Xây BOT 8 km, thu phí giá 'cắt cổ' khiến dân bức xúc

Thời sựThứ Ba, 22/08/2017 18:19:00 +07:00

Nhiều tài xế xe ô tô bức xúc khi qua trạm thu phí BOT đặt ở 2 tỉnh Khánh Hoà và Đắk Lắk với chiều dài toàn tuyến khoảng gần 8 km giá cắt cổ.

Theo tìm hiểu của PV báo điện tử VTC News, ngày 13/2/2015, Bộ GTVT đã có quyết định số 645/QĐ-BGTVT phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh thị xã Ninh Hòa (Khánh Hoà) và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 26 theo hình thức hợp đồng BOT. Khi hoàn thành, hai trạm thu phí được đặt ở 2 tỉnh Khánh Hoà và Đắk Lắk.

Xây 8 km đường cũng thu phí BOT

Tổng mức đầu tư cho dự án này trên 859 tỷ đồng (đã bao gồm cả lãi vay ngân hàng). Đơn vị chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng 501 (trụ sở tại TP Đà Nẵng).

Theo quy mô dự án, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa có tổng chiều dài 11 km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường ôtô, đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/giờ; đoạn đi qua địa phận tỉnh Đắk Lắk được xây dựng tại km 91+383 – km 98+800 (thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar), chiều dài toàn tuyến khoảng gần 8 km, quy mô đầu tư đường phố chính đô thị thứ yếu, vận tốc thiết kế 60 km/giờ.  

Tính đến tháng 8/2017, gần 8 km nói trên tại Đắk Lắk được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự kiến, trong tháng 8/2017 sẽ chính thức thu phí các phương thiện giao thông.

Tuy nhiên, dư luận đang rất chú ý, chỉ đi trên đoạn đường mới gần 8km mà phải đóng phí có hợp lý không? Vì thực tế, trong tổng số hơn 100km của Quốc lộ 26 (bắt đầu từ TP Buôn Ma Thuột đến huyện M’đrắk) chủ yếu là đường cũ, đầu tư bằng nguồn vốn từ Ngân sách.

12

Trạm thu phí tại Ea Knốp, huyện Ea Kar, Đắk Lắk.

Qua quan sát của PV, đa phần Quốc lộ 26 đang bị xuống cấp, hư hỏng hoặc sửa chữa chắp vá… Có thể kể đến như, từ km 52 (huyện Ea Kar) qua huyện Krông Pắk xuất hiện nhiều vị trí đường bị sụp lún, nứt nẻ.

Thời gian gần đây, dù đã được cơi nới, mở rộng hai bên mép đường, nhưng hiện nay tuyến đường đang bị sụp lún gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông. Từ cuối thị trấn Ea Knốp đến huyện M’đrắk, nhiều đoạn đường được bóc sửa chữa chắp vá, lòng đường hẹp; có những vị trí vừa bóc tách lớp trên, thảm mới lại hỏng.

Theo ông Trần Thanh Phương - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Cico 501 BOT Quốc lộ 26 (thành viên Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng 501), tổng kinh phí xây dựng 8 km đường nói trên theo dự toán ban đầu hết khoảng 200 tỷ đồng (tương đương 1 km làm hết 25 tỷ đồng), được bắt đầu từ cuối thị trấn Ea Kar đến đầu thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar (hướng Đắk Lắk – Khánh Hoà). Thời gian thu phí có thể được ấn định trong tháng 8/2017.

“Việc ấn định thời gian thu phí BOT tại Quốc lộ 26 do Bộ GTVT vào nghiệm thu, nếu đủ tiêu chuẩn Bộ mới đồng ý, chúng tôi mới được phép thu phí”, ông Phương thông tin.

(1)

 Quốc lộ 26 bị xuống cấp hư hỏng gây mất an toàn khi lưu thông.

Ông Phương cho biết thêm, theo phương án lập dự toán ban đầu sẽ tiến hành thu phí trên Quốc lộ 26 là 18 năm 6 tháng. Và sẽ được chốt lại trong đợt quyết toán vốn đầu tư cho đợt này, lúc đó mới tính toán lại thời gian thu phí.

“Trước mắt, trong giai đoạn này, chúng tôi làm 8 km nối liền thị trấn Ea Knốp và thị trấn Ea Kar theo tiêu chuẩn đô thị thứ yếu, rộng 14 mét. Sau lần này, quyết toán xong, Bộ sẽ cho phương án đầu tư nối dài thêm 15 km (hướng đi về TP Buôn Ma Thuột). Số km còn lại khi có nguồn vốn mới đầu tư thêm. Vì nếu tập trung đầu tư 1 lần nhiều quá, thời gian kéo dài khó thu phí hoàn vốn”, ông Phương nói.

Tài xế ô tô than trời vì thu phí "cắt cổ"

Do mới làm được 8 km nên dự kiến giá thu phí tại trạm này sẽ thấp hơn ở các tuyến quốc lộ khác. Cụ thể, giá xe con sẽ thu 25 nghìn đồng/xe/lượt (quốc lộ thu 35 nghìn đồng/xe/lượt), các phương tiện tải trọng khác cũng sẽ có mức giá ấn định, nhưng cam kết sẽ thu phí thấp hơn ở các tuyến quốc lộ.

Đơn vị chủ đầu tư sẽ thu phí 8 km này từ tháng 8/2017 đến đầu năm 2018; sau đó mới đầu tư giai đoạn 2 (làm thêm 15km), theo phương án vừa thu phí lấy kinh phí để đầu tư tiếp.

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc thu phí này, nhiều doanh nghiệp vận tải đã phản ứng.

“Nếu họ đầu tư liền một mạch xuyên suốt con đường rồi mới thu phí BOT thì chúng tôi ủng hộ.

Nhưng thực tế, chúng tôi đang đi trên con đường do Nhà nước bỏ vốn đầu tư mà phải đóng phí là vô lí” – một chủ doanh nghiệp vận tải xăng dầu ở TP Buôn Ma Thuột cho biết.

Video: Nhiều trạm thu phí BOT bị người dân phản ứng 

“Ở Đắk Lắk, dịch vụ kinh doanh vận tải đang phát triển rầm rộ và cạnh tranh nhau từng đồng giành khách hàng để sống. Nếu dựng BOT mà tăng phí thì chúng tôi không cạnh tranh được, nên đành chấp nhận nhận khoản lợi nhuận ít hơn mà bù vào phí BOT. Kiến nghị của chúng tôi mong muốn có con đường đẹp hơn, rộng hơn nối liến với Khánh Hoà mới thu phí thì hợp lí hơn", ông Lâm Ngọc Tiến, một chủ phương tiện vận tải ở TP Buôn Ma Thuột cho nói.

Ông Đỗ Quang Trà - Giám đốc Sở GTVT Đắk Lắk cho biết, việc triển khai nâng cấp, mở rộng và dựng trạm thu phí tại Quốc lộ 26 là chủ trương của Bộ, theo luật Đầu tư công và luật Giao thông đường bộ, chứ không phải dự án do Sở phụ trách.

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn