Xem U19 Việt Nam thế nào cho đúng?

Thể thaoThứ Bảy, 29/03/2014 08:00:00 +07:00

(VTC News) - U19 Việt Nam đã và đang được rất nhiều người yêu mến, nhưng cổ vũ cho các em thế nào cho đúng lại là điều không hề đơn giản

(VTC News) - U19 Việt Nam đã và đang được rất nhiều người yêu mến, nhưng cổ vũ cho các em thế nào cho đúng lại là điều không hề đơn giản.

U19 Việt Nam thắng ở châu Âu? Giấc mơ World Cup sắp thành hiện thực. U19 Việt Nam thua? Đây chỉ là những trận đấu giao hữu, kết quả không quan trọng.
Chắc hẳn bạn đọc đã bắt gặp không ít lần những cái tít kiểu như vậy chạy xen kẽ trong suốt gần 1 tháng qua, kể từ ngày U19 Việt Nam đặt chân lên đất Anh. Gần như không có bất cứ một sự phản biện nào, hoặc nếu có thì chỉ rập khuôn kiểu như chúng ta cần khắc phục các điểm yếu về chiến thuật, dứt điểm và tâm lý thi đấu. Những thứ được đem ra mổ xẻ dường như quá ít so với kỳ vọng mà người hâm mộ đặt vào thầy trò HLV Guillaume Graechen. Phải chăng người hâm mộ đang “dễ dãi” với thế hệ vàng mới của bóng đá Việt?
Đông Triều và Trùm Tỉnh bên Frank Rijkaard 

Để trả lời cho câu hỏi này, hãy quay lại lý do tại sao U19 Việt Nam được yêu mến tới vậy. Đây là lứa cầu thủ đồng đều nhất, hoàn thiện nhất cả về kỹ thuật lẫn thể lực mà bóng đá nước nhà từng sản sinh. Ở đây xin nhấn mạnh vào yếu tố “thể lực”, bởi rất nhiều thế hệ đàn anh của Công Phượng, Xuân Trường như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Văn Quyến, Công Vinh chẳng hề ngán Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore ở kỹ thuật cá nhân, nhưng lại luôn ở trong thế nhấp nhổm mỗi khi đối phương đá rát và dùng nhiều sức. 
Điều mà hơn 20 năm kể từ ngày bóng đá Việt Nam trở lại với đấu trường khu vực chưa làm được, nay U19 Việt Nam đã xuất sắc hoàn thành (thể hiện rõ nhất ở giải U19 Đông Nam Á). Vậy thì yêu mến, thậm chí thần tượng các học trò của thầy Giôm là đúng quá rồi.
Một sự nhầm lẫn "không nhẹ" cũng bắt đầu xảy ra từ đây. Vì quá yêu mến và kỳ vọng vào U19 Việt Nam mà khán giả nước nhà đã đồng nhất những Công Phượng, Xuân Trường… với báu vật, nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa. Khi thắng thì khen tới tấp, thậm chí đưa các em lên mây, còn khi thua cũng không dám chê quá, vì sợ các em bị tâm lý và “bị đau”.
U19 Việt Nam đã có 2 trận thắng ở châu Âu 

Đồng ý rằng việc ủng hộ U19 Việt Nam là điều mà những CĐV chân chính rất rất nên làm, nhưng ở chiều ngược lại, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những tồn tại của đội, để chỉ ra những điểm chưa được, và quan trọng hơn là để hướng tới những mục tiêu thiết thực trong tương lai dài hạn.
Tương lai ấy không nằm ở 2 tháng tập huấn ở châu Âu, nó cũng chẳng nằm ở World Cup 2022 – kỳ World Cup mà người yêu bóng đá Việt Nam đang hy vọng chúng ta được tham dự bằng thế hệ U19 hiện tại. Tương lai ấy nằm ở chính phát biểu của tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: “Trong 5 - 10 năm tới, khoảng 3, 4 CLB có cơ chế tài chính tốt, họ sẽ lập lại các mô hình như anh Đức. Với khoảng 4 mô hình như vậy, lực lượng có trình độ cao như vậy… đó chính là tương lai của bóng đá Việt Nam”.
Vậy là đã rõ. U19 Việt Nam vào lúc này mới chỉ là động lực, chứ chưa phải là mục tiêu mà nền bóng đá nước nhà hướng tới. Bởi dù sao, những gì mà thầy Giôm đang có trong tay lúc này mới chỉ là “tài sản” của bầu Đức, chứ chưa phải là của tất cả những gì tinh túy nhất ở trong nước. 
Hãy nhớ lại những gì mà huyền thoại người Hà Lan đồng thời là Đại sứ bóng đá của Học viện Montverde, Frank Rijkaard nhận xét: “Tôi không biết họ bao nhiêu tuổi, nhưng nếu họ ở độ tuổi từ 16 đến 18 thì trình độ của họ là rất tốt”. Điều đó có nghĩa, cựu HLV trưởng Barca kỳ vọng nhiều hơn thế đối với các cầu thủ khi họ ở tuổi 19. Thế hệ hiện tại của U19 Việt Nam là rất xuất sắc, nhưng để biết trình độ các em thực sự ở đâu thì phải chờ thời gian trả lời.
Còn lúc này, hãy bổ sung thêm nhiều nguồn cầu thủ nữa vào đội hình U19 Việt Nam hiện tại để tăng cường sức cạnh tranh, hãy phê bình các em nếu các học trò của thầy Giôm vẫn giậm chân tại chỗ hoặc tiến bộ quá chậm. Nhưng cũng xin hãy luôn ở bên cạnh các tuyển thủ, dù các em có thua đậm đến đâu.


Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn