Xem tên lửa siêu mãnh lực của Nga khai hỏa

Thế giớiThứ Tư, 22/12/2010 11:00:00 +07:00

(VTC News) – Nga đang tiến hành nghiên cứu, chế tạo ra loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới có khả năng “chọc thủng” lá chắn phòng thủ hiện tại và 40 năm sau.

(VTC News) – Nga đang tiến hành nghiên cứu, chế tạo ra loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới có khả năng “chọc thủng” lá chắn phòng thủ hiện tại, thậm chí nó có thể vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ của 40 năm sau.

 

Các quan chức quân sự cấp cao của Nga khẳng định rằng, mặc dù hiện nay Nga đang sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa mạnh nhất và hiệu quả nhất thế giới, song điều đó vẫn chưa đủ, Nga vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, chế tạo loại vũ khí mạnh hơn, hiệu quả hơn.

 

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Voyevoda của Nga là loại tên lửa mạnh nhất và hiệu quả nhất thế giới hiện nay. Nó có thể mang đồng thời 10 đầu đạn tác chiến với công suất 550 kt/mỗi quả và có tầm bắn xa lên tới 11.000 km.

 

 Mặc dù đang sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa mạnh nhất thế giới, song Nga vẫn tiếp tục nghiên cứu và phát triển tên lửa mạnh hơn.

Tuy nhiên, Nga vẫn chưa thỏa mãn với thành công của mình, giờ đây vẫn tiếp tục nghiên cứu, chế tạo tên lửa mạnh hơn và hiệu quả hơn Voyevoda để có khả năng “chọc thủng” bất cứ lá chắn phòng thủ hiện đại nào hiện nay cũng như trong 40 năm tới.

 

Công trình nghiên cứu này đã bắt đầu được triển khai vào năm 2009. Theo dự kiến, tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Nga sẽ bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 2016 để tiến hành thử nghiệm toàn diện, nếu thành công sẽ biên chế chính thức cho quân đội và sản xuất hàng loạt ngay sau đó.

 

Khi được hỏi về vấn đề, liệu tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Nga có vi phạm các điều khoản ghi trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới START-3, đại diện Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, nghiên cứu và phát triển loại tên lửa này không hề vi phạm các điều khoản ghi trong Hiệp ước.

 

Trong Hiệp ước START-3 không hề đề cập đến việc hạn chế nghiên cứu, chế tạo các loại tên lửa mới mà chỉ hạn chế dung lượng kho vũ khí cũng như số lượng tên lửa triển khai trên thực tế.

 

Đại diện Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, theo các điều khoản ghi trong Hiệp ước mới, mỗi bên (Nga và Mỹ) có quyền sở hữu tối đa 800 tên lửa đạn đạo. Đến nay Nga vẫn duy trì đúng con số này, tất cả đều vẫn ổn.

 

Mặc dù dự án nghiên cứu, chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa mới dường như là động thái mang tính nguy hại, song trên thực tế đây lại chỉ là phương tiện kiềm chế chứ không mang tính tấn công.

 

 

Hữu Kỷ - Nhật Minh (Theo Inosmi)

Bình luận
vtcnews.vn