Trực tiếp: Bão số 2 chuẩn bị đổ bộ đất liền, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh mưa rất to

Thời sựChủ Nhật, 16/07/2017 20:31:00 +07:00

Dự báo rạng sáng 17/7, bão số 2 mạnh cấp 9 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và gây mưa to đến rất to cho khu vực này.

Video: Sáng mai, bão số 2 mạnh cấp 9 đổ bộ các tỉnh Thanh Hóa - Hà Tĩnh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 (tên quốc tế là Talas) ở vịnh Bắc Bộ đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8-9, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to như Hoành Sơn (Hà Tĩnh) 86mm, Ba Đồn (Quảng Bình) 78mm, Cồn Cỏ (Quảng Trị) 196mm...

Hồi 16h ngày 16/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa-Hà Tĩnh khoảng 240km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 11-12.

Trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 22h ngày 16/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Thanh Hóa-Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 11-12.

Trong 6 đến 12 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 4h ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 10-11.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Trung Lào.

Đến 16h ngày 17/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 103,6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (50-60km/giờ), giật cấp 7-8.

imageresize (3)

Đường đi và vị trí cơn bão số 2. (Ảnh: KTTV) 

Do ảnh hưởng của bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) tiếp tục có gió mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-12; sóng biển cao từ 4-5m, vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sóng cao từ 2-4m; Biển động rất mạnh.

Từ tối và đêm nay (16/7), trên vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11; ven biển các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-10; ở các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình và sâu trong đất liền khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh có gió giật cấp 6-8.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.

Từ 16-18/7, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to: Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An 250-350mm; các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Hà Tĩnh 150-250mm; các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên 100-200mm; các khu vực khác của Bắc Bộ và các tỉnh từ Quảng Bình-Thừa Thiên Huế 50-150mm. 

Từ 17-20/7, một đợt lũ sẽ xuất hiện trên thượng lưu hệ thống sông Hồng với biên độ lũ lên từ 2-3m, trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh biên độ lũ lên từ 4-6m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái ở mức BĐ2; sông Hoàng Long tại Bến Đế ở mức BĐ1; trên sông Hiếu (Nghệ An), sông Bưởi và thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa) ở mức BĐ1 và trên BĐ1; trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh, sông Kiến Giang (Quảng Bình) ở mức BĐ1-BĐ2; hạ lưu sông Mã và sông Cả còn dưới mức BĐ1.

Lũ lớn trên các sông suối nhỏ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở vùng trũng có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, đặc biệt một số tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Video: Hà Tĩnh đưa thuyền về neo đậu ở nơi an toàn tránh bão số 2

Ngập úng tại các khu đô thị, các thành phố lớn có nguy cơ xuất hiện như: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh.

Trong đêm nay, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m; biển động. Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-8. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, gió mạnh ở vùng biển phía Nam: cấp 1-2.

24 tỉnh thành họp khẩn trước giờ bão đổ bộ

Sáng 16/7, nhằm chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 2, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có cuộc họp khẩn trực tuyến với 24 tỉnh, thành phố.

Cuộc họp trực tuyến có sự tham gia của đại diện các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình,Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cuộc họp.

123

  Thứ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo tại cuộc họp.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 2, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thắng đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để triển khai việc thông báo kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vòng nguy hiểm.

Các địa phương, đơn vị hoàn thành các công việc trên trước 17h ngày 16/7; chủ động cấm biển để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (vùng tâm bão dự báo đi qua) quyết liệt triển khai sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thuỷ sản, vùng thấp trũng ven biển đến nơi an toàn tuyệt đối..

Đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch, hoàn thành trước 17h ngày 16/7.

Các ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin cảnh báo và sẵn sàng các phương tiện đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều hạ du các hồ khi có lệnh xả lũ, đặc biệt là khu vực hạ lưu thủy điện Hòa Bình sau nhiều năm chưa vận hành xả lũ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn để xử lý các tình huống có thể xảy ra, đặc biệt đối với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến các kỹ năng ứng phó với bão và mưa lũ theo tài liệu cung cấp từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. 

3.500 khách mắc kẹt ở đảo Cô Tô

Đầu giờ chiều 16/7, theo nguồn tin từ UBND huyện Cô Tô, do ảnh hưởng của bão số 2, hiện có khoảng 3.500 khách du lịch, trong đó có 14 khách nước ngoài chưa thể về đất liền; 523 phương tiện tàu thuyền đang hoạt động, đã có 116 phương tiện vào nơi tránh trú an toàn.  

Huyện Cô Tô đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh nhà nghỉ bố trí chỗ ở ổn định, an toàn cho du khách, thông báo cho tàu thuyền hoạt động về nơi tránh trú an toàn.

1500207921-a1_rhle

   Do ảnh hưởng của bão số 2, khoảng 3.500 khách du lịch kẹt lại trên đảo Cô Tô.

Cũng trong ngày hôm nay, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa ngừng cấp phép đối với 481 tàu du lịch từ 13h ngày 16/7, yêu cầu các tàu đang trên vịnh quay về đất liền trả khách, di chuyển về nơi tránh trú đã được thông báo.

Từ 6h ngày 16/7, tàu từ các tuyến đảo về đất liền đã ngừng hoạt động do biển động. Tuy nhiên, trên các đảo đang còn 5.126 khách du lịch, trong đó có 30 khách quốc tế.

10 chuyến bay bị hủy do ảnh hưởng của bão số 2

Sáng 16/7, các hãng hành không Vietnam Airlines (VNA), Jetstar Pacific (JPA) và VASCO (0V) thông báo hủy nhiều chuyến bay do ảnh hưởng của cơn bão số 2.

Các chuyến bay bị hủy tại một số tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ như sân bay Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình) trong chiều tối 16/7.

Cụ thể VNA sẽ không khai thác 4 chuyến trên đường bay giữa Hà Nội/TP.HCM và Vinh, gồm VN1714, VN1715, VN1268, VN1269 trong tối 16/7. Hãng sẽ triển khai kế hoạch bay bù các chuyến trên trong ngày 17/7.

10 chuyen bay bi huy do anh huong bao so 2 hinh anh 1

 Để đảm bảo an toàn cho hành khách, các hãng hàng không đã phải hủy nhiều chuyến bay. (Ảnh: VNA)

Hãng JPA không khai thác 4 chuyến trên đường bay giữa Vinh/Đồng Hới và TP.HCM gồm BL524, BL525, BL350, BL351.

Hãng VASCO sẽ không khai thác 2 chuyến bay trên đường bay giữa Hà Nội và Đồng Hới, gồm 0V8590, 0V8591.

Đại diện các hãng hàng không khẳng định hành khách trên chuyến bay bị ảnh hưởng sẽ được chuyển đổi miễn phí sang các chuyến bay cùng hành trình trong ngày hôm sau nếu còn chỗ.

Bên cạnh đó, các hãng khuyến nghị hành khách đang có kế hoạch đến, đi từ các sân bay Nội Bài, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới, Phú Bài, Đà Nẵng trong thời gian này nên thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thông tin của các hãng nhằm chủ động lịch trình đi lại.

Nhóm PV
Bình luận
vtcnews.vn