Bị đề nghị 'từ chức đại biểu Quốc hội', ông Võ Kim Cự nói gì?

Thời sựThứ Hai, 25/07/2016 11:12:00 +07:00

Ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh đã trả lời về ý kiến của dư luận về việc “từ chức đại biểu Quốc hội”.

Bên hành lang Quốc hội sáng 25/7, ĐBQH Võ Kim Cự, nguyên Bí thư tỉnh Hà Tĩnh đã trao đổi với báo chí về trách nhiệm xung quanh vụ việc Formosa.

vo kim cu

Ông Võ Kim Cự trả lời phỏng vấn báo chí sáng 25/7 (Ảnh: Phạm Thịnh) 

- Từng là Bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, sự cố Formosa xảy ra từ tháng 4 mà mãi đến giờ ông mới gặp gỡ báo chí. Phải chăng ông đang né tránh?

Trước đó có vài anh em có gọi điện xin phỏng vấn, khoảng ngày 16-19/7 chúng tôi đang tập trung cho Đại hội Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Chúng tôi không né tránh, không đùn đẩy gì cả, không ai yêu cầu tôi gặp báo chí cả.

Bản thân tôi rất muốn gặp chứ không phải sau chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội. Kể cả ngày nghỉ, anh em báo chí gặp tôi cũng sẵn sàng.

Chủ tịch Quốc hội cũng chưa gọi cho tôi. Tôi cũng muốn gặp báo chí để thông tin đầy đủ. Né tránh để bưng bít thông tin là không được.

- Vừa qua dư luận quy trách nhiệm cho ông và có ý kiến đề nghị ông nên từ chức đại biểu Quốc hội. Ông nghĩ sao?

Tôi không nghĩ thế, cũng chưa ai nghe ai nói thế.

Video: Ông Võ Kim Cự trần tình vụ Formosa

- Với hàng loạt sai phạm của Formosa đã được chỉ ra trong thời gian vừa qua, trách nhiệm cá nhân của ông khi vừa là người phê duyệt dự án này vừa là một đại biểu Quốc hội là gì?

Sự việc xảy ra rất đáng tiếc, tôi cũng rất trăn trở khi sự việc xảy ra. Nó cũng là việc đột ngột, ngoài ý muốn. Sự việc xảy ra cũng để lại những hậu quả lớn cho bà con nhân dân, đời sống khó khăn, tâm tư, tình cảm bị ảnh hưởng.

Tôi mong muốn đưa tập đoàn lớn như Formosa vào làm nghiêm túc như cam kết, ví dụ sẽ thay đổi được một vùng khó khăn, dân nghèo khổ, mong có một nguồn lực lớn cho dân có việc làm để thoát nghèo, phải có một cú hích, có công nghiệp làm nền tảng, chấm dứt cảnh sản xuất manh mún.

Mình cứ nghĩ nó sẽ diễn ra theo chiều hướng tích cực, không ngờ xảy ra những cái đáng tiếc như thế.

Thời gian đó, tôi cũng có trách nhiệm liên đới trong quá trình làm, nên tôi trăn trở, và tôi nghĩ kể cả những người không phải trong cuộc cũng trăn trở vì đó là đồng bào của mình, chỉ có điều động cơ của chúng ta là động cơ tích cực chứ không phải tiêu cực, những cái xảy ra đã vi phạm cam kết luật môi trường.

- Việc cấp chứng nhận đầu tư thì thế nào, thưa ông?

Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư là đúng theo trình tự, đúng theo Luật đất đai, Luật đầu tư và Nghị định 108. Khu kinh tế Vũng Áng là khi kinh tế nằm trong vùng đặc biệt khó khăn nên Thủ tướng có quyết định số 72, ban hành chính sách ưu đãi cho khu kinh tế này – một vùng đất khó khăn với bão lũ thường xuyên.

formosa-1-0715

Bể chứa nước thải của Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng.  

- Tuy ông nói đã làm đúng quy trình nhưng khi thanh tra vào lại phát hiện 53 sai phạm của Formosa?

53 sai phạm đó là vi phạm về công nghệ môi trường chứ không phải sai phạm trong cấp phép đầu tư.

Trình tự cấp giấy chứng nhận đầu tư theo đúng các quy định của Luật, trong đó có tiêu chí quy định ưu đãi về ngành chúng ta đang khuyến khích đầu tư như thép, cảng biển…

Đặc biệt, có 1 tiêu chí khiến Formosa được chọn là trong khi có dự án có 5.000 lao động thì dự án này có tới hàng vạn người lao động và lại nằm trong vùng kinh tế đặc biệt khó khăn…

Việc cấp phép chúng nhận đầu tư là đúng trình tự. Trước khi nhà đầu tư yêu cầu xin đăng ký đầu tư đã có

 
Tôi có hỏi lại và anh em nói đã qua vài lần kiểm tra nhưng chưa phát hiện được. Sau đó có ý kiến nói có vấn đề về kỹ thuật. Nhưng chắc chắn địa phương có trách nhiệm ở đây.

Ông Võ Kim Cự

văn bản 323 của Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương, giao cho Hà Tĩnh chỉ đạo khu kinh tế phối hớp với các Bộ ngành hướng dẫn, kiểm tra và thẩm định hồ sơ.

Sau khi có ý kiến của tất cả các bộ ngành (hiện còn lưu giữ), sau đó Hội đồng thẩm định báo cáo lại với Thủ tướng, Thủ tướng có văn bản 869 đồng ý cấp giấy chứng nhận đầu tư cho đơn vị này, theo nghị định 108, Chính phủ uỷ quyền hoàn toàn cho địa phương hết, nơi nào có khu kinh tế thì khu kinh tế cấp, nơi nào không có khu kinh tế thì tỉnh cấp.

Tỉnh đã báo cáo lại hết sức nghiêm túc, còn việc họ vi phạm thì đó là vấn đề môi trường.

Về mặt quản lý nhà nước, cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đầu tư là đúng nhưng thực thi của Formosa là vi phạm. Vi phạm này chúng ta đã và đang xử.

Chúng tôi đang kiến nghị xử lý nghiêm, kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu thay đổi công nghệ, thiết bị, nếu không ta kiến nghị dừng, thu giấy chứng nhận đầu tư, phạt yêu cầu bồi thường lại toàn bộ môi trường. Đó thuộc hoàn toàn thẩm quyền của chúng ta.

Mọi điều kiện đều trong tầm kiểm soát của chúng ta, chỉ tiếc là hậu quả gây ra tâm tư cho bà con, nhưng Chính phủ đã phần nào khắc phục, hỗ trợ ngay khi Formosa chưa bồi thường.

- Có ý kiến cho rằng sai phạm xảy ra do thiếu thanh tra, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương. Để khi xảy ra rồi mới biết sai phạm của Formosa?

Tôi có nhận được thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường. Họ đã kiểm tra vài lần và báo cáo cùng với Tổng cục môi trường và cơ quan cấp phép, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Tôi có hỏi lại và anh em nói đã qua vài lần kiểm tra nhưng chưa phát hiện được. Sau đó có ý kiến nói có vấn đề về kỹ thuật. Nhưng chắc chắn địa phương có trách nhiệm ở đây. Vấn đề ở đây do kỹ thuật chứ không phải do con người.

- Trước Formosa có một nhà đầu tư Ấn Độ vào nhưng không được chọn?

Tôi đã trả lời khá nhiều báo về vấn đề này. Thực ra có đến 2 nhà đầu tư nhưng phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, thực ra là phải chấm điểm những nhà đầu tư nào cao điểm hơn, về kinh tế, về quy mô .

- Nhưng Formosa có tiền sử đi đến đâu gây ô nhiễm môi trường đến đó?

Văn bản chúng tôi lưu giữ, tất cả các Bộ đều không Bộ nào không đồng ý chọn Formosa cả, cũng không Bộ nào nói việc Formosa gây vấn đề này khác ở các nước, hoàn toàn không có, hồ sơ còn nguyên.

- Quá trình cấp phép phải qua nhiều bước, nhiều cơ quan, vậy tạo sao với dự án lớn như Formosa mà chỉ trong vài tháng đã hoàn thành xong việc cấp phép. Liệu có sự ưu ái đặc biệt nào cho Formosa?

 
Phải xử lý nghiêm cả bên phía người đồng ý cho xả thải. Cũng có phần trách nhiệm của ngay chính quyền cấp xã, cấp huyện, cả cấp tỉnh.

Ông Võ Kim Cự

Không thể có sự ưu ái đặc biệt nào, phải làm đúng luật, đúng trình tự, đúng bước đi theo quy định của pháp luật chứ không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào.

Sau khi có đầy đủ ý kiến theo quy định của Luật thì Thủ tướng có có ý kiến đồng ý.

- 6 tháng mà hoàn thành việc cấp phép cho 1 dự án lớn như Formosa có quá nhanh và vội vàng?

Không. Nhanh hay không còn phụ thuộc vào chất lượng của hội đồng thẩm định, có khi người ta làm việc tăng thời gian, tăng năng suất, có phương pháp làm việc tốt hơn nên đảm bảo điều kiện.

- Hiện nay lại phát hiện ra hàng loạt sai phạm của Formosa khi chôn lấp chất thải trên địa bàn của tỉnh Hà Tĩnh, nhưng phát hiện cũng không phải do cơ quan nhà nước. Có phải cơ quan nhà nước ở địa phương chưa làm tròn trách nhiệm?

Trước hết có phần của Formosa vì quy định là có phần xử lý thải riêng, còn có thêm vài yếu tố như tự ý thu gom, tự ý chôn lấp trong trang trại, phải xử lý nghiêm.

Phải xử lý nghiêm cả bên phía người đồng ý cho xả thải. Cũng có phần trách nhiệm của ngay chính quyền cấp xã, cấp huyện, cả cấp tỉnh.

Nghe thông tin ấy tôi thấy rất bức xúc. Đổ mấy trăm tấn chất thải là không thể chấp nhận được, tôi đề nghị xử lý nghiêm những hành vi này và tiếp tục rà soát xem còn ở đâu không.

Nếu vi phạm tiếp thì không dừng lại ở xử lý hậu quả mà phải xử lý nghiêm hơn, để đảm bảo phát triển bền vững chứ thể phát triển kinh tế bằng mọi giá.

- Liệu có cần xử lý hình sự Formosa?

Chúng ta đã chỉ ra và đang làm quyết liệt. Trung ương, Chính phủ và các bộ ngành đang vào cuộc, làm việc nghiêm túc, khách quan, quyết liệt, nhưng cần dứt điểm sớm, kéo dài không hay cho nhiều vấn đề, xử lý không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

- Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn