông nội vét hết các túi cũng không đủ 20.000 đồng để mua cho cháu một hộp.

18881857_1925892304313904_5690298993305282309_n 3

 Nhìn đứa trẻ 11 tuổi, gầy gò với những vết thương vẫn còn rỉ máu khiến ai cũng phải xúc động.

“Chúng tôi sống được ở đây tất cả là nhờ đội ngũ bác sĩ trong bệnh viện giúp đỡ, từ ăn uống, đi lại cho đến viện phí. Bố thằng Lở thì đi làm cả ngày kiếm tiền, mẹ nó thì ở quê tiếp tục làm ruộng để kiếm đồng ra đồng vào. Nhiều khi mẹ nó thương con, nằng nặc đòi xuống thăm nhưng gia đình ngăn, vì đứa con dâu tôi hay đau ốm, ngày nào cũng nhìn ảnh con mà khóc”, ông Phấu chia sẻ.

Lở thèm sữa, ông nội vét hết các túi cũng không đủ 20.000 đồng để mua cho cháu một hộp.

“Em muốn về đi học...”

Những ngày đầu tháng 6, thời điểm Lở vừa trải qua lần phẫu thuật ghép da thứ 3. Nhìn đứa trẻ 11 tuổi, gầy gò với những vết thương vẫn còn rỉ máu khiến ai cũng xót xa.

18952590_1925892300980571_1963095006560063448_n 4

Đôi chân bé trai người Dao đỏ bị bỏng nặng

Hôm vào thăm, Lở chưa được tỉnh do ảnh hưởng của thuốc mê. Nắm lấy tay đứa cháu tội nghiệp, ông Phấu xúc động: “So với cách đây 1 tháng, tình trạng bệnh của cháu cũng đỡ được phần nào rồi. Các vết thương đã dần liền xẹo nhưng phần bụng của Lở vẫn chưa lành”.

Ông Phấu lật những lớp bông gạc cho chúng tôi xem vết thương của em ở bụng, các vết thương vẫn còn đang chảy dịch, nhiều phần thịt chưa khép miệng, làm lộ ra cả những phần bên trong thịt.

20170609_131216 5

 Để điều trị được cho cháu, bệnh viện phải cấy ghép da bằng cách lấy da ở chỗ lành đắp vào chỗ bị thương. Thời gian điều trị khoảng còn kéo dài cho đến khi các vết thương của cháu Lở liền lại.

Giữa những cơn đau quặn người, Lở nhớ gia đình, nhớ bố mẹ và nhớ trường lớp, chỉ sợ lúc về không theo kịp bạn bè, ở lại lớp. “Em muốn về đi học...”, Lở khóc.

Ông Phấu trấn an: “Lở học giỏi lắm, lúc nó bị như thế này, cô giáo cháu khóc rất nhiều”.

Bác sỹ Trình – Điều dưỡng trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Bỏng quốc gia cho biết, bệnh nhân Lở vào viện ngày 30/4 với chẩn đoán bỏng điện cao thế 50% độ II,III,IV (mặt, thân, chi).

Theo bác sỹ Trình, để điều trị được cho cháu, bệnh viện phải cấy ghép da bằng cách lấy da ở chỗ lành đắp vào chỗ bị thương. Thời gian điều trị khoảng còn kéo dài cho đến khi các vết thương của cháu Lở liền lại.

Hiện tại, Lở đã có bảo hiểm y tế nên giảm bớt phần nào chi phí chữa trị cho gia đình trong thời gian Lở nằm viện nhưng sau khi ra viện việc điều trị cho cháu Lở sẽ rất tốn kém.

“Tình trạng của Lở đang được cải thiện rất nhiều so với ngày đầu nhưng vẫn chưa qua giai đoạn nguy hiểm. Quan điểm của bệnh viện là tích cực điều trị cho bệnh nhân và tạo điều kiện hơn với những bệnh nhân bị nặng và hoàn cảnh gia đình khó khăn” - bác sỹ Trình nói.

Mọi sự ủng hộ của độc giả cho cháu Phàn Láo Lở xin gửi về:

Báo điện tử VTC News: Số TK: 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội.

Nội dung ủng hộ xin đề rõ: Đóng góp giúp đỡ cháu Phàn Láo Lở.

Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được VTC News chuyển đến cho nhân vật sớm nhất!

Độc giả cũng có thể đến thăm và ủng hộ trực tiếp cho cháu Phàn Láo Lở (11 tuổi) theo địa chỉ: Phòng số 408 Khoa Nhi, Viện Bỏng quốc gia.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn