IPU 132: Chiến tranh mạng đe dọa hòa bình an ninh thế giới

Thời sựChủ Nhật, 29/03/2015 05:20:00 +07:00

Các đại biểu tham dự IPU 132 đều có chung quan điểm chiến tranh mạng đang đe dọa hòa bình và an ninh thế giới.

(VTC News) – Các đại biểu tham dự IPU 132 đều có chung quan điểm, chiến tranh mạng đang đe dọa hòa bình và an ninh thế giới.

Cuộc chiến không tiếng súng

Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132), ngày 29/3, Uỷ ban Thường trực về Hoà bình và An ninh Quốc tế thảo luận về dự thảo Nghị quyết "Chiến tranh mạng - mối đe doạ nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh thế giới".
Chiến tranh mạng
Ngày nay, hầu hết các cuộc xung đột chính trị, kinh tế hay quân sự đều có sự tham gia của yếu tố công nghệ cao
Trong những năm qua, việc sử dụng Internet và các hệ thống máy tính kết nối ngày càng lớn đã dẫn đến sự gia tăng mạnh về số lượng các cuộc tấn công trên không gian mạng. Ngày nay, hầu hết các cuộc xung đột chính trị, kinh tế hay quân sự đều có sự tham gia của yếu tố công nghệ cao.

Chính vì vậy, thuật ngữ "chiến tranh mạng" thường xuyên được các phương tiện truyền thông sử dụng để mô tả các tình huống khác nhau với nhiều hậu quả cho dù chúng không phải luôn luôn liên quan toàn bộ đến chiến tranh mạng.

Ông José Carlos Mahía, đoàn Uruguay, đồng báo cáo viên của Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế chia sẻ: “Chiến tranh mạng là một vấn đề cấp bách nhưng những gì chúng ta biết về cuộc chiến này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

“Vì thế việc nghị viện các nước thảo luận về chiến tranh mạng là điều rất quan trọng. Trong các cuộc thảo luận, chúng ta cũng nên nhớ rằng tất cả những vấn đề an ninh vẫn phải đảm bảo tôn trọng quyền con người và quyền tự do cá nhân”, ông José Carlos Mahía nhấn mạnh.

Cận cảnh dàn siêu xe đặc dụng của Công an Hà Nội bảo vệ cho IPU 132


Nguồn: Vietnam +

Cũng có cùng quan điểm này, bà Karen Makishima, Nghị sỹ Quốc hội Nhật Bản cho hay, 97% cuộc tấn công mạng vào Nhật Bản bắt nguồn từ nước ngoài.

Điều này theo bà khiến cuộc chiến trên mạng trở nên "độc nhất" bởi không hề có giới hạn về địa lý, thời gian, không tốn kém và hoàn toàn có thể thực hiện trên diện rộng.

"Đây là cuộc chiến hoàn toàn không đổ máu nhưng lại có thể gây hậu quả chết người," đại diện từ Nhật Bản nói.

Trong khi đó, ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết, những năm gần đây, đang có tình trạng các website, cổng thông tin điện tử trở thành mục tiêu tấn công hoặc thậm chí là đánh cắp thông tin thường xuyên của tin tặc.

Nhiều máy tính của cơ quan Nhà nước theo ông Hồng gần đây cũng đã bị lây nhiễm phần mềm gián điệp hoặc là mục tiêu tiến công mạng từ các máy tính khác để chiếm quyền điều khiển.

Đề xuất lập nhóm ứng cứu an ninh mạng


Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là vai trò nghị viện có thể hoặc nên thực hiện, đặc biệt là bằng cách sử dụng quyền lập pháp và giám sát của mình để đảm bảo rằng các Chính phủ tôn trọng các cam kết và nghĩa vụ hiện tại của mình hoặc tạo áp lực để khuyến khích họ đóng góp vào các hành động cụ thể khác.
Chiến tranh mạng
Các quốc gia cần hợp tác để chống lại chiến tranh mạng (Ảnh minh họa) 
Xuất phát từ thực tiễn, một số đại biểu cũng nêu thực tế trong nhiều trường hợp, việc áp dụng các ứng dụng hiện hành của luật pháp quốc tế không phải là một giải pháp hoàn hảo.

Do đó, Luật an ninh quốc tế đòi hỏi phải sửa đổi và cần có cách giải thích khác cho các quy định hiện hành nếu không áp dụng được hoàn toàn các quy tắc mới.

Đại diện Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh Quốc tế cho rằng, cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế đối với tội phạm trong lĩnh vực an ninh mạng vẫn còn khá lỏng lẻo.

Thậm chí, theo đại diện cơ quan này, khái niệm về hành vi cấu thành “hoạt động chiến tranh mạng” hiện vẫn chưa thống nhất giữa các quốc gia với nhau.

Vì vậy, ông Vũ Xuân Hồng, đại diện của Việt Nam khuyến nghị tổ chức Liên hợp quốc cần khẩn trương xây dựng Công ước quốc tế về bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng.

Bên cạnh đó, Liên minh Nghị viện Thế giới cũng cần đưa ra tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia cam kết không tiến công lẫn nhau trên không gian mạng dưới bất kỳ hình thức nào.

Ngoài ra, ông Vũ Xuân Hồng nhận định, một trong những vấn đề quan trọng khác là các quốc gia thành viên cần tăng cường hợp tác, trao đổi, đào tạo nhân lực. Đại diện Việt Nam đề xuất các quốc gia có thể phối hợp thành lập nhóm chuyên gia ứng cứu an ninh mạng khi sự cố xảy ra.

Không chỉ quan tâm tới hợp tác giữa các nước, bà Satabdi Roy, nghị sỹ Quốc hội Ấn Độ nhấn mạnh việc tự phòng thủ của mỗi quốc gia.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến việc cần chú ý là sự phối hợp giữa Chính phủ và khu vực tư nhân để nâng cao khả năng phòng thủ với những cuộc chiến công nghệ.

Dự kiến, dự thảo Nghị quyết "Chiến tranh mạng - mối đe doạ nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh thế giới" sẽ được thông qua Đại hội đồng IPU-132.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn