Xe khách mùa "chặt chém"

Tổng hợpThứ Ba, 23/02/2010 03:21:00 +07:00

Xe chạy khoảng 5km, nhà xe bắt đầu thu tiền. Bình thường giá vé là 50 nghìn, nhưng không biết do đâu mà nhà xe thu lên 90 nghìn và tuyên bố: Không đi thì xuống!


Thức đêm mới biết đêm dài. Đúng là có trực tiếp ngồi trên xe khách trong những ngày cao điểm, dịp trước và sau tết mới biết nỗi khổ của các "thượng đế" trong mùa mà nhà xe coi là mùa "chặt chém". Tôi không muốn nói thêm về điều đó. Ở đây, tôi muốn đề cập đến một nguyên nhân tạo nên một mùa "chặt chém" cho các "nghệ sĩ xiếc" là những nhà xe một mùa làm ăn tấp nập bất chấp luật pháp.


Dịp trước và sau tết là thời điểm mà nhu cầu đi lại của hành khách tăng đột biến. Điều đó đã khiến các nhà xe tìm mọi cách "đáp ứng" nhu cầu của khách đi xe, đồng thời cũng ngang nhiên "chặt chém" các "thượng đế" của mình.


Nhưng đó chưa hẳn đã là nguyên nhân chính!


Xin lược kể một hành trình của chuyến xe Cẩm Thủy, Thanh Hóa - Mĩ Đình, Hà Nội (chạy trên tuyến đường Hồ Chí Minh) ngày mùng 9 (22/02/2010), các bạn sẽ biết nguyên nhân do đâu.


Chiếc xe 48 chỗ xuất bến với 83 hành khách trên xe... tất cả các ghế đôi đều được xếp 3 người ngồi, riêng hàng ghế dưới cùng có 5 ghế được ưu tiên nhất là 7 người/5 ghế. Còn lại không gian giữa được nhà xe gấp rút trang bị một hàng ghế nhựa khoảng gần hai chục chiếc, và phần mặt nền bên dưới cũng được trải chiếu để tận dụng tối đa. Không một hành khách nào nhấc nổi chân.


Khi hành khách phàn nàn, ban đầu nhà xe “kêu khổ”: “Mùa tết mà, các bác thông cảm cho nhau... Ai cũng muốn đi cả, bọn em cũng đâu có muốn...”; và sau đó là “Không đi thì xuống” và rồi... “Tao đ. cần. Mày xuống mẹ mày đi.. đừng có lôi thôi”. Thế nhưng khi một thanh niên đòi xuống giữa đường thì... làm sao mà xuống được! Không có chỗ chen chân để trèo qua cửa kính mà xuống chứ đừng nói là xuống đường cửa chính.


Chiếc xe chạy khoảng 5km, nhà xe bắt đầu thu tiền. Bình thường giá vé là 50 nghìn đồng. Nhưng không biết do đâu mà nhà xe thu lên 90 nghìn và tuyên bố thản nhiên: Tết giá cả tăng, ai không đi thì xuống... Hành khách thì không ai muốn bị muộn, nhỡ công việc và bị bỏ giữa đường nên cũng đành bàng hoàng méo mặt trả tiền.


Chiếc xe cứ ì ạch chạy... Từ Thanh Hóa ra đến bến Mĩ Đình qua cả thảy 4 trạm cảnh sát giao thông. Khi gần đến trạm kiểm soát, phụ xe quát tháo hành khách ngồi xuống, ai không ngồi được phải đứng thì cúi đầu, khom lưng xuống. Đến khi có hiệu lệnh còi, chiếc xe chạy lên trước một đoạn, xe dừng, một phụ xe nhảy xuống chạy ngược lại… Và không hiểu người phụ xe "phù phép" hay "làm ảo thuật" thế nào mà chiếc xe lại ì ạch chạy tiếp…


Chiếc xe ì ạch mãi thì cũng về đến bến Mĩ Đình Hà Nội. Hành khác chen chúc mãi mới xuống được xe. Thế nhưng không một cơ quan chức năng nào có mặt xem chiếc xe trả khách thế nào. BQL bến xe cũng không quan tâm xe chở bao nhiêu khách vào bến của mình và giá vé nhà xe thu hành khách là bao nhiêu?... Vậy mà những người có trách nhiệm vẫn cứ tuyên bố là quan tâm đến quyền lợi hành khách, là quản lý được giá vé theo quy định…


Có lẽ không cần phải nói gì thêm, ai cũng hiểu những điều kể trên có nghĩa là gì. Thiết nghĩ, bên cạnh nhu cầu đi lại của hành khác tăng quá lớn, thì chính những nguyên nhân trên đã biến các nhà xe thành những "nghệ sĩ xiếc" và biến những ngày trước và sau tết thành "mùa chặt chém" của nhà xe.


Thanh Thanh, [email protected]

Bình luận
vtcnews.vn