Xe đạp "soán ngôi" thời xăng, dầu tăng giá

Kinh tếThứ Sáu, 11/03/2011 01:00:00 +07:00

(VTC News) - Chiếc xe đạp vốn được lãng quên trong góc tối của nhiều gia đình giờ đây lại trở nên hữu dụng trong thời xăng, dầu tăng giá chóng mặt.

(VTC News) - Chiếc xe đạp - loại phương tiện dường như đã bị lãng quên trong góc tối của những gia đình khá giả, giờ lại trở thành vật “soán ngôi” trong thời kỳ xăng dầu tăng giá chóng mặt, đặc biệt trở thành công cụ tránh "viêm màng túi" của những chàng sinh viên khăn gói lên thành phố ăn học.

Bỏ tay ga chuyển qua dùng xe đạp

Đã qua rồi cái thời chọn những phương tiện sành điệu thể hiện đẳng cấp, nhiều gia đình chọn cách hạn chế bớt một phương tiện để tiết kiệm “phần nào hay phần đó”. Trong thời buổi xăng tăng giá vùn vụt, cộng với đường phố ách tắc lúc tan tầm, khiến nhiều người tỏ ra xót xa mỗi lần nổ máy hay rút ví tiền bơm xăng liên tục, để rồi lại than thở: “Bơm nhiều vậy, mà chẳng thấm tháp vào đâu, chưa đi được mấy đoạn đường, kim đồng hồ xăng đã báo hiệu sắp hết”.

Suốt nửa tháng qua, sau nhiều lần nghiến răng mua xăng tăng giá, anh Thành (nhân viên kinh doanh của một công ty máy tính ở Hà Nội) đã quyết định thay đổi thói quen di chuyển sao cho tiết kiệm nhất. Ngoài thời gian đi làm lên cơ quan và gặp gỡ khách hàng, những lúc đi chơi hay đi siêu thị, cửa hàng mua sắm, anh đều mượn chiếc xe đạp “cà tàng” của chàng sinh viên cùng phòng để “làm một cuốc”.

Anh Thành nhẩm tính: “Với chiếc xe ga Atilla Elizabeth (không có phun xăng điện tử) của mình, nếu đi 100km sẽ ngốn mất 3,5 lít xăng, mỗi ngày mình đi ít nhất cũng khoảng 30km, coi như tốn hơn 20.000 đồng. Nếu chỉ đến cơ quan và ngồi làm việc văn phòng thì mình sẽ chọn phương án tối ưu nhất là đi xe đạp, vừa tiết kiệm lại vừa khỏe người”.

Ngoài công việc bắt buộc phải sử dụng xe máy, anh Thành đều ưu tiên dùng xe đạp trong những lần đưa bạn gái thong dong đi chơi hoặc đi mua sắm lúc tan tầm.
Trường hợp của anh Thành cũng không phải là ngoại lệ. Không chỉ sinh viên mà nhiều công nhân viên chức cũng bắt đầu tính tới kế tiết kiệm nhiên liệu để “thắt lưng buộc bụng” trong thời buổi đắt đỏ này. Anh Lâm Tăng, một người khá am hiểu về các loại động cơ điện cho biết: Tùy vào từng loại xe, mỗi lần khởi động, xe sẽ tiêu hao một lượng nhiên liệu nhất định, ước tính tương đương khoảng 0,5 – 5km quãng đường mà chiếc xe đó đi. Để cụ thể hơn, anh Tăng đưa ra ví dụ: Chiếc xe số Jupiter của anh trung bình đi mất 2 lít xăng/100 km, như vậy, mỗi lần khởi động mất khoảng 10 ml xăng, tương đương quãng  đường đi được là khoảng 0.5 km. Chưa kể những lúc tắc đường, xe chỉ chạy ở mức độ duy trì và hầu như không chuyển động, nguồn nhiên liệu tiêu hao tốn gấp 1,5 – 2 lần so với mức đi lại thông thường.

Do đó, anh Lâm Tăng chia sẻ: “Mấy ngày gần đây, vào những giờ tan tầm, tôi vẫn thường dùng xe đạp để đón con đi học về, vì trường học cũng không quá xa nhà. Những lúc tắc đường, tôi và cháu dắt xe vào bên lề đường thong dong đi bộ, chứ đi xe máy thì chỉ ngửi khói và sức nóng của xe cộ phả vào mặt cũng khiến mình đủ mệt”.

Tuy không tính toán được số tiền cụ thể đã tiết kiệm được do không phải đổ xăng là bao nhiêu nhưng anh Tăng cảm thấy nhẹ nhõm phần nào bởi với anh: Khi đồng lương còn ít ỏi thì… bớt được đồng nào hay đồng ấy.

“Tích góp, bớt xén dần dần chắc cũng được một khoản kha khá để chi tiêu thêm cho việc ăn uống hay học hành của con” – anh Tăng tâm sự.


Ủng hộ xe “không khói”

Ngày nay, khi nhiều người coi xe gắn máy và ôtô là thước đo cho sự giàu có và sang trọng thì ông Nguyễn Hữu Sơn – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thống Nhất lại luôn ấp ủ một giấc mơ, đến một ngày, khi xã hội phát triển đến một mức nào đó, người ta lại muốn quay về với “ngày xưa”.

Trong các buổi trò chuyện, ông Sơn thường đem các câu chuyện trên thế giới để làm một phép so sánh với nước ta: Ở Mỹ, châu Âu, hay một số nước châu Á, ai đi xe đạp đến công sở đều được sự trân trọng của đồng nghiệp vì đó là phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. “Ở nhiều nước, họ phân luồng đường cho xe đạp đi, thậm chí xe đạp được quyền đi lên vỉa hè, vậy nên, khi làm đường, không bao giờ họ xây vỉa hè cao mà thường có độ thoai thoải để xe đạp có thể thuận tiện lên xuống. Họ có những ý tưởng kinh doanh liên quan đến việc cổ súy cho xe đạp như rạp chiếu phim, khán giả vừa xem phim vừa đạp xe; hay vào một quán ăn, nếu bạn đạp xe (chiếc xe được gắn với máy phát điện phục vụ cửa hàng) sẽ được trừ tiền ăn…

Từ năm 2008 cho tới bây giờ, công ty xe đạp Thống Nhất vẫn luôn khuyến khích cán bộ công nhân viên đi xe đạp đến nơi làm việc. Mỗi người được nhận 10 nghìn đồng cho một ngày đi xe đạp, ngoài ra Thống Nhất còn hợp tác với tập đoàn FPT để phát động phong trào đi xe đạp. Kết quả là sau ngày đầu tiên phát động, số tiền mua xăng tiết kiệm được đã lên đến hàng trăm triệu đồng.

 "Nếu chúng ta có được chiến lược cho phát triển loại xe “không khói” này, lợi ích thu được không chỉ là giảm nhập siêu, tiết kiệm về kinh tế mà còn là yếu tố xã hội, môi trường và văn hóa”. 
“Ngoài việc tiết kiệm chi phí nhiên liệu, so với phương tiện ô tô, xe máy, cộng thêm việc đảm bảo không gây ách tắc cho giao thông đô thị, xe đạp còn góp phần chống ô nhiễm và khí nhà kính. Không những thế, đi xe đạp còn giúp chúng ta rèn luyện sức khỏe, chống béo phì,…” – Một người dân ủng hộ cho chiến lược phát triển xe “không khói” bày tỏ sự đồng tình của mình.

Với những ưu việt của việc sử dụng xe đạp, trên thế giới, kể từ đầu thiên niên kỷ mới, hàng năm, sản xuất hơn 100 triệu chiếc xe đạp, trong đó hơn một nửa thuộc về đất nước Trung Quốc. Số lượng sản  xuất xe đạp này ngày càng tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2007, thế giới sản xuất 130.000.000 xe đạp, nhưng chỉ sau đó 1 năm, vào năm 2008, thế giới đã sản xuất được ước tính 2.400.000 xe đạp.

Tại các nước công nghiệp, người dân từ mọi tầng lớp thượng lưu trong xã hội hầu hết đều sở hữu ít nhất một xe đạp ở trong nhà. Riêng ở Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 4-5 tỷ đô la đầu tư cho thị trường bán lẻ xe đạp và phụ tùng xe đạp nhằm giảm ách tắc giao thông đường bộ, trong khi, ngành công nghiệp xe đạp toàn cầu thu được 20 tỷ USD/năm dựa vào việc bán xe đạp và phụ tùng liên quan tới xe đạp. Năm 2005, Trung Quốc sản xuất 79.000.000 chiếc xe đạp, chiếm tới 60% tổng lượng sản xuất xe đạp của cả thế giới.

“Rõ ràng, nếu chúng ta có được chiến lược cho phát triển loại xe “không khói” này, lợi ích thu được không chỉ là giảm nhập siêu, tiết kiệm về kinh tế mà còn là yếu tố xã hội, môi trường và văn hóa” – ông Nguyễn Hữu Sơn kết luận.

Phương Hạ
Bình luận
vtcnews.vn