Chuyện tình như cổ tích: 20 năm, 1 tuần phép, 5 lá thư

Thời sựThứ Sáu, 30/04/2010 06:15:00 +07:00

(VTC News) - Chiến tranh đã cướp đi xương máu của bao người nhưng không thể xoá nhoà tình cảm, không xé nát được tình yêu của người lính thời hoa lửa.

(VTC News) - Chồng biền biệt gần 20 năm trời, người vợ ở nhà trông mong hình bóng chồng nơi chiến trận trở về đến mỏi mòn con mắt, đến "hóa vọng phu". Cho đến ngày đoàn tụ, chiến tranh đã khiến người lính chiến không còn khả năng làm cha được nữa. Nhưng, họ vẫn thủy chung hạnh phúc bên nhau cho tới hôm nay. Đó là chuyện tình của Thiếu tá Nguyễn Văn Vịnh và bà Nguyễn Thị Lợi ở xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Ra đi, chẳng hẹn ngày về…

Kháng chiến chống Mỹ, hàng triệu trái tim căng tràn tuổi thanh xuân hăng hái cầm súng ra trận. Không ít cảnh vợ phải gồng mình nén nước mắt trong lòng tiễn chồng lúc lên đường nhập ngũ. Đã có những người lính ra đi đến tận 5, thậm chí cả chục mùa xuân mới trở về. Có người vĩnh viễn không về nữa. Những người vợ vẫn chiều chiều ra ngõ ngắm dài con mắt chờ tin tức người thân nơi chiến trận. Người phụ nữ thôn quê như bà Nguyễn Thị Lợi ngày ấy đã chờ chồng trong hoàn cảnh như vậy. Ngày về sống bên nhau, mái tóc họ đã điểm sương nhưng tình yêu còn xanh ngát. Nay, họ đã bước sang tuổi 70 nhưng khi nói về những ngày đợi chờ, ký ức cứ hiện về như mới hôm qua. 

Ông Vịnh và bà Lợi bên sự yêu thương của mọi người - Ảnh: Thái Ngọc.

“Tuổi mười tám đôi mươi, tui và ông đây đến với nhau theo sự sắp đặt của hai bên gia đình. Cũng có cơi trầu, có chén nước hôm ăn hỏi nhưng mãi tới ngày vu quy, vợ chồng mới biết mặt nhau. Đâu có như trai gái bây giờ. Mới chân ướt chân ráo về làm dâu, chồng lại lên đường nhập ngũ. Đi biền biệt cả chục năm trời. Tình duyên của vợ chồng tui gắn kết ngày đó đến nay như một định mệnh”, bà Nguyễn Thị Lợi nhìn người bạn đời vừa rót nước mời khách và mở đâu câu chuyện tình của mình như vậy. 

"Đầu năm 1962, đang làm ngoài đồng thì cha ra nói về chuẩn bị để tối nhà trai đưa lễ sang ăn hỏi, tháng sau anh ấy đi bộ đội. Lấy chồng, cái tin như sét đánh ngang tai người con gái tuổi xuân thì. Ngày đó đâu có biết chú rể. Hai bên gia đình cách nhau cả mấy cánh đồng. Cưới nhau rồi, bọn tui được bố mẹ ngăn cho một gian buồng. Mãi tới cái đêm rằm tháng giêng năm ấy, ông mới tâm sự với vợ và thông báo đã có giấy gọi nhập ngũ, sang tháng sẽ lên đường. Lúc đó, tui chỉ biết nghe và dàn dụa nước mắt cả đêm".

Ở với nhau chưa tròn một tháng thì tháng 2/1962, chàng thanh niên Nguyễn Văn Vịnh khoác ba lô vào đời lính. Lúc chia tay, anh lính tân binh chỉ kịp trao gửi một lời hẹn ước: “Em ở nhà chăm lo ruộng đồng cùng với bố mẹ cho vững tay cày chắc tay cấy. Bao giờ đất nước hết chiến tranh, anh lại về”. Còn chị Lợi, chỉ biết nước mắt ngắn dài nhìn bước chân chồng đi xa.

Mùa xuân ấy anh ra đi khi cỏ cây còn đơm chồi nảy lộc, người vợ trẻ ngày đầu về làm dâu nhà chồng còn thủa bơ vơ. Biết bao lo toan, gánh nặng quê nhà đè lên vai người vợ héo mòn theo năm tháng. Ngày về của người lính năm xưa cứ kéo dài đến hơn chục năm trời. Chị Lợi vẫn lặng lẽ nén nỗi nhớ trong lòng để chăm sóc bố mẹ chồng cho đến khi họ khuất núi, vẫn chờ đến ngày anh Vịnh về đoàn tụ.  

Nỗi nhớ quê nhà nơi… đầu súng 

Vào bộ đội, Nguyễn Văn Vịnh được biên chế vào đại đội thông tin 36, Quân khu 4. Chiến tranh ngày một ác liệt, giặc Mỹ ngày càng điên cuồng đánh phá đất nước ta trên cả 2 miền Nam, Bắc. Những người lính chiến như ông Vịnh ngày ấy đâu dám nghĩ đến ngày phép để về thăm gia đình, người thân.  

Tháng 2/1968, Nguyễn Văn Vịnh được lệnh đi B, tham gia chiến đấu ở chiến trường B5. Lúc này, ông là đại đội phó, đại đội 18 thông tin thuộc trung đoàn 27. Ông Vịnh tâm sự: “Trong chiến trường, nỗi nhớ tới quê nhà của những người lính đến da diết, cồn cào tim gan. Ở đó, có người vợ trẻ và bố mẹ già. Tôi chỉ ước ao chiến tranh nhanh kết thúc để được về sống cuộc sống bình dị với vợ mình và sinh được một đàn con cho đủ đầy. Mình đâu có tham vọng gì”.

Tháng 10/1973, Nguyễn Văn Vịnh được điều về Trung đoàn 54, Sư đoàn 390 rồi làm trưởng ban tuyên huấn của Trung đoàn. Năm đó, Hiệp định Pari được ký kết, theo thoả thuận các bên, bộ đội ta tập kết ra miền Bắc. Ra Bắc rồi, ông mới có được một tuần phép để về thăm gia đình. Thế là, đã 11 năm kể từ ngày lên đường nhập ngũ mới có dịp được đoàn tụ.

“Về quê, người thân thích thì không còn nữa, thấy vợ mình vẫn ở vậy chờ chồng mà thương quá. Chẳng thể ngờ chiến tranh đã vùi lấp đi thời gian chúng tôi xa nhau lâu đến vậy. Ngày đoàn tụ sao mà quý giá vô cùng. Hồi đó, được một tuần phép có lẽ chẳng đủ để bù lấp tình cảm với người vợ đã chờ đợi người lính như tôi đây cả chục năm trời. Nhưng, cứ qua một ngày, tim tôi như rực cháy lên vì nhớ, vì thương, vì vấn vương với người vợ trẻ chú ạ. Giá như, ngày đó tôi để lại cho vợ mình một đứa con thì còn gì bằng”, ông Vịnh nói.

“Ngày về, ông ấy khác xưa nhiều, da sạm đen, gầy đi rất nhiều. Hạnh phúc chưa được trọn vẹn, nào ngờ ông ấy nói chỉ về được vài ngày phải trở lại đơn vị. Tui lại một lần nữa phải tiễn chồng lên đường. Mãi tới 9 năm sau, tui mới giữ được chân chồng ở lại với mình cho tới hôm nay”, bà Lợi nay tóc đã bạc trắng, cười móm mém nhìn người bạn đời của mình.

Được một thời gian, ông lại theo đơn vị hành quân vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh - giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

Và rồi sau 20 năm quân ngũ cho đến khi Nguyễn Văn Vịnh được giải ngũ (1982), ở tuổi 43 ông cũng chẳng thể sinh nổi với vợ một mụn con cho vui cửa ấm nhà. Người lính năm xưa đã mang trong mình một căn bệnh quái ác: chất độc màu da cam. Thứ chất màu giết người ấy đã khiến ông Vịnh vĩnh viễn không còn khả năng làm cha được nữa. 

Đại gia đình hạnh phúc

“Biết chồng mình bị bệnh, thương lắm và giận cũng nhiều. Trách bọn giặc Mỹ ngày ấy thật nhẫn tâm đã cướp đi hạnh phúc của gia đình tui. Mấy chục năm trước, tui cũng khổ tâm lắm chú ạ. Lúc trái gió trở trời, chất độc màu da cam lại hành hạ ông ấy. Có lúc, ông ôm ngực nằm quằn quại trên giường, vết thương tái phát, sợ không qua khỏi nên cứ giục tui đi lấy chồng. Một ngày sống với nhau cũng nên nghĩa vợ chồng, tui cam tâm, và mềm lòng cố xoa dịu nỗi đau. Chồng mình còn đó không thương thì thương ai bây giờ?”, bà Lợi nói.

Sau này, ông bà đã thấy cảnh một bé trai mới mấy ngày tuổi bị bỏ lại trong căn nhà hoang nên nhận về làm con nuôi. Đến bây giờ, cũng đã hơn 20 năm, đứa bé ấy đã trưởng thành và xây dựng gia đình. Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, đại gia đình họ đã sống bên nhau rất hạnh phúc.

“Ông ấy đi biền biệt ngần ấy năm trời mà chỉ vẻn vẹn có 5 cánh thư về cho gia đình. Lúc thì bảo cuối năm về phép, lúc thì báo tin đánh thắng trận này sẽ về. Nhưng biết bao lần như thế, có về được đâu. Khi hỏi người làng mình đi bộ đội bị thương giải ngũ về có biết anh Vịnh ở đơn vị nào không, nhưng đều vô vọng. Ngày đi làm, tối đến tham gia tải đạn, làm đường cho bộ đội ta vào Nam chiến đấu, lại thấy thương chồng mình nơi tiền tuyến vô cùng. Hình ảnh người lính vai mang ba lô, đầu đội mũ tai mèo sao mà yêu đến vậy. Cả chục năm trời như thế, có người đồn rằng anh Vịnh đã hy sinh ở sông Bến Hải. Tui không tin...", bà Lợi tiếp dòng hồi ức. 

"Cũng có người bảo mình còn trẻ, hơi đâu mà chờ, mà đợi… thôi thì đi bước nữa. Ai làm thế, thời đó đất nước đã hết chiến tranh đâu. Tui cứ nghĩ bụng và tin rằng chồng mình nhất định sẽ trở về sau ngày chiến thắng”, bà Lợi tay đơm trầu, nhìn ông Vịnh nói như trách yêu.

Còn ông Vịnh đáp lời người bạn đời của mình đang ngồi cạnh như thanh minh: “Thì bọn tôi ngày đó là lính thông tin nay ở chiến trường này, mai ở chiến trường kia. Bom đạn chẳng lúc nào nguôi. Tôi cũng thương bà ở nhà lắm chứ. Nhưng là đời lính phải biết nén nỗi nhớ thương, vượt lên tất cả để chiến đấu. Chiến trường Trị - Thiên ngày đó ác liệt vô cùng, đâu có giây phút yên bình”. 

Anh Nguyễn Văn An, người con được ông Vịnh, bà Lợi coi như ruột thịt tâm sự: “Ngày đó, tôi lớn lên đã được nũng nịu trong vòng tay ấm áp của mẹ Lợi. Lên sáu lên bảy, hỏi mẹ cha đi đâu, mẹ nói cha đi đánh giặc. Rồi mẹ tôi cứ chờ mãi, ngày cha Vịnh về, mẹ vui mà nước mắt cứ chảy dài”. 

Ông Vịnh, bà Lợi tuy không sinh được con nhưng họ vẫn được mọi người thương yêu, đùm bọc. Ngày ngày, bà vẫn dìu ông nhau đi thăm làng xóm. Hai con mắt ông Vịnh bây giờ không còn thấy rõ nữa nhưng trí tuệ vẫn tinh thông, chất lính thông tin vẫn còn minh mẫn. Chiến tranh đã cướp đi xương máu của bao người, nhưng không thể làm xoá nhoà tình cảm, không xé nát được tình yêu của người lính thời hoa lửa.


Thái Ngọc

* Diễn đàn: Một tình yêu đẹp như câu chuyện cổ tích, đẹp như trái tim của người lính một thời hoa lửa. Bạn có cảm xúc, cảm tưởng gì trước những điều ấm áp, dung dị nhưng hào hùng của câu chuyện trên đây? Hãy cùng chia sẻ với VTC News thông qua box thảo luận cuối bài. Gõ Tiếng Việt có dấu để được đăng tải. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn