Gần 6.000 người đánh nhau nhập viện dịp Tết: 'Người Việt ngày càng hung hăng, bê tha, bệ rạc'

Thời sựThứ Năm, 09/02/2017 06:53:00 +07:00

"Gần 6.000 người đánh nhau trong dịp Tết chứng tỏ người Việt ngày càng hung hăng, bê tha, bệ rạc...", GS. Đặng Vũ Cảnh Khanh nhận định.

Tính riêng 7 ngày Tết Nguyên đán 2017, có 230 người chết vì tai nạn giao thông, gần 6.000 trường hợp đến khám, cấp cứu do đánh nhau.

Về vấn đền này, GS. Đặng Vũ Cảnh Khanh - Viện trưởng viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển đã có những chia sẻ với PV VTC News.

giao_su_dang_canh_khanh_noi_ve_benh_chui_cua_nguoi_viet_1

GS. Đặng Vũ Cảnh Khanh - Viện trưởng viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển 

- Theo thông tin từ Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tổng số ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau trong 7 ngày Tết Nguyên đán là 5.675 trường hợp. Trong đó có 619 trường hợp xác định nguyên nhân do rượu bia. Con số này nói lên điều gì thưa Giáo sư?

Con số này chứng tỏ người Việt ngày càng hung hăng, bê tha, bệ rạc. Nó cho thấy xã hội bây giờ, giá trị về mặt nhân văn, nhân đạo thì sa sút đi, trong khi những giá trị không tốt đẹp, không lành mạnh thì tồn tại.

Con số này cũng cho thấy "văn hóa nhậu" là con sâu, là căn bệnh trầm kha mà chúng ta đang bế tắc. Rượu bia đang "cắn nát" đi nhân cách, trí tuệ, của cải của người dân Việt Nam. Nó "cắn nát" thuần phong, mỹ tục của chúng ta, nó làm cho hình ảnh của người Việt Nam xấu đi rất nhiều trong mắt bạn bè quốc tế.

 
Rượu bia đang "cắn nát" đi nhân cách, trí tuệ, của cải của người dân Việt Nam.

GS. Đặng Vũ Cảnh Khanh

Với cách uống rượu của người Việt đương nhiên những vụ đánh nhau, giết người, tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia ngày càng tăng là điều không thể tránh khỏi.

Một con số cũng đáng báo động nữa đó là, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 Châu Á. Trong 10 năm qua, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%. Hơn nữa, có đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia. Trong đó, 1/4 trong số này sử dụng rượu bia ở mức độ có hại.

Tiêu thụ nhiều rượu, bia như vậy nhưng số người nghèo của chúng ta lại rất cao. Giá như chúng ta tiêu nó ít đi một chút, bớt cái say xỉn đi, bớt rượu đi, bớt thuốc lá đi mà dành tiền đó cho những người nghèo khổ thì tốt hơn rất nhiều.

16388105_421126151567292_

Hiện trường vụ tài xế xe tải uống rượu bia tông xe máy khiến 3 người trong một gia đình rơi xuống cầu tử vong ở Hà Tĩnh ngày 1/2.

- Ông có thể lý giải nguyên nhân tại sao người Việt lại uống rượu bia vô tội vạ như vậy?

Như tôi đã nói ở trên, thứ nhất đó là "văn hóa nhậu" của người Việt. Chúng ta cứ ngồi vào bàn là phải uống, mà đã uống là phải 100%, phải kiệt ly, phải cạn ly, phải theo bàn, phải ôm chai. Nếu không theo được như vậy hoặc lên tiếng không uống sẽ bị "phán" là không nhiệt tình, không hết mình, không có tình cảm với anh em, coi thường bạn bè, nặng hơn thì không phải là đàn ông. 

Đó là sự ngộ nhận. Gặp nhau là cứ phải uống rồi ép nhau uống. Uống hơn người khác được dăm ba chén, hoặc ép người ta uống với mình thêm vài chén đến mức say xỉn để làm gì? Họ không nhìn thấy những cái hệ lụy từ việc uống rượu, họ tưởng cái đó có trong văn hóa nhưng hoàn toàn không phải như vậy.

Việc say rượu cũng gắn liền với sự khủng hoảng về kinh tế, xã hội. Khi con người mất niềm tin, phương hướng trong cuộc sống thì họ tìm đến rượu. Khi nào xã hội còn sự phân hóa, người nghèo còn nhiều, bất công còn nhiều, thì họ tìm đến rượu như một giải pháp. Bởi vậy, rất nhiều người nghèo khổ, người không có công ăn việc làm họ chẳng có gì khác ngoài việc tìm một thú quên lãng ở trong rượu. Rượu là sự thanh cao nhưng đôi khi lại đẩy con người xuống đáy xã hội. 

Một nguyên nhân khách quan nữa đó là, hiện chính sách thuế trên các sản phẩm rượu bia còn quá thấp, thuế nhập khẩu bia mới chỉ 35%, rượu từ 48-55%. Giá bia, rượu của một số hãng ở Việt Nam thậm chí còn rẻ hơn nước lọc có thương hiệu. Số lượng công ty nước ngoài mở nhà máy sản xuất bia tại Việt Nam ngày càng nhiều. Nhiều hộ gia đình cũng tranh thủ kinh doanh sản xuất rượu tại nhà mà không bị xử lý.

say-xin-2-0751

 Thói quen uống rượu bia vô tội vạ khiến con người trở nên bê tha, bệ rạc - Ảnh minh họa. 

- Ông có nghĩ rằng, các nhà quản lý của nước ta nên có phương án cấm bán rượu bia vào một thời gian và địa điểm nhất định để hạn chế những hệ lụy từ rượu hay không?

Không chỉ cấm mà các nhà quản lý cần có 3 cấp độ phải làm. Cấp độ thứ nhất là những người nào say xỉn thì ta phải xử lý ngay không để cho họ quậy phá, họ đánh nhau, lái xe... Đây là biện pháp trước mắt và cần làm ngay.

Thứ hai, cần tìm niềm vui khác cho họ để tránh xa việc nhậu nhẹt. Cần làm những điều căn bản để thay đổi giá trị văn hóa nhân văn trong xã hội. Con người được chăm sóc một cách đầy đủ, không có thất vọng trong cuộc sống quá nhiều và phải có những người sẵn sàng hỗ trợ cho những nhóm nghèo khổ, những nhóm bế tắc trong cuộc sống.

Thứ ba, cấm uống rượu bia trong giờ làm việc, nhậu nhẹt khi hội họp. Cái này cầm làm nghiêm túc, có hình thức xử phạt thật nặng đối với những người cố tình vi phạm mới đủ sức răn đe. Không thể làm hời hợt, mang tính tuyên truyền hay cổ động như trước nay chúng ta vẫn sử dụng. Đồng thời với đó, các nhà quản lý đưa ra những quy định pháp luật về cấm bán rượu bia trong khoảng thời gian nhất định cũng là một trong những giải pháp hạn chế người sử dụng rượu bia trong xã hội.

- Xin cảm ơn Giáo sư!

Video: "Ma men" phi xe máy đâm bẹp nhà dân giữa đêm

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn