Xét xử Dương Tự Trọng: Có một tổn thất khác

Pháp luậtThứ Hai, 23/12/2013 01:39:00 +07:00

Trong vụ án này, Nhà nước đã bị mất 4 cán bộ công an, trong đó có một cán bộ cấp cao, một “khắc tinh” của giới tội phạm đất Cảng.

Trong cáo trạng, Viện KSND Tối cao đã nhận định: “Việc Dương Tự Trọng và đồng phạm tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, là phạm tội có tổ chức..."

Không phải ngẫu nhiên mà các cơ quan tố tụng sắp xếp phiên xét xử Dương Tự Trọng – nguyên Đại tá, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (cũng là em trai Dương Chí Dũng) và 6 đồng phạm về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài (dự kiến vào cuối tháng 12.2013) ngay sau vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm.

Dương Tự Trọng và Dương Chí Dũng
Trong cáo trạng, Viện KSND Tối cao đã nhận định: “Việc Dương Tự Trọng và đồng phạm tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, là phạm tội có tổ chức. Điều đáng nói là nó đã tạo nên dư luận xã hội không tốt, gây mất lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật”.

Đây chính là một tổn thất nặng nề đối với lực lượng công an nói riêng và các cơ quan bảo vệ tư pháp nói chung. Để có được một cán bộ công an, Nhà nước đã phải bỏ ra những khoản chi phí không hề nhỏ, nhất là để bồi dưỡng, đào tạo người đó trở thành một cán bộ chủ chốt trong lực lượng. Có thể nhìn thấy ngay trong vụ án này, Nhà nước đã bị mất 4 cán bộ công an, trong đó có một cán bộ cấp cao, một “khắc tinh” của giới tội phạm đất Cảng.

“Quân pháp bất vị thân” – đáng nhẽ Dương Tự Trọng phải là người hiểu rõ hơn ai hết tinh thần này. Nhưng tiếc thay, vị cựu đại tá này đã quyết vì tình riêng mà bỏ qua việc công. Khi giúp anh trai mình bỏ trốn, Dương Tự Trọng không thể không lường được trước những hậu quả sẽ xảy ra với bản thân nếu như vụ việc đổ bể. Đáng buồn hơn nữa, để thực hiện trót lọt phi vụ, với uy tín và mối quan hệ của mình, Trọng đã lôi kéo thêm 3 cán bộ cấp dưới và 3 người khác vào cuộc.

Qua vụ án này, có thể thấy, nếu những người thực thi công vụ không phân định rạch ròi giữa lý trí và tình cảm, giữa chuyện tư và việc công, không những họ gây ra những hậu quả nặng nề cho bản thân mà nghiêm trọng hơn, họ còn đánh mất niềm tin của người dân với lực lượng thực thi công vụ. Người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ vào sự nghiêm minh, công bằng của luật pháp mỗi khi xảy ra những vụ án liên quan tới người thân của những người đang trực tiếp thực thi công lý.

Để lấy lại niềm tin của nhân dân, phiên tòa tới đây sẽ phải đưa ra những bản án cực kỳ nghiêm khắc dành cho những người đáng lẽ phải giương cao lá cờ “thượng tôn pháp luật” – nhưng lại vì tình riêng mà bất chấp pháp luật, tiếp tay cho tội phạm.

Theo Dân Việt

Bình luận
vtcnews.vn