Vì sao sụt lún đang lan rộng khắp Sài Gòn?

Thời sựChủ Nhật, 23/04/2017 07:44:00 +07:00

Từ vài điểm nhỏ trên địa bàn bị biến dạng sụt lún, sau 20 năm, tình trạng lún mặt đất đã lan rộng khắp TP.HCM, tác động xấu đến cơ sở hạ tầng và đời sống người dân.

PGS.TS Lê Văn Trung (trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM) và cộng sự vừa đưa ra những số liệu về tình trạng sụt lún mặt đất tại TP.HCM. Nó được cho là làm hạ thấp các mốc độ cao quốc gia trên địa bàn, ảnh hưởng lớn đến việc xác định cốt nền xây dựng, thiết kế và thi công các công trình chống ngập.

"Đây là vấn đề đáng báo động để có giải pháp kịp thời phục vụ phát triển bền vững TP.HCM. Nhất là đối với các công trình thoát nước, chống ngập triều hiện nay", ông Trung nói.

Theo nghiên cứu, 20 năm trước, biến dạng lún xuất hiện lần đầu tại một vùng nhỏ thuộc quận 6 và Bình Thạnh. Vài năm sau lan ra các quận 7, 8, 9, 11, 12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp và huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.

Hinh anh

 Sụt lún mặt đường năm 2010 tại TP.HCM.

Giai đoạn 2002-2010, nền đất TP.HCM không phát triển nhiều vùng lún mới nhưng độ lún tăng nhanh tại quận 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh với giá trị cao nhất lên đến 309 mm.

Từ năm 2011 đến nay, khu vực trung tâm thành phố tương đối ổn định, vùng lún chủ yếu xuất hiện tại Nhà Bè, Bình Chánh.

Vì sao nền đất Sài Gòn sụt lún?

Qua phân tích điều kiện địa hình, địa chất công trình, thủy văn và đặc điểm về mật độ dân số, xây dựng… nhóm nghiên cứu kết luận nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sụt lún là khai thác nước ngầm, xây dựng công trình trên nền đất yếu và do hoạt động giao thông.

Ông Trung phân tích thêm, thành phố có địa hình bằng phẳng và thấp, thường xuyên bị ngập do triều. Trong quá trình đô thị hóa, các quận mới và khu công nghiệp đều dùng nước ngầm như nguồn nước chính. Việc bêtông hóa bề mặt trong quá trình xây dựng đã làm tăng diện tích bề mặt không thấm, ngăn quá trình thấm từ trên xuống tầng chứa nước.

Kết quả tính toán từ các nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ bêtông hoá đô thị và việc khai thác nước ngầm quá mức đã làm hạ mực nước dưới đất trung bình 2m mỗi năm.

Hinh anh

 Mống chân cầu bộ hành trên đường Võ Văn Kiệt (quận 8, TP.HCM) bị sụt lún khá nghiêm trọng hồi tháng 6/2015. 

Với hơn 60% diện tích đất có địa hình thấp (dưới 2m), lún mặt đất có ảnh hướng lớn với những khu vực ngập triều và làm hư hỏng các công trình trong quá trình phát triển của đô thị.

"Ước tính, đến năm 2070 mực nước biển tăng lên 50cm. Nếu không có giải pháp quản lý kịp thời, lún mặt đất kết hợp với sự dâng cao của mực nước biển sẽ tạo ra áp lực rất lớn đến chương trình điều hành thoát nước và chống ngập của thành phố", ông Trung cảnh báo.

Chuyên gia nhận định, so với các đô thị lớn trên thế giới như Mexico, Thượng Hải và một số thành phố lớn ở Nhật, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của lún mặt đất theo thời gian ở TP.HCM không đáng kể.

"Tuy nhiên, nếu không có biện pháp kịp thời, sự phát sinh và mở rộng vùng hạ thấp dần độ cao sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hạ tầng của thành phố. Đặc biệt là công trình metro, chống ngập triều, việc xác định cốt nền xây dựng và đời sống người dân ở khu vực có địa hình thấp", ông nói.

Giải pháp hạn chế sụt lún

Từ những dữ liệu trên, nhóm nghiên cứu đề xuất những giải pháp hạn chế sụt lún mặt đất TP.HCM như: không phát triển đô thị trên vùng đất yếu, có địa hình thấp (dưới 2m); tạo triệt để phân vùng cấm và hạn chế xây dựng mới các công trình khai thác nước dưới đất.

Ngoài ra, để hạn chế việc hình thành các phễu hạ thấp mực nước ngầm, phải cung cung cấp nước mặt đủ cho nhu cầu sử dụng các khu đô thị mới và khu công nghiệp. Song song với giải pháp trên, thành phố nên nghiên cứu biện pháp cụ thể bổ cập nước mưa cho từng tầng chứa nước, hồ điều tiết, thay vì để nước mưa tràn lan trên mặt đất gây ngập.

Theo nhóm nghiên cứu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp cho TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long kết quả kiểm tra mốc độ cao tại khu vực vào năm 2014 và 2015. Do đó, thành phố nên cung cấp sớm cho các cơ quan khảo sát thành lập bản đồ, quy hoạch thiết kế và thi công công trình để cập nhật và xác định đúng cao trình (theo hệ tham chiếu quốc gia).

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia được thực hiện bằng phân tích dữ liệu, hình ảnh từ năm 1992 và liên tục được giám sát, cập nhật theo "đặt hàng" của TP.HCM khi tình trạng lún mặt đất trên địa bàn đang rất được quan tâm.

Video: Thần sông "nuốt gọn" căn nhà ở miền Tây

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn