Xét xử đại án Oceanbank: Hà Văn Thắm làm thế nào quản lý hàng trăm tỷ đồng không cần sổ sách?

Pháp luậtThứ Năm, 31/08/2017 17:30:00 +07:00

Tại phiên tòa chiều nay (31/8), Hà Văn Thắm tiết lộ cách quản lý hàng trăm tỷ đồng chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn để chăm sóc khách hàng PVN mà không cần sổ sách, giấy tờ ghi chép.

Video: Nữ PTGĐ Oceanbank khai gì về khoản chi 1.500 tỷ trái pháp luật?

Theo cáo trạng, do ngân hàng Đại Dương (OceanBank) là ngân hàng nhỏ, khó khăn về vốn, hoạt động phụ thuộc rất lớn vào nguồn huy động từ nhóm khách hàng dầu khí, nên khi Nguyễn Xuân Sơn yêu cầu về việc chi thêm phí “Chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất trong hợp đồng tiền gửi, nhằm mục đích thu hút nguồn tiền gửi từ tập đoàn Dầu khí, đảm bảo thanh khoản của ngân hàng.

Hà Văn Thắm chấp thuận và đồng ý để Sơn được toàn quyền quyết định việc chi phí, thống nhất lấy từ nguồn thu phí “dịch vụ” thông qua công ty BSC để chi theo yêu cầu của Sơn.

ha-van-tham28129

 

HĐXX hỏi: Căn cứ nào mà bị cáo cứ chuyển tiền cho bị cáo Sơn để chăm sóc khách hàng mà không cần ghi chép, giấy tờ sổ sách?

Hà Văn Thắm trả lời: Bị cáo với anh Sơn có nói chuyện với nhau, dù không thống nhất cụ thể là chi 1% hay 2%, mà chi tùy theo nhu cầu của khách hàng, họ cần các chi phí lễ tết, khi họ có nhu cầu thì chuyển tiền. Tuy nhiên, phải đảm bảo không vượt quá 1%.

Bị cáo theo dõi các bảng biểu kê sau khi tiền về thì bị cáo thấy rất hiệu quả. Đặc biệt, là các khoản tiền gửi có kỳ hạn rất hiệu quả, nên là bị cáo thấy chi như vậy là hợp lý.

Hà Văn Thắm nói thêm, bị cáo xin trình bày 1 bí mật, bị cáo còn biết rõ nguồn tiền ký gửi là bao nhiêu, cái này chị Thu chị Phương làm, anh Sơn phụ trách…. Bị cáo thường xuyên theo dõi khoản tiền đó và bị cáo cảm thấy hiệu quả.

Thực ra đối  với anh Sơn, bị cáo đã hứa với anh ấy là không quan tâm và không hỏi lại là chi cho ai. Vậy làm thế nào để bị cáo biết, anh ấy chi mà không chiếm đoạt tiền? Bị cáo có khá nhiều biện pháp để kiểm tra, cụ thể nhất là bị cáo xem dòng tiền gửi về.

Do bị cáo có nghiệp vụ ngành ngân hàng nên bị cáo hiểu được sau khi ngân hàng chi, anh ấy có lấy tiền đó đi chăm sóc khách hàng hay không.

“Bị cáo có nói với anh Sơn là, cái gì phải chi anh cứ chi với khách hàng, còn với anh ngoài lương, thưởng, chế độ thì sẽ có những khoản khác. Bị cáo có bán cho anh Sơn 2 triệu cổ phiếu ưu đãi với giá 18.000 đồng, sau đó anh Sơn bán lại với giá 36.000 đồng, lãi được khoảng 40 tỷ đồng. Anh ấy mang tiền đó gửi tiết kiệm” – Hà Văn Thắm nói.

Hà Văn Thắm nhắc lại, bị cáo thì có nhiều biện pháp để biết số tiền có được chi không, thực ra do anh em tin nhau là chính thôi.

Bị cáo Thắm cũng tiết lộ, mức bị cáo chi để chăm sóc khách hàng thường là dưới 1% với PVN, còn với các ngành khác thì cũng tương đương, hoặc có lúc hơn.

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn