Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: ‘Cử một đoàn đi Trung Quốc khảo sát kinh nghiệm làm đường sắt’

Thời sựThứ Ba, 30/05/2017 16:46:00 +07:00

Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết đã cử một đoàn đi Trung Quốc để khảo sát kinh nghiệm làm đường sắt ở nước bạn.

Sáng 30/5, sau khi nghe các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa đã phát biểu ý kiến tiếp thu và giải trình thêm. 

Bộ trưởng Nghĩa cho rằng sự quan tâm đến ngành đường sắt còn rất hạn chế.

“Ngành đường sắt có hơn 100 tuổi và khi có hệ thống đường sắt của Việt Nam, chúng ta cũng là một trong những nước rất hiếm có được đường sắt hiện đại như vậy. Nhưng sau 100 năm, đường sắt của chúng ta cứ kém dần đi và cho đến hiện nay, thực sự rất lạc hậu”, Bộ trưởng Nghĩa thừa nhận.

Hinh anh Bo truong Truong Quang Nghia: ‘ Cu mot doan di Trung Quoc khao sat kinh nghiem lam duong sat’

 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa 

Từ năm 2011-2015 đầu tư cho ngành đường sắt rất hạn chế với khoảng 3,18% trong cơ cấu đầu tư trong ngành giao thông. Bên cạnh đó đường bộ là 88,89%.

Đường bộ hiện nay đã đóng vai trò hết sức quan trọng cho hệ thống giao thông của chúng ta nhưng đường sắt ít được quan tâm đặc biệt là các kết nối phương thức khác nhau. Chính vì vậy đường sắt ngày càng khó phát huy.

“Con số năm 2016 chúng tôi có báo cáo trong Hội nghị doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp, vận tải đường sắt đối với hàng hóa chỉ còn có 0,4%. Đấy là một trong những lý do dẫn tới chi phí vận tải của chúng ta rất cao so với thế giới”, người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải nêu.

Ông Nghĩa cho rằng phí logistic của chúng ta đối với cơ cấu GDP là khoảng 22%, nhưng trong đấy riêng vận tải là chiếm tới 60%, như vậy có thể nói cơ cấu sao cho hợp lý để có thể phát huy được các phương thức vận tải lớn, chi phí thấp, đặc biệt an toàn.

Từ sau kỳ họp thứ hai được các vị đại biểu Quốc hội góp ý kiến, Bộ Giao thông vận tải trực tiếp là Bộ Giao thông vận tải trong tổ biên soạn cùng với Ủy ban khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức rất nhiều các hoạt động để hoàn thiện các nội dung được góp ý. 

“Chúng tôi đã tổ chức 6 cuộc hội thảo tại 3 vị trí Bắc, Trung, Nam trực tiếp các đối tượng chịu sự chi phối của Luật đường sắt và cũng đã tổ chức 4, 5 đoàn đi các vị trí của cả nước các địa phương và một đoàn đi ở nước ngoài để tham khảo đó là ở Trung Quốc”, Bộ trưởng Nghĩa nói.

Người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải mong rằng trong thời gian tới tiếp tục được ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội.

Video: Vì sao đường ray tuyến Cát Linh - Hà Đông chưa dùng đã gỉ sét?

Trước đó, thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Chương (TP.HCM) cho rằng vốn đầu tư cho ngành đường sắt trong những năm sắp tới mà giống giai đoạn 2011-2015 vừa qua, thì tương lai ngành đường sắt chưa có gì sáng sủa, vẫn sẽ là lạc hậu, vẫn xuống cấp và mất năng lực cạnh tranh.

“Nhìn ra các nước, chỉ có Chính phủ là người đầu tư chính cho kết cấu hạ tầng đường sắt. Hiếm nhà đầu tư nào bỏ vốn lớn đầu tư cho ngành kinh tế chậm thu lợi như ngành này. Vì vậy, nếu muốn nhà đầu tư thì phải có những cơ chế chính sách tạo điều kiện cho họ. Không có lợi thì trải thảm đỏ mời họ cũng không vào", ông Chương nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Chương cho biết đã hỏi ý kiến một số đại biểu Quốc hội khoá 13 và cán bộ ngành đường sắt phía Nam đều cho rằng kiến nghị cần quan tâm phát triển đường sắt hiện đại.

"Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ đừng quên ngành đường sắt như mấy chục năm qua ta đã quên ngành vận tải chiến lược này", ông Chương đề xuất.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn