Đẻ rơi trên xuồng cứu trợ

Thời sựThứ Năm, 21/10/2010 10:32:00 +07:00

(VTC News) - Hai tiếng sau, xuồng mới về tới xã để đưa chị Hà lên huyện, nhưng trên đường đi, không chờ được, chị đã sinh con ngay trên xuồng...

(VTC News) - Những ngày qua, mưa lũ đã gieo tang tóc, đau thương cho đồng bào các tỉnh miền Trung. Nước lũ dâng cao cả mét khiến mọi sinh hoạt của nhân dân, các cơ quan địa phương bị xáo trộn hoàn toàn. Có nhiều em bé được sinh ra trong hoàn cảnh khốn khó ấy…

Đẻ rơi trong lũ lụt

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chánh văn phòng huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) cười buồn kể về trường hợp cấp cứu hai ca sinh đẻ "độc nhất vô nhị" trong những ngày lũ dâng cao: Khi đang điều người, cấp hàng cứu trợ cho các tổ đi vào vùng lũ, sáng ngày 18/10, ông nhận được điện thoại từ xã Thiên Lộc đề nghị cho xe cấp cứu đưa chị Hà ở xã Thiên Lộc đi đẻ.

Đường ngập sâu xe cấp cứu không thể đi được, ngay lập tức ông đã điều một xuồng về đưa chị Hà lên bệnh viện huyện vì trạm xá xã đã bị ngập sâu trong nước. Hai tiếng sau xuồng mới về tới xã để đưa chị Hà lên huyện. Trên đường đi, chị đã sinh con ngay trên xuồng. Rất may ca sinh nở diễn ra an toàn, mẹ con chị Hà đã mẹ tròn con vuông.

 Mênh mông nước (Ảnh: Nam Phong)

Ngày hôm sau, ông lại nhận được điện thoại từ xã Vĩnh Lộc, cách trung tâm huyện hơn chục cây số, chị Thúy ở thôn Thượng Triệu, xã Vĩnh Lộc vỡ ối trong khi nước lũ đang dâng cao. Người nhà đã gánh võng vượt lũ hơn 3 km để đưa chị Thúy lên trạm xá xã Thượng Lộc vì trạm xá này ở trên cao. Tuy nhiên, ở đây lại không có bác sĩ vì tất cả bác sĩ đều được điều về huyện để đi cấp cứu vùng lũ. Ngay sau đó, xe cấp cứu gầm cao tăng cường của Bộ Quốc phòng đã được điều tới để đưa chị đến Bệnh viện huyện Can Lộc.

Cả mẹ lẫn con phải đi lánh lũ

Có mặt tại khối 9, thị trấn Can Lộc, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), chúng tôi có dịp được trò chuyện cùng anh Trần Tình Thương (33 tuổi), khi vợ anh vừa sinh con được 5 ngày.

Sáng thứ 7 tuần trước (16/10), vợ anh đau đẻ. Ngoài trời đang sầm sì u ám, mưa rất nặng hạt, anh đã cùng người nhà đưa chị Long ra trạm xá. Chiều cùng ngày, vợ anh đã mẹ tròn con vuông, sinh được cháu trai. Mọi người ai cũng mừng rỡ, nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì nước lũ kéo về, nhà anh cũng như các gia đình xung quanh bỗng chốc chìm trong biển nước chỉ sau một đêm.

Nước ngập tới nửa nhà, thóc gạo ướt sạch, không còn một hạt để nấu nổi nồi cháo. Giường thì dù được đặt lên trên một chiếc giường nữa cũng không ăn thua. Mọi người hai bên nội ngoại vô cùng lo lắng cho 2 mẹ con vừa trải qua cuộc sinh nở, may sao, cách nhà anh Thương khoảng 50 mét, nhà anh Trần Huệ có gác xép. Mọi người đã phải dùng thuyền đưa hai mẹ con chị Long sang nhà anh Huệ để tá túc, lánh lũ.

 Mẹ vợ anh Thương đang giặt tã cho cháu ngoại trong nước lũ đỏ au, đục ngầu (Ảnh: Nam Phong)

Mới sinh con được 5 ngày, nước lũ lại lớn anh Thương loay hoay chạy vạy ngược xuôi mua được vài gói mỳ tôm, lương thực khô để về nấu cho chị Long. Nước sạch không có để ăn uống, anh chỉ còn biết hứng nước mưa, nhưng cũng chẳng tích lũy được là bao. “Nước dùng để ăn uống chỉ dựa vào nước mưa, nhưng giờ thì nước mưa cũng sắp hết rồi”, anh Thương chia sẻ.

Có mặt tại nhà anh Thương, mẹ vợ anh đang lúi húi giặt tã cho cháu bên dòng nước đỏ quạch, đục ngầu ngẩng lên than thở: “Lũ lớn quá chú ơi, ngập mấy ngày nay, khổ thân mẹ con nó quá. Nước sạch chẳng có mà dùng, gạo thì cũng chẳng còn hạt nào. Mấy hôm trước, nhà có nhận được hỗ trợ mỳ tôm, tôi và chồng nó cũng chẳng dám ăn, để dành cho mẹ con nó cả".

Ghé thuyền sang nhà anh Huệ, nơi chị Long đang “tá túc” lánh nạn, nước vẫn ngập tới gần nửa mét dù cho hiện nay nước đã rút nhiều. Nhà anh Huệ không chỉ có chị Long ở nhờ, mà đây còn là nơi lánh nạn của 5 nhà khác xung quanh với hơn chục đứa trẻ, cháu nào cũng tím tái vì lạnh, vì đói, vì sợ hãi...

Nam Phong

Bình luận
vtcnews.vn