Chuyến công tác của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cơ hội lớn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Thời sựThứ Sáu, 28/07/2017 16:30:00 +07:00

Chuyến công tác đến 3 quốc gia: Indonesia, Australia và New Zealand của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với lịch làm việc dày đặc đã mang lại cho Việt Nam nhiều kết quả mong đợi.

Trước đó, nhận lời mời của lãnh đạo Chính phủ các nước Indonesia, Australia, New Zealand và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hợp tác quốc tế về kinh tế cùng lãnh đạo các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương và Văn phòng Chính phủ đã thăm làm việc tại Indonesia và Ban Thư ký ASEAN từ ngày 19-21/7, tại Australia từ 22-25/7 và tại New Zealand từ ngày 26-28/7/2017.

Thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao

Chuyến công tác của Phó Thủ tướng và những cơ hội mở - ảnh 1

Phó Thủ tướng làm việc với Ban Thư ký ASEAN. (Ảnh: Thành Chung) 

Trong thời gian 3 ngày ít ỏi tại Indonesia - đối tác chiến lược, chiếm vị trí rất quan trọng của Việt Nam trong quan hệ nội khối ASEAN – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã gặp Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita, tọa đàm với nhóm chuyên gia cao cấp và doanh nhân Indonesia với chủ đề: “Xu hướng chuyển dịch địa-kinh tế, địa chính trị trong khu vực và các ứng xử của các nước trong khu vực”, làm việc với Chủ tịch Ủy ban Điều phối đầu tư Thomas Lembong, chào xã giao Chủ tịch Đảng Dân chủ Đấu tranh Megawati Sokarnoputri…

Làm việc với Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, hai bên đã thảo luận các vấn đề liên quan tới tình hình triển khai Lộ trình tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025; tình hình triển khai thực hiện các hiệp định tự do thương mại với các đối tác ngoài khối.

Đặc biệt, Ban Thư ký ASEAN đã đánh giá cao những đóng góp tích cực của Việt Nam sau 22 năm gia nhập ASEAN kể từ năm 1995, trong đó có việc thúc đẩy hình thành các quyết sách lớn của Hiệp hội như Hiến chương ASEAN (2007), Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn ASEAN 2020, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, các Kế hoạch triển khai trên từng trụ cột và nhiều thỏa thuận quan trọng khác. Ban Thư ký khẳng định sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực triển khai Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch công tác giai đoạn III Sáng kiến hội nhập ASEAN.

Những ngày tại Australia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Barnaby Joyce (Quyền Thủ tướng Australia); gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Australia tại Sydney; cùng Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop tham quan Dự án về sáng tạo đổi mới; làm việc với Bộ trưởng Thương mại Ciobo.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop, các biện pháp củng cố quan hệ Đối tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại, nông nghiệp, hỗ trợ phát triển, giáo dục-đào tạo, khoa học-nghiên cứu-sáng tạo, du lịch và giao lưu nhân dân… là những nội dung được quan tâm.

Cùng với đó là sự nhất trí làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương và phối hợp chuẩn bị tốt cho các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước vào cuối năm 2017, đầu năm 2018 để các chuyến thăm này đạt kết quả cao, tạo dấu mốc quan trọng trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2018.

Nhân dịp này, hai bên cũng đã thảo luận và chia sẻ nhiều đánh giá, nhận định chung về tình hình khu vực và quốc tế; nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là ASEAN.

Chuyến công tác của Phó Thủ tướng và những cơ hội mở - ảnh 2

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội New Zealand David Carter. (Ảnh: VGP/Thành Chung)

 Trong bối cảnh khu vực đang có những biến chuyển lớn về chính trị-kinh tế, Australia khẳng định sự ủng hộ toàn diện và sẽ tích cực hỗ trợ để ASEAN hoàn thành các kế hoạch xây dựng Cộng đồng, tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, củng cố đoàn kết nội khối và phát huy vai trò trung tâm trong giải quyết các vấn đề chiến lược ở khu vực.

Còn tại New Zealand, Phó Thủ tướng đã tới chào xã giao Chủ tịch Quốc hội David Carter, hội đàm với Phó Thủ tướng Paula Bennett, làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Gerry Brownlee…

Trong các buổi làm việc, tiếp xúc, hai bên nhất trí việc sớm ký kết Chương trình hành động Việt Nam – New Zealand giai đoạn 2017-2020 trong năm 2017 để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như chính trị, kinh tế-thương mại, nông nghiệp, hỗ trợ phát triển, giáo dục-đào tạo, khoa học-nghiên cứu-sáng tạo, du lịch và giao lưu nhân dân, đưa quan hệ Đối tác Toàn diện phát triển sâu rộng.

Đặc biệt, trong các buổi làm việc, tiếp xúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các lãnh đạo cấp cao của Indonesia, Australia, New Zealand đều chia sẻ nhiều quan điểm tương đồng và lợi ích chiến lược trong các vấn đề khu vực và quốc tế cũng như nhất trí tiếp tục đưa quan hệ song phương hai nước phát triển vững chắc, ổn định và sâu sắc trong thời gian tới, đồng thời tăng cường các chuyến thăm cấp cao và các cấp, thúc đẩy giao lưu nhân dân.

Trong bối cảnh năm APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam, các lãnh đạo 3 nước đã đánh giá cao Việt Nam tổ chức thành công các hội nghị quan trọng trong khuôn khổ Năm APEC 2017 vừa qua, khẳng định sẽ cử các lãnh đạo cấp cao nhất tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới.

Cơ hội để Việt Nam trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Chuyến công tác của Phó Thủ tướng và những cơ hội mở - ảnh 3

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gặp gỡ và "chào hàng" các doanh nghiệp Australia. (Ảnh: Thành Chung) 

Bên cạnh sự tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, trong chuyến công tác này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đại diện các bộ ngành đã mang lại nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Vốn là thành viên chính thức của ASEAN, APEC, ASEM, WTO…nên việc hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng giao lưu mối quan hệ thương mại với các nước, các tổ chức sẽ là cơ hội đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển và đây cũng là xu hướng tất yếu.

Việt Nam là đất nước nông nghiệp nên có lợi thế xuất khẩu các mặt hàng thuộc lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản…Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 6/2017 ước đạt 2,97 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2017 đạt 17,1 tỷ USD - tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14,1%

Và với kỳ vọng đến 2020, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 nước, các lãnh đạo nước ta, các cơ quan chức năng đã tận dụng tối đa cơ hội tìm kiếm thị trường để phát huy thế mạnh trong xuất khẩu.

Trách nhiệm này từng được Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tại buổi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV vừa qua. Khi đó, Bộ trưởng cho biết, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các chuyến công tác luôn chú ý làm thế nào để đem về cho đất nước cơ hội xuất khẩu.

Chuyến công tác của Phó Thủ tướng và những cơ hội mở - ảnh 4

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Chủ tịch Đảng cầm quyền Dân chủ Indonesia Đấu tranh Megawati Soekarnoputri. (Ảnh: VGP/Thành Chung)

“Thủ tướng khi đi nước ngoài cũng lo thị trường nông sản. Khi Thủ tướng bàn việc với Thủ tướng Nhật Bản thì nếu họ đưa cho ta táo, ta đưa cho họ thanh long. Với Mỹ cũng vậy… Chính phủ, các bộ sẽ phối hợp đánh giá, làm tốt hơn để tìm kiếm thị trường cho nông sản Việt”, Bộ trưởng Cường từng nói trước Quốc hội như vậy.

Và tiếp nối tinh thần này, trong chuyến công tác vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tích cực “chào hàng” cho các doanh nghiệp Việt Nam khi ông tiếp xúc, gặp gỡ với hàng trăm doanh nghiệp của 3 quốc gia trong các lĩnh vực: công nghiệp, thực phẩm, giáo dục, khoa học công nghệ…

Ngay cả trong trao đổi với Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita, hai bên cũng đã thống nhất chuẩn bị tích cực cho kỳ họp lần thứ 7 của Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật vào đầu tháng 8 tới để trao đổi các biện pháp cụ thể, trong đó có việc nỗ lực đề ra các biện pháp nhằm đưa kim ngạch song phương sớm đạt mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2018.

Hai bên cũng đã thống nhất tăng cường hợp tác sản xuất hồ tiêu cả về chất lượng và số lượng trong khuôn khổ hoạt động của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (có trụ sở tại Jakarta). Đây là thông tin đáng mừng khi hiện tại, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn với kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu trên 1 tỷ USD/năm.

Ngoài ra, trao đổi với các doanh nghiệp 3 nước, Phó Thủ tướng đều bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để nhiều sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam như hàng nông - thủy sản, dệt may, sản phẩm gỗ, cao su, điện tử, linh kiện máy tính, các sản phẩm nông nghiệp... bước vào các thị trường trên với các loại hình sản phẩm đa dạng hơn.

Thông tin đáng mừng là Phó Thủ tướng Paula Bennett và Bộ trưởng Thương mại Todd McClay khẳng định sẽ tạo điều kiện cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường New Zealand. Trước mắt, quả chôm chôm sẽ được New Zeland hoàn thành các thủ tục kiểm soát rủi ro và nhập khẩu ngay trong năm nay và sau này là các loại trái cây khác.

Tương tự, trong các cuộc tiếp xúc, làm việc tại New Zealand, các lãnh đạo của quốc gia này đã khẳng định sẽ tạo điều kiện cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường New Zealand mà trước mắt sẽ sớm hoàn thành rà soát rủi ro, để đưa trái chôm chôm vào thị trường vốn được xem là “khó tính”.

Hiện nhiều mặt hàng của Việt Nam như thuỷ sản (tôm đông lạnh, cá tra fillet), cà phê, hạt điều, dệt may, giày dép đều đang có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường New Zealand. New Zealand khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực và công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường thế giới nhằm quyết tâm thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng hơn nữa, hướng đến mục tiêu 1,7 tỷ USD vào năm 2020.

Video: Tổng thống Donald Trump tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng

Thêm một thông tin đáng chú ý nữa là tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp của Australia đang và chuẩn bị tổ chức hoạt động tại Việt Nam ngày 24/7, Tổng giám đốc Công ty Bia Carlton&United Breweries (CBU), chiếm 47% thị phần bia tại Australia, đang có nhu cầu mở rộng nhà máy sản xuất bia tại tỉnh Bình Dương cho biết doanh nghiệp này đang quan tâm và mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của Sabeco và Habeco khi Nhà nước thoái vốn trong năm nay.

Có thể nói, thông tin này đã phần nào đáp ứng mong muốn, chủ trương của Việt Nam là muốn doanh nghiệp nước ngoài quan tâm, tham gia vào quá trình tái cấu trúc hệ thông tài chính - ngân hàng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

Với những thành quả đạt được sau chuyến công tác kéo dài 10 ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã mang lại nhiều bước tiến trong hợp tác trong các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế thương mại…. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

(Nguồn: Tổ Quốc)
Bình luận
vtcnews.vn