Cung cấp dịch vụ thu phí không dừng: Bộ GTVT không quyết định

Thời sựThứ Bảy, 10/12/2016 08:06:00 +07:00

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho rằng Bộ không phải là đơn vị quyết định mà là các nhà đầu tư BOT quyết định chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí.

Khẳng định “phương thức thu phí không dừng là không thể thiếu trong tổ chức thu phí”, ông Nghĩa yêu cầu “các chủ đầu tư BOT phải lắp đặt làn thu phí không dừng theo đúng lộ trình để có thể thống nhất thu phí không dừng trên một loại thẻ e-tag trên mọi tuyến đường”.

AXC

 Trạm thu phí trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai do VEC quản lý. Ảnh P.Long

Ông Nghĩa băn khoăn về cách thực hiện để mỗi xe chỉ cần dán một thẻ e-tag là có thể yên tâm chạy trên mọi tuyến đường của đất nước mà không cần quan tâm trạm này là của đơn vị nào thu phí.

“Căn cứ vào các tiêu chuẩn về nhà cung cấp dịch vụ thu phí mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra, việc sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào đó là quyền của nhà đầu tư BOT.

Lúc đó, các nhà cung cấp dịch vụ phải tham gia đấu thầu cạnh tranh để nhà đầu tư BOT lựa chọn.

Bộ Giao thông Vận tải không phải là người quyết định cuối cùng mà là các nhà đầu tư BOT quyết định chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, thời gian qua, đã có một nhà cung cấp dịch vụ là Tasco, nhưng để có dịch vụ tốt nhất, tiện dụng, giá dịch vụ rẻ nhất đối với người dùng, phải tránh áp đặt.

“Hệ thống giao thông của Việt Nam có trục chính là QL1 Bắc - Nam và nhiều tuyến đường nhánh khác nhau.

Vì vậy, làm sao để người dùng có thể đi từ Bắc vào Nam hoặc ngược lại chỉ cần một thẻ.

Dịch vụ này có thể coi tương tự như dịch vụ điện thoại di động, đầu tiên chỉ có VNPT nhưng sau có nhiều nhà mạng cung cấp dịch vụ tham gia.

Vì vậy, trong cung cấp dịch vụ thu phí không dừng cũng cần phải có nhiều nhà cung cấp dịch vụ tham gia”, ông Nghĩa nói thêm.

Từ đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ trước mắt cần đưa giải pháp tiếp cận như thanh toán phí điện thoại di động, tiền trong tài khoản khi đi qua đọan nào sẽ trừ tiền luôn đoạn đó.

Cũng tại cuộc họp, đại diện Liên danh Viettel - FSV cho biết đang phối hợp với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam để thí điểm thu phí không dừng sử dụng công nghệ RFID tại trạm Đại Xuyên và Cao Bồ trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Theo đại diện Viettel, từ thẻ e-tag gắn trên kính xe, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí sẽ trừ tiền của chủ xe.

Chủ xe có thể nạp tiền vào tài khoản bằng tiền mặt, qua điện thoại, thẻ cào, Internet banking...

Thời gian xử lý giao dịch thu phí nhanh với tốc độ phương tiện qua trạm không barrier là 50 giây/giao dịch.

Trước đó, theo Quyết định số 4390 của Bộ GTVT phê duyệt dự án thu phí tự động không dừng (giai đoạn 1) áp dụng với 28 trạm thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên và QL1.

Liên danh Tasco - VETC được Bộ GTVT chỉ định làm nhà đầu tư với tổng mức đầu tư 1.524 tỉ đồng, theo dạng hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Nhà đầu tư này được cho phép thu hồi vốn trong 20 năm (theo dự kiến hợp đồng) theo thời gian thu phí các dự án BOT.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không nên chỉ định thầu dẫn tới thiếu minh bạch trong kiểm soát chi phí.

Video: Taxi bốc cháy dữ dội trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn