'Hàng nghìn người hoạt động nghệ thuật không xin phép, lúc mất an ninh trật tự thì trách nhiệm của ai?'

Thời sựChủ Nhật, 30/07/2017 14:22:00 +07:00

PGS.TS Lê Quý Đức băn khoăn nếu hàng trăm, hàng nghìn người cùng lấy lý do là hoạt động nghệ thuật quyên góp tiền làm từ thiện mà không cần xin phép, đến khi xảy ra các vấn đề lừa đảo, gây rối, mất trật tự trị an thì sẽ rất khó quy trách nhiệm.

Ngày 29/7, facebook cá nhân của chị Bùi Thị Thanh Hằng (Hà Nội) chia sẻ thông tin việc con trai chị là cháu V.D.H.N (15 tuổi) khi đang chơi đàn violon ở bờ hồ Hoàn Kiếm bị lực lượng công an yêu cầu dừng, bắt thu dọn đàn với lý do chưa có giấy phép biểu diễn.

Về vấn đề này, PVVTC News đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Lê Quý Đức - Nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa & Phát triển.

PGS.TS le-quy-duc

PGS.TS Lê Quý Đức trả lời PV VTC News. 

- Câu chuyện cậu bé 15 tuổi kéo đàn xin tiền ở khu vực Bờ Hồ (Hà Nội) bị công an yêu cầu dừng và kiểm tra giấy phép đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Biểu diễn nghệ thuật ở nơi công cộng thì xin phép là một việc làm đúng đắn và cần thiết. Nếu không có sự quản lý, cứ mặc ai lấy làm thì trộm cắp, móc túi, ăn xin, lừa đảo sẽ làm loạn cả khu phố.

Theo tôi, sự việc trên chỉ là hai bên chưa thấu hiểu nhau, công an họ không sai nhưng có thể cách làm việc còn máy móc, rập khuôn.

Cháu bé và gia đình hãy coi đây là một bài học, rút kinh nghiệm và xin phép chính quyền nếu thực sự muốn biểu diễn vì mục đích tốt đẹp.

ha-noi_hikh

Cháu N. - người bị lực lượng chức năng nhắc nhở khi kéo đàn ở khu vực phố đi bộ. (Ảnh: Thanh Niên)

- Tuy nhiên, trong một bài phỏng vấn liên quan đến vấn đề này, ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL  cho rằng cách hành xử như vậy với một tài năng âm nhạc là không ổn, thưa ông?

Tôi chưa từng nghe cậu bé này chơi đàn nên không thể đánh giá cậu ấy có phải là tài năng âm nhạc hay không. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên đã là quy định của pháp luật thì chúng ta cần tuân thủ.

Nếu hàng trăm, hàng nghìn người cùng lấy lý do là hoạt động nghệ thuật quyên góp tiền làm từ thiện mà không cần xin phép, đến khi xảy ra các vấn đề lừa đảo, gây rối, mất trật tự trị an thì trách nhiệm thuộc về ai?

Video: Muôn kiểu thưởng thức phố đi bộ của người Hà Nội

 
le quy duc 3

 

Chúng ta không nên quá nặng nề đao búa phê phán lực lượng chức năng và cũng không nên vùi dập ước nguyện, thiện tâm của cậu bé 15 tuổi.

PGS.TS Lê Quý Đức

Người yêu nghệ thuật vẫn cần tuân thủ pháp luật, không thể có ngoại lệ. Người yêu nghệ thuật, có tấm lòng nhân văn, nhân ái càng phải hiểu được hành vi và hành động của mình.

Nếu cậu bé muốn làm từ thiện thì có thể đặt cái biển "Nghe tôi đàn xin góp vào đây quỹ vì người nghèo hay vì trẻ em" thì có lẽ cán bộ công an họ cũng hiểu, thông cảm.

Muốn quyên góp tiền ủng hộ cho một việc làm thiện nguyện nào đấy cũng cần phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Tôi tin rằng, những người quản lý xã hội trước những hiện tượng thiện tâm sẽ không vùi dập và chắc chắn cháu bé sẽ được cấp phép.

Vấn đề ở đây chỉ đơn giản là chưa có sự gặp gỡ, thấu hiểu nhau. Chúng ta không nên quá nặng nề đao búa phê phán lực lượng chức năng và cũng không nên vùi dập ước nguyện, thiện tâm của cậu bé 15 tuổi.

- Vì những lời lẽ nặng nề từ dân mạng mà mẹ cháu N. đã phải xóa tất cả những thông tin liên quan trên facebook cá nhân. Ông có cho rằng dư luận đang quá khắt khe với một cậu bé 15 tuổi?

Thay vì viết lên facebook, nếu hai bên cùng ngồi lại với nhau thì sự việc sẽ không ầm ĩ như thế này. Cộng đồng không nên bàn luận thêm hành vi đúng, sai của cậu bé vì ở tuổi 15 nhận thức xã hội vẫn còn non nớt.

Tuy nhiên, những bậc làm cha mẹ phải nhận thức đầy đủ được mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Một khi đưa thông tin thì phải chịu trách nhiệm về thông tin của mình.

Kể cả là đưa thông tin lên mạng xã hội thì vẫn cần chính xác và khách quan, nhất là khi thông tin đó lại ảnh hưởng đến nhiều người khác.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Duy
Bình luận
vtcnews.vn