Xóa bỏ Toán, Lý, Hóa: Điều gì đang thực sự xảy ra ở Phần Lan?

Giáo dụcThứ Hai, 06/04/2015 05:42:00 +07:00

Những nhà quản lý giáo dục tại Phần Lan đã cải chính thông tin khi cho rằng nước này sẽ “xóa sổ” các môn học truyền thống như Toán, Lý, Hóa…

(VTC News) – Những nhà quản lý giáo dục tại Phần Lan đã cải chính thông tin “xóa sổ” các môn học truyền thống như Toán, Lý, Hóa…

Cuối tháng 3, các nhà nghiên cứu giáo dục trên thế giới đã rất bất ngờ trước thông tin Phần Lan sẽ thay việc dạy các môn học theo cách truyền thống bằng việc dạy theo các chủ đề trong chương trình đổi mới giáo dục vào năm 2016.
washingtonpost
Một lớp học tại Phần Lan (Ảnh: Washingtonpost) 
Thông tin này bắt nguồn từ bài viết ”Finland schools: Subjectsscrapped and replaced with 'topics' as country reforms its education system” (Trường học Phần Lan: Các môn học sẽ bị bỏ và thay bằng chủ đề khi nhà nước cải cách hệ thống giáo dục) trên tờ The Independent  ngày 20/3/2015.

Ngày 25/3/2015, Cơ quan giáo dục quốc gia Phần Lan (OPH) đã lên tiếng khẳng định hoàn toàn không có chuyện nước này bỏ dạy các môn học.

Bài viết được đăng trên trang thông tin của OPH khẳng định việc giảng dạy môn học truyền thống không bị bãi bỏ mặc dù các chương trình mới cho giáo dục cơ bản sẽ mang lại một số thay đổi trong năm 2016.

Chương trình khung mới của giáo dục cơ sở sẽ được thực hiện ở các trường học từ tháng 8/2016 bao gồm một số thay đổi có thể đã gây nên sự hiểu nhầm.
OPH
Bài viết trên OPH 
Trong các giờ thực hành, các em học sinh sẽ cùng một số giáo viên học các môn tổng hợp dựa trên chủ đề được chú trọng. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực cho học sinh Phần Lan.

Ngành giáo dục hiện chỉ yêu cầu các trường xây dựng ít nhất một kỳ học đa ngành tập trung vào một hiện tượng hay một chủ đề mà học sinh quan tâm.

Những nội dung này sẽ được thiết kế và thực hiện tại các địa phương. Riêng ở thủ đô Helsinki thì các trường phải có ít nhất hai kỳ học như thế, mỗi kỳ kéo dài vài tuần.

 Bà Irmeli Halinen, Trưởng phòng phát triển chương trình, Hội đồng Quốc gia Giáo dục Phần Lan
 Bà Irmeli Halinen, Trưởng phòng phát triển chương trình, Hội đồng Quốc gia Giáo dục Phần Lan
Cũng trên trang OPH, bà Irmeli Halinen, Trưởng phòng phát triển chương trình, Hội đồng Quốc gia Giáo dục Phần Lan cho biết, các em học sinh cũng được tham gia vào việc lập kế hoạch giảng dạy các môn học đa ngành.


Bà Halinen viết: “Tháng 12/2014, Phần Lan đã hoàn thành việc đổi mới chương trình khung quốc gia của giáo dục cơ sở và giáo dục tiền học đường. Các cơ quan giáo dục địa phương hiện đang bận rộn làm việc với chương trình địa phương dựa trên chương trình khung quốc gia. Các trường học sẽ bắt đầu thực hiện chương trình mới từ mùa thu năm 2016.

Phát triển trường học như những cộng đồng học tập, nhấn mạnh hứng thú học tập và hợp tác tập thể cũng như khuyến khích sự tự chủ của học sinh trong học tập và sinh hoạt ở trường là những mục tiêu chủ yếu của sự đổi mới. Các môn học vẫn giữ một vai trò quan trọng trong học tập và giảng dạy”.

  Video: Hàng loạt học sinh trường làng trở thành thủ khoa đại học thế nào?



Vào ngày 25/3, ông Sahlberg, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về cải cách giáo dục, là một giáo sư thỉnh giảng thực hành tại Harvard Graduate School of Education đã viết trên The conversation về vấn đề này.

Ông cũng là tác giả của các sách bán chạy nhất "Bài học Phần Lan: Những gì thế giới có thể tìm hiểu về giáo dục ở Phần Lan?" được xuất bản lần đầu vào năm 2011 và gần đây đã được tái bản.

Trong bài viết của mình, GS Sahlberg nhấn mạnh rằng: “Dù có những đổi mới, các trường học Phần Lan vẫn tiếp tục dạy toán, lịch sử, nghệ thuật, âm nhạc và các môn học khác trong tương lai.”

Sau đó, ngày 26/3, tờ WashingtonPost có bài viết có tiêu đề “No, Finland isn’t ditching traditional school subjects. Here’swhat’s really happening” (Không, Phần Lan không bỏ các môn học truyền thống. Đây là những sự thực đang diễn ra). Bài viết này đã dẫn lại giải thích của Pasi Sahlbergtrong bài viết trên The conversation.

Tuy vậy, GS Sahlberg vẫn đánh giá cao những cải cách giáo dục này ở Phần Lan. Ông cho rằng, với những cải cách này, trẻ em cũng sẽ được tiếp cận những chủ đề rộng lớn hơn như chủ đề về Liên minh châu Âu, chủ đề cộng đồng và biến đổi khí hậu. Các em cũng có thể tiếp cận với chủ đề 100 năm độc lập của Phần Lan…

Từ đó, các em học sinh sẽ có kiến thức đa ngành về ngôn ngữ, địa lý, khoa học và kinh tế học.

Trước đó, trả lời VTC News về chủ đề này, PGS Văn Như Cương (Chủ tịch hội đồng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) cũng tỏ ra rất băn khoăn trước thông tin được nêu ra trong tờ The Independent  ngày 20/3/2015.

PGS Văn Như Cương cho rằng cần có những thông tin kiểm chứng từ chính các cơ quan giáo dục Phần Lan về nội dung này. Vị chuyên gia này cho rằng một người ở nước ngoài khó có thể hiểu hết về giáo dục của một đất nước khác nên rất dễ xảy ra hiểu lầm.

Thầy Cương cũng không đồng tình khi nói rằng giáo dục không còn mang giá trị trang bị kiến thức nữa, mà được coi là chứa đựng giá trị công cụ cho nền kinh tế.

“Tôi thấy quan niệm như vậy hơi lạ lùng. Họ nói giáo dục không mang giá trị kiến thức thì cũng không ổn”, PGS Văn Như Cương bày tỏ quan điểm.

Clip cô giáo đuổi tát nữ học sinh giữa lớp học gây sốc cộng đồng mạng


Minh Đức(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn