Dẫm đạp, tranh cướp nhau tại lễ hội, GS.TS Ngô Đức Thịnh: 'Cứ tranh cướp là không cao đẹp à?'

Thời sựChủ Nhật, 05/02/2017 17:34:00 +07:00

Đó là quan điểm của GS.TS Ngô Đức Thịnh khi bàn về vấn đề tranh cướp trong các lễ hội ở Việt Nam.

GS.TS Ngô Đức Thịnh - Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đã đưa ra quan điểm của mình với VTC News về việc dẫm đạp, tranh cướp nhau tại lễ hội khai ấn đền Trần, đền Gióng, hay mới đây nhất là ở chùa Hương gây phản cảm, khiến dư luận bức xúc.

12963946_108941456175045_8158608477361949479_n

 GS.TS Ngô Đức Thịnh - Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam 

- Mỗi năm, Việt Nam có hàng ngàn lễ hội lớn nhỏ phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân. Giáo sư có nghĩ chúng ta đang có quá nhiều lễ hội và cần phải quy hoạch lại hay không?

Lễ hội thể hiện tinh thần của một cộng đồng. Tôi đã từng dự một hội nghị để bàn về chuyện quy hoạch lễ hội. Không ít người cho rằng nhiều lễ hội quá, cần quy hoạch. Khi ấy, tôi có hỏi một vị cán bộ ở Bộ văn hóa có chủ trương đồng tình giảm bớt lễ hội không?

Tôi hỏi vị cán bộ ấy ở làng nào, vùng nào, có lễ hội nào không? Quê của vị cán bộ này cũng có hội làng nhưng lễ hội đó, tôi và nhiều người không biết. Tức là, nó không thuộc loại có tính chất quy mô lớn như lễ hội Quốc gia hay vùng. Nếu quy hoạch lễ hội và bỏ những lễ hội quy mô nhỏ như làng anh ta, chỉ để lại những lễ hội lớn như Đền Hùng, hội Lim, hội Gióng... thì vị này không chịu.

Lệ hội gắn với tâm tư, nguyện vọng, tình cảm và đời sống tinh thần của một cộng đồng, không thể cưỡng chế hay rũ bỏ được. Tôi kể một câu chuyện như vậy để thấy rằng nói nhiều hay ít, quy hoạch giảm bớt lễ hội là điều không đơn giản.

- Có ý kiến cho rằng các lễ hội của Việt Nam hiện nay thiên về hình thức, tổ chức với quy mô rất lớn và tốn kém tiền bạc nhưng lại ít tạo được giá trị về văn hóa tâm linh. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Những lễ hội làng không có ảnh hưởng lớn so với toàn quốc nhưng vẫn có ý nghĩa riêng với cộng đồng khu dân cư nơi tổ chức. Có một thời kỳ, lễ hội bị hạn chế nhưng hiện nay, do đổi mới, người ta đã phục hồi những lễ hội đã bị lãng quên, phục hồi lại những giá trị tinh thần to lớn của cộng đồng từ làng đến vùng, rồi đến cả nước. Tất cả đều chứa đựng những giá trị tinh thần cho nên không thể nói là nhiều hay ít giá trị văn hóa tâm linh.

Den-giong-3

Tranh cướp vật phẩm ở lễ hội đền Gióng.

- Việc dẫm đạp, tranh cướp nhau tại lễ hội khai ấn đền Trần, đền Gióng, hay mới đây nhất là ở chùa Hương...có còn tạo ra được những giá trị về văn hóa?

Việc này là do cách tổ chức chứ không phải do lễ hội. Cứ tranh cướp là không cao đẹp à? Hay là cứ không tranh cướp mới là cao đẹp? Đó cũng là nét thường tình của lễ hội thôi chứ đâu có gì ghê gớm. Việc tranh cướp trong lễ hội đôi khi là thông lệ.

Ví dụ, việc tranh cướp lộc trong hội Gióng là thông lệ vì người ta tin rằng vật đó rất thiêng liêng, tất cả những người đi hội ai cũng muốn có và chỉ có được thông qua việc tranh cướp lẫn nhau. Bởi vậy, cần hiểu tranh cướp nhau trong lễ hội không có nghĩa là xấu.

 
Trong cuộc sống đời thường, tranh cướp nhau như thế là xấu nhưng trong lễ hội tranh cướp nhau lại là một thông lệ.

GS.TS Ngô Đức Thịnh

- Mong ước sâu xa nhất của văn hóa tín ngưỡng vẫn là cho cuộc sống của con người tốt hơn. Nếu nói, tranh cướp cũng là một nét văn hóa thì vô tình lễ hội ấy tạo cho người tham gia thói hư tật xấu?

Trong cuộc sống đời thường, tranh cướp nhau như thế là xấu nhưng trong lễ hội tranh cướp nhau lại là một thông lệ. Tại sao người ta tranh nhau một cái mảnh chiếu ở Phù Đổng bởi vật đó mang ý nghĩa thiêng liêng, ai giành được sẽ gặp nhiều may mắn. Đấy là niềm tin của mỗi người.

- Nói về lễ hội đền Gióng, trong khi xã hội mình đang làm rất nhiều điều để mong nam nữ bình đẳng, không phân biệt sinh con trai hay con gái thì một lễ hội tranh cướp nhau "vật" tượng trưng để sinh con trai có phải là đang cổ xúy cho tư tưởng trọng nam khinh nữ?

Đừng hiểu ngôn ngữ của lễ hội như là ngôn ngữ của đời thường. Người thường như thế là xấu nhưng trong lễ hội nó là phong tục. Bản thân những người đến tham gia phải hiểu ngôn ngữ của lễ hội đó và ứng xử văn minh với nó.

- Có ý kiến cho rằng, phải chăng con người đang dần mất niềm tin vào cuộc sống, tự ti với chính mình, thích hưởng thụ nhưng lười lao động nên mới tìm đến thần thánh như một chiếc phao cứu sinh. Giáo sư có đánh giá thế nào về ý kiến trên?

Không nên chủ quan mà áp đặt cho văn hóa tín ngưỡng của người dân cái này hay cái kia. Bởi có đưa ra ý kiến như trên thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Cái gì không phù hợp nữa, sẽ bị loại bỏ theo sự phát triển tự nhiên của xã hội. Bởi vậy, chúng ta không nên ép buộc xã hội phải như thế này hay thế khác.

- Xin cảm ơn Giáo sư!

Video: Hàng trăm thanh niên hú hét, tranh cướp nhau ở lễ hội đền Gióng

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn