Phòng cháy chữa cháy ở chung cư: 'Cảnh sát đảm bảo đến tầng 16, cao hơn chủ đầu tư chịu trách nhiệm'

Thời sựThứ Ba, 11/04/2017 22:36:00 +07:00

"Xe thang dùng chữa cháy trên cao cũng chỉ tới tầng 16 nên ý thức tự giác, trách nhiệm của chủ đầu tư của người dân phải rất cao", Đại tá Nguyễn Tuấn Anh nói.

Chiều 11/4, tại cuộc họp giao ban Thành ủy Hà Nội, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đã báo cáo về tình hình cháy nổ quý I/2017 và phương hướng nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2017.

Báo cáo nêu rõ, trong quý I/2017, trên địa bàn Thành phố Hà Nội xảy ra 291 vụ cháy làm thiệt hại trên 34 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ cháy nghiêm trọng tăng thêm 1 vụ, thiệt hại tài sản tănggần 7 tỷ đồng.

Trong cuộc họp giao ban, rất nhiều phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến vụ cháy 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy - Hà Nội) khiến 13 người chết năm 2016. Về vấn đề này, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: "Ngoài chủ cơ sở kinh doanh, thợ hàn... những người trực tiếp gây ra vụ cháy bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy, phường sở tại, công an, PCCC đều đã bị cảnh cáo, khiển trách".

Hinh anh

Họp giao ban Thành ủy Hà Nội chiều 11/4. Ảnh Hoàng Duy 

Về vấn đề kiểm tra các quán karaoke, quán bar trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây diễn ra như thế nào, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho hay: "Qua kiểm tra hơn 1000 quán karaoke trên địa bàn thành phố tính hết 31/12/2016, chúng tôi đã tạm đình chỉ 126 cơ sở, tạm dừng hoạt động 531 cơ cở, 657 cơ sở tạm thời đáp ứng yêu cầu theo yêu cầu trước đây".

Liên quan đến vấn đề PCCC ở những khu chung cư cao tầng, các trung tâm thương mại lớn, có một thực tế là nhiều chung cư chưa hoàn thành việc lắp đặt các thiết bị PCCC nhưng đã để người dân vào sinh sống.

Trả lời vấn đề này, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó giám đốc Cảnh sát PCCC  Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đã nắm bắt được những vụ việc này và đã mời chủ đầu tư làm việc để thông nhất phương án xử lý.

Để xảy ra việc này trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ đầu tư. Một năm lực lượng PCCC chỉ có 4 lần đi kiểm tra cho nên trách nhiệm này là thuộc về chủ đầu tư và chính quyền địa phương".

))))))

Hiện trường vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy - Hà Nội).

"Đối với những tòa nhà chung cư cao tầng, chúng tôi chỉ đảm bảo đến tầng 16 thôi còn cao hơn chủ đầu tư phải tự đảm bảo. Xe thang dùng chữa cháy trên cao cũng chỉ tới tầng 16 nên ý thức tự giác, trách nhiệm của chủ đầu tư của người dân phải rất cao", Đại tá Nguyễn Tuấn Anh nói.

Nhận định về tình hình cháy nổ nói chung qua theo dõi diễn biến những năm gần đây, Giám đốc Cảnh

sát PCCC Hà Nội cho rằng có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan và tiềm ẩn từ quá trình lịch sử chưa khắc phục được.

Trong khi dân cư ngày càng phát triển, sản xuất, các loại hình dịch vụ gia tăng dẫn theo nguồn lửa, nguồn nhiệt và chất dễ cháy gia tăng. Trong khi đó, hạ tầng xã hội lạc hậu, xuống cấp, ngõ ngỏ, giao thông, nguồn nước cũng hạn chế.

Các cơ quan, tập thể, cá nhân vẫn còn coi thường, chủ quan với việc PCCC. Vấn đề biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài cũng là nguyên nhân tiềm tàng nguy cơ cháy nổ.

Cũng trong buổi họp báo, trả lời về vụ nổ ở Văn Phú - Hà Đông năm 2016, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho rằng: "Đó là bài học cảnh tỉnh cho những người dân kinh doanh sắt vụn. Do thiếu hiểu biết nên mang vật liệu nổ ra cưa cắt dẫn tới những thiệt hại nặng nề cả về người và của".

Qua vụ việc này, Cảnh sát PCCC Hà Nội chỉ đạo chính quyền các cấp rà soát lại bởi đây cũng là loại hình kinh doanh cần quản lý, tuyên truyền và thường xuyên kiểm tra. Ngoài kiểm tra bằng mắt thường, sắp tới lực lượng PCCC còn kiểm tra bằng máy dò bom mìn để hạn chế nguy cơ.

Video: Hiện trường hoang tàn của quán karaoke sau vụ cháy khiến 13 người chết

Hoàng Duy
Bình luận
vtcnews.vn