Xăm mình - thay vì kỳ thị, hãy nhìn theo một hướng khác

Tổng hợpThứ Sáu, 21/10/2011 03:51:00 +07:00

Hiện nay thú chơi xăm hình vẫn chỉ là dòng chảy ngầm trong lòng giới trẻ và chưa thực sự được chào đón...

Có thể nói, hiện nay thú chơi xăm hình không còn quá xa lạ với giới trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, nó vẫn chỉ là dòng chảy ngầm trong lòng giới trẻ và chưa thực sự được cả xã hội chào đón MỘT CÁCH THÂN THIỆN... CLB Xăm nghệ thuật Hà Nội ra đời và họat động hơn 10 năm nay được xem là sân chơi duy nhất để giới xăm có thể tham gia một cách an toàn, chuyên nghiệp. “Thay vì kỳ thị, tại sao chúng ta không nhìn nó theo một cách khác và biến nó trở thành một thú chơi lành mạnh, sạch sẽ hơn”- Anh Trần Chí Hiếu (Hiếu Orion)- Chủ tịch CLB Xăm Nghệ thuật Hà Nội chia sẻ.

 

Hiện nay, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh thú chơi xăm trổ, là Chủ tịch CLB Xăm nghệ thuật Hà Nội, anh nghĩ như thế nào?

Tôi chưa bao giờ hô hào hay cổ xúy mọi người nên yêu thích các hình xăm. Chơi xăm cũng như đua xe vậy. Ở phương tây thì nó là môn thể thao nhưng tới Việt Nam thì nó chưa được chấp nhận một cách tích cực.

Tôi cũng không đồng tình với những người cho rằng “xăm là một nghệ thuật đi tìm cái đẹp”. Nói thế là ngụy biện. Xăm đơn giản là một thú chơi cá tính, mà đã cá tính thì không dành cho đám đông. Nếu được tất cả đám đông chấp nhận thì có khi họ lại không thích chơi nữa. Nên không thể biến thú chơi xăm thành nhu cầu làm đẹp của mọi người được. 

Vậy CLB Xăm nghệ thuật ra đời với mục đích gì?

Cách đây hơn 10 năm, tôi đã bắt đầu bị hấp dẫn bởi những hình xăm. Có điều kiện đi nước ngoài, tôi cố gắng tìm hiểu những mô hình làm xăm chuyên nghiệp của họ và về nước áp dụng. CLB Xăm nghệ thuật Hà Nội ra đời từ đó. Và cho đến nay thì nó cũng là CLB đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam, còn lại chỉ là các cửa hàng xăm đơn lẻ. Mong muốn của tôi là tạo ra một sân chơi “sạch sẽ” cho những người thích chơi xăm. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng kết hợp với một số CLB  xăm của nước ngoài để tổ chức những bữa tiệc giao lưu, biểu diễn nhạc sống và trình diễn hình xăm.

Không cổ xúy giới trẻ chơi xăm, vậy anh làm thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu của khách lại vừa để cho người ta nhìn xăm, chơi xăm một cách thân thiện hơn?

Tôi sẽ không phạt khi nhân viên làm đổ vỡ, hỏng hóc cái gì đấy nhưng sẽ phạt rất nặng nếu họ quên trả kim xăm cho khách hàng. Có thể ra khỏi cửa là khách vứt đi nhưng không bao giờ được để lại kim đã xăm ở CLB. Làm như thế vừa để đảm bảo an toàn cho khách hàng vừa hướng cho CLB đi theo sự chuyên nghiệp. “CLB Xăm nghệ thuật” không chỉ để xăm, mà còn có tư vấn cho những người chơi xăm, dạy kỹ thuật xăm, chăm sóc khách hàng trước và sau khi xăm. Chăm sóc khách hàng phải được đặt lên hàng đầu. Nhiều người đến xăm chỉ vì một phút bốc đồng, hứng chí mà chưa chắc chắn về hình xăm của mình, khi được tư vấn thì họ nghĩ lại và không xăm nữa.

Khi được yêu cầu một hình xăm sốc hoặc xăm ở chỗ kín, anh làm thế nào?

Với tôi, không quan trọng là hình xăm sốc hay xăm ở chỗ nào, bởi đó là cá tính của khách hàng, tôi tôn trọng. Nhưng CLB không nhận xăm cho các bạn trẻ dưới 18 tuổi. Khi khách đến xăm, CLB cũng sẽ tư vấn và khuyên họ nên suy nghĩ kỹ trước khi xăm. Ví dụ, nhiều bạn muốn xăm tên người yêu lên người thì có tới 90% các bạn đều phải quay trở lại để thay. Cái gì mà có thể ảnh hưởng không tốt đến khách hàng thì tôi khuyên họ không nên làm. Phần lớn là ra về, một số sau đó quay trở lại, nhưng khi đó, tôi cảm nhận là họ đã chắc chắn và sẵn sàng để đón nhận một hình xăm rồi.

 
Anh thích chơi xăm và đang làm chủ một CLB  xăm hình nhưng lại chỉ có mỗi một hình xăm nhỏ trên người, điều này có vẻ… hơi lạ?

Thật ra đâu nhất thiết thích xăm thì phải xăm trổ hầm hố đầy người. Kể cả các tattoo artist của CLB cũng thế, nhiều bạn chỉ có một hình xăm duy nhất. Có lẽ, với tôi thì nhu cầu xăm bé hơn nhu cầu xây dựng một thương hiệu xăm “sạch” để kiếm tiền.

Nói thế có vẻ mang tính thương mại quá?

Ngày xưa tôi đã xây dựng khá nhiều mô hình như chơi rock, mô hình dạy học đàn online nên đã có ít nhiều kinh nghiệm. Theo tôi, khi đã xác định dự án nào đó để kinh doanh thì người ta sẽ nghiêm túc với nó hơn rất nhiều so với chỉ có đam mê, yêu thích thôi. Tiền có thể không phải là vấn đề quan trọng đầu tiên nhưng nó đánh giá sự thành công của đam mê.

Dù gì thì người Việt vẫn chưa thực sự chấp nhận hình xăm với cái nhìn thiện cảm, chắc hẳn 10 năm qua CLB gặp không ít khó khăn?

Tôi không đặt ra chỉ tiêu là phải thu hút được nhiều khách đến câu lạc bộ để xăm mình. Vì thế, khó khăn của tôi không nằm ở doanh thu mà chính là con người. Tôi đã mất một số bạn trẻ artist, họ đang sống ở đâu đó ngoài kia, mở cửa hàng và tự hoạt động. Họ tách ra vì họ không sống được trong môi trường tập thể. Cũng may, con số này ít thôi. Những người ở lại thì tập trung vào công việc của mình với lộ trình mà CLB đã vạch ra. Nhìn chung các tattoo artist thì khó ngồi với nhau. Người Nhật nghĩ họ là hạt cát còn người Việt Nam lại luôn nghĩ mình là ngọc. Mà ngọc thì chỉ muốn đứng một mình tỏa sáng. Tôi giúp họ hiểu rằng họ là những hạt cát và họ sẽ mạnh khi đứng cùng nhau, hạt cát đó có thể xây lên cả Vạn Lý Trường Thành. Còn cá tính thì thể hiện qua hiệu quả công việc, qua khả năng của mỗi người rồi.

Tố chất của một tattoo artist là gì?

Trước hết phải có kỹ năng  xăm, từ xăm 2D đến 3D. Nhưng kỹ thuật chỉ chiếm 50% vì đây là một sản phẩm dịch vụ, và dịch vụ thì quan trọng hơn nhiều. Những người thợ xăm phải đủ kiến thức về đồ họa, màu sắc, tử vi… để tư vấn cho khách. Hiện tại, CLB có 10 tattoo artist, chủ yếu là sinh viên mỹ thuật, một số bạn học kinh tế, một số bạn đã làm công việc khác nhưng thỉnh thoảng vẫn đến tham gia CLB. Họ là những người say mê và có năng khiếu về xăm hình. Hàng tuần, các bạn đều có tranh vẽ bằng tay nộp cho tôi và tập xăm trên những miếng bì lợn. 

 
Mỗi một thú chơi đều mang lại một giá trị nhất định, vậy với những hình xăm, người ta tìm thấy cái gì?

Khách hàng của tôi có rất nhiều đối tượng, từ các bạn trẻ đến bác sĩ, giáo viên, cán bộ sở thuế, những phụ nữ đi sửa vết mổ đẻ, sửa vết nâng ngực... Họ đến vì sở thích. Không ai đến xăm vì nó là nghệ thuật cả. Mà đơn giản muốn sở hữu một hình xăm, thể hiện cá tính của mình. Họ cũng không thích phô trương bằng cách xăm những chỗ lộ thiên, đôi khi chỉ là một con chuồn chuồn bé xíu gần vai, hay một chữ cái bé tẹo ở sau lưng…

Xây dựng một mô hình “xăm sạch”, nghĩa là anh cũng phải lựa chọn đối tượng khách hàng?

CLB không lựa chọn khách hàng mà tạo ra một không gian để khách hàng tự quyết định có nên đến hay không. Nhiều dân xăm trổ anh chị không đến với CLB, vì nhìn phong cách khác hẳn. Ở CLB, tất cả tattoo artist đều là những người trẻ, văn minh, lịch sự, không văng tục, không hút thuốc lá trong văn phòng… Tôi mong muốn mọi người tìm đến CLB không phải chỉ để có một hình xăm mà còn để tìm những kiến thức về thú chơi cá tính này.

Cảm ơn anh!

Thanh Hương


Bình luận
vtcnews.vn