Xóm chạy thận giữa Thủ đô: Tết là điều gì đó xa vời

Thời sựThứ Bảy, 28/01/2017 11:30:00 +07:00

Với cô gái sinh năm 1994 Đặng Thị Xiêm và các bệnh nhân ở xóm chạy thận thì Tết là điều gì đó xa vời lắm.

Nằm trên tuyến phố tấp nập Lê Thanh Nghị (Hà Nội), con hẻm 121 chật hẹp, sâu hun hút dắt chúng tôi đến với những mảnh đời bất hạnh của xóm chạy thận. Cuộc sống của những con người nơi đây gắn liền với bệnh viện, kim truyền và máy lọc thận.

Năm nay, gần một nửa số bệnh nhân ở xóm chạy thận không thể về quê ăn Tết. Mỗi tâm sự nơi đây đều khiến người nghe thêm nhói lòng.

Đặng Thị Xiêm (SN 1994) đến từ Bắc Kạn, cô gái trẻ nhất ở xóm chạy thận. Cô phát hiện bị suy thận cách đây 2 năm, lúc còn là cô sinh viên học ngành thú y. Xiêm buộc phải từ bỏ đam mê và ước mơ của mình bởi sức khỏe ngày càng đi xuống.

xom-chay-than1

Đang ngồi trên ghế giảng đường, Xiêm phải bỏ dở việc học hành vì căn bệnh quái ác.

Đau lòng hơn, cô gái trẻ vừa lập gia đình được 2 tháng với bao hi vọng về hạnh phúc lứa đôi thì bất ngờ tai ương ập đến, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ chưa kịp ổn định đã gặp phải sóng gió đau lòng.

Tâm sự với chúng tôi, Xiêm kể đã có quãng thời gian cô tưởng như bị kiệt sức, không thể đứng dậy nổi vì những cơn đau của bệnh tật. Tài sản trong gia đình cũng vì thế mà đội nón ra đi. Nhưng đau đớn nhất là khi đứa con trong bụng Xiêm đã được 6 tháng thì phát hiện bị giãn não thất nên hai vợ chồng buộc phải bỏ con.

Trong suốt quá trình điều trị bệnh và gắn bó với con hẻm 121 này, cô may mắn được người chồng trẻ thương yêu, chăm sóc hết mực. Anh là người đưa Xiêm đến với xóm chạy thận, cũng là người ở lại Hà Nội mưu sinh, giúp vợ những lúc tai biến.

Căn bệnh hiểm nghèo cũng biến Đặng Thị Xiêm từ cô gái đương thì xuân sắc trở thành người bệnh ốm yếu xanh xao. Theo lời kể của cô, khi mới tới đây, cô nặng 45 kg, vật lộn với những cơn đau cũng như những ngày dài gắn liền với máy lọc thận, giờ cô chỉ còn 36 kg.

Năm nay, Xiêm được gia đình đưa về quê ăn Tết. Bỏ một ngày lọc thận để được đón cái Tết ở quê hương với gia đình, người thân. Dù chỉ được ở quê đến mùng 2 Tết nhưng được trở về mảnh đất quen thuộc sau mấy tháng trời vật lộn với bệnh tật với cô đã là một may mắn lớn. 

"Ở quê em, người ta vẫn ăn Tết đến mùng 5, mùng 6… Sau Tết còn có hội, hội bắn cung, trai gái nhảy múa hát hò, uống rượu mong chờ năm mới sung túc, no đủ. Năm nào em cũng tham gia, nhưng có lẽ kể từ năm nay, ước nguyện được đón một cái Tết đủ đầy với gia đình, bà con bản làng sẽ không còn được trọn vẹn nữa", Xiêm bùi ngùi chia sẻ.

Trái ngược với Đặng Thị Xiêm, anh Mai Anh Tuấn lại là người có thâm niên ở xóm chạy thận lâu nhất. Phát hiện bị suy thận từ năm 6 tuổi, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên anh Tuấn vẫn phải sống với căn bệnh hiểm nghèo ấy cho đến khi hoàn thành chương trình đại học.

Cầm tấm bằng tốt nghiệp trường Đại học Giao thông vận tải, vừa bước chân đi làm cũng là lúc anh Tuấn được chuẩn đoán thận hoàn toàn bị mất chức năng tự lọc. 21 năm nay, cuộc sống của anh vẫn gắn liền với những mảnh đời khó khăn nơi xóm chạy thận.

xom-chay-than2

Anh Tuấn không còn nhớ nổi đã bao nhiêu cái Tết mình không được về quê.

Lâu lắm rồi anh chưa về ăn Tết ở quê hương. Anh kể năm nay anh phải trực đúng ngày mùng 1. Cho dù không được đoàn tụ với gia đình thì việc đón một cái Tết bên những người thân nơi xóm chạy thận cũng là một niềm vui lớn. Hiện nay, anh Tuấn được những công dân ở xóm chạy thận tin tưởng bầu làm quản lý xóm.

Nhắc đến những mảnh đời bất hạnh ở con hẻm 121 Lê Thanh Nghị này, đôi mắt anh chùng xuống. Anh kể, hàng năm không biết bao người gia nhập vào xóm này, cũng không ít  người ra đi.

Năm vừa rồi, xóm chạy thận phải nói lời vĩnh biệt với 10 người, mỗi người ra đi đều khiến con hẻm vốn ẩm thấp thêm buồn bã, u uẩn hơn bao giờ hết. Anh Tuấn cho biết, cứ mỗi khi thời tiết thay đổi, rất nhiều bệnh nhân chạy thận phải đối mặt với những cơn đau buốt, khó thở và huyết áp thay đổi bất thường. Chính vì thế, thời điểm giao mùa chính là nguyên nhân hàng đầu đe dọa đến mạng sống của những bệnh nhân chạy thận.

Chị Vũ Thị Nhã (33 tuổi) lại đem đến cho xóm chạy thận một câu chuyện khác, cũng đau xót không kém. Sinh ra trong một gia đình nghèo, ước muốn được học đại học của cô gái thôn quê đã dẫn dắt chị đến với con đường sư phạm.

Trớ trêu thay, khi vừa hoàn thành nửa học kì của năm nhất tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chị Nhã bị chuẩn đoán suy thận. Tính đến thời điểm này, chị đã gắn bó với xóm chạy thận được tròn 10 năm.

Theo lời kể của chị Nhã, sau khi phát hiện bị suy thận, chị buộc phải bảo lưu 2 năm để điều trị. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo, lại bệnh tật, chị quyết tâm học lấy tấm bằng để có một công việc tự nuôi sống được bản thân cũng như chi trả được chi phí thuốc men và sinh hoạt đắt đỏ ở Hà Nội.

Thời sinh viên, chị từng có thời gian phải vừa học, vừa đi làm thêm, vừa chạy thận. Bệnh tật dày vò cùng sức ép của cuộc sống mưu sinh khiến cho chị dù có lực học khá vẫn không thể có được tấm bằng tốt ra trường.

Video: Đoạn phim quảng cáo Tết khiến phụ nữ nào cũng rơi nước mắt

Năm nay là cái Tết thứ 3 chị Nhã không về quê. Chị bảo vì lịch lọc thận của chị rơi đúng vào ngày 30 Tết nên việc về quê đón Tết cùng gia đình là không thể. Mặc dù không được đoàn tụ cùng gia đình nhưng bên chị Nhã vẫn có những con người hiền hậu ở xóm chạy thận cùng sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Năm nào mẹ chị Nhã cũng gọi điện để động viên, chúc mừng năm mới. Với chị, đó chính là niềm an ủi và động viên lớn nhất để chị bước tiếp trên con đường chống chọi với bệnh tật.

Còn tiếp...

Phạm Trang
Bình luận
vtcnews.vn