Vuvuzela - "Thần sấm" có âm lượng 100 decibel

Tổng hợpThứ Hai, 14/06/2010 08:27:00 +07:00

(VTC News) - Tôi hỏi Đại tá S.A.Shezi ở ĐSQ Nam Phi về sự khác biệt lớn nhất của World Cup lần này. Ông cười rồi đi ra khỏi phòng, và quay lại với...

(VTC News) - Tôi hỏi Đại tá S.A.Shezi ở Đại sứ quán Việt Nam về sự khác biệt lớn nhất của World Cup tại Nam Phi lần này. Ông cười rồi đi ra khỏi phòng với lời xin lỗi: “Chờ tôi chút”.


Lúc trở lại, tay ông cầm một chiếc kèn ống dài chừng gần 1m, màu vàng cam. Ở thân loa của chiếc kèn này có logo World Cup 2010. Cô bạn đồng nghiệp đi cùng tôi có vẻ ngạc nhiên, nhưng tôi thì không. Bởi tôi biết, đó là…

Vuvuzela

Vuvuzela, đôi khi còn được gọi là “lepatata” theo tiếng Setswana, có nghĩa là một cái tù và dài khoảng 1m. Nguyên bản của từ này chưa hẳn chính xác, có thể xuất phát từ tiếng zoulou để tạo ra tiếng "vu vu".

Vuvuzela có nguồn gốc từ lịch sử châu Phi?

Vuvuzela được cho là bắt nguồn từ lịch sử châu Phi, làm từ sừng linh dương hay sừng trâu, và được thổ dân sử dụng khi đi săn bắt hay để liên lạc với nhau. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, Vuvuzela có nguồn gốc từ kèn Kudu - một loại kèn cũng được làm từ sừng linh dương của người Do Thái. Loại kèn này có âm thanh tương đối giống Vuvuzela và được sử dụng để tập hợp dân làng. Người Do Thái tin rằng: khỉ đầu chó sẽ chết bởi rất nhiều tiếng ồn, cho nên những giờ khắc cuối của trận đấu người ta thổi nó để thêm quyết tâm giết chết đối thủ của mình, giống như trước khi vào trận đấu bóng bầu dục, người ta hát bài hát khiêu chiến, tạo tinh thần.

Xem thêm hình ảnh về "Thần sấm"

Vuvuzela hiện đại được chế tạo từ thiếc, nhanh chóng phổ biến ở Nam Phi trong những năm 1990 và nổi tiếng là chiếc Kaizer Chiefs FC. Một fan hâm mộ có tên là Maake khẳng định đã phát minh ra Vuvuzela hiện đại từ một còi xe đạp sau khi loại bỏ túi cao su nén khí màu đen để thổi bằng miệng, đầu năm 1965 .

Đến năm 2001, một nhà máy ở Nam Mỹ là Masincedane Sport đã bắt đầu thương mại hóa tạo ra các mẫu Vuvuzela làm bằng nhựa. Lúc này âm thanh của Vuvuzela thoát ra đã mạnh mẽ hơn nhiều, đơn điệu như âm thanh phát ra từ còi báo hiệu tàu đi trong sương mù hay tiếng ré của voi.

Âm thanh của thần sấm

Vuvuzela sau đó đã trở thành một dụng cụ không thể vắng mặt trong các sân vận động ở Nam Phi. Tất cả những người sử dụng Vuvuzela đều có thể liên tiếp đối thoại với nhau và đẩy âm thanh đi rất xa. Âm thanh của Vuvuzela thoát ra gây chói tai và có xu hướng làm rối trí các vận động viên lẫn HLV khi đang thi đấu.

Thanh âm của Vuvuzela có một sức mạnh khủng khiếp. 

Các nhà khoa học từng nghiên cứu về Vuvuzela cho biết, tiếng thét của cầu thủ bình thường cũng chỉ từ 70-80 decibel là cực đại, còn vuvuzela thổi nhẹ cũng lên trên 100 decibel. Chính vì điều này Vuvuzela có thể gây rối loạn thính giác cho những người nghe nó với tần suất liên tục và ở khoảng cách gần.

Đã có một cuộc đấu tranh chống lại sự hiện diện của Vuvuzela ở World Cup. Những người chống Vuvuzela cho rằng, các CĐV ngồi trong SVĐ với hàng ngàn chiếc Vuvuzela đồng ca sẽ tạo ra hậu quả nghiêm trọng về khả năng nghe, bên cạnh khả năng ảnh hưởng của nó tới chuyên môn, công tác trọng tài (không nghe thấy tiếng còi), tới khả năng liên lạc của các cầu thủ trên sân, của HLV,... HLV Hà Lan Bert van Marwijk và tiền vệ Xabi Alonso của ĐT Tây Ban Nha đã đứng ra kêu gọi một lệnh cấm, họ nói rằng cái kèn làm cho người chơi khó giao tiếp và tập trung trong khi nó cũng chẳng đem lại thêm gì cho không khí trận đấu.

Trong suốt trận đấu giữa Mỹ và Ý tại Cúp liên đoàn FIFA 2009, bình luận viên BBC 3  là Lee Dixon gọi các âm thanh của Vuvuzela "quả là khá khó chịu". FIFA đã nhận được thêm khiếu nại từ rất nhiều đài truyền hình châu Âu, những người muốn Vuvuzela bị cấm tại World Cup 2010 vì âm thanh của nó lấn át các nhà bình luận.

Không cản được Vuvuzela

Vuvuzela đã trở thành một chủ đề rất đáng chú ý trước Cúp Liên đoàn 2009 và Cúp bóng đá thế giới 2010. FIFA đã dự tính cấm sử dụng nhạc cụ này tại hai giải đấu nói trên. Tuy nhiên Liên đoàn Bóng đá Nam Phi (SAFA) đã phản ứng quyết liệt và bảo vệ Vuvuzela như một yếu tố chủ đạo tạo nên khí thế trong các sân vận động ở Nam Phi. Và cuối cùng tháng 7/2008, FIFA đã chấp nhận cho phép sử dụng Vuvuzela trong Cúp liên đoàn 2009 và Cúp thế giới 2010.

Vuvuzela đang được sử dụng trong các trận đấu ở World Cup 2010.

Mọi chuyện lại khác đi sau hai giải đấu, số phận của những chiếc Vuvuzela một lần nữa được đem ra định đoạt. FIFA muốn cấm việc sử dụng Vuvuzela trong World Cup 2010 vì lo ngại rằng các thành phần côn đồ có thể sử dụng các nhạc cụ này như một vũ khí và các doanh nghiệp có thể đặt quảng cáo trên Vuvuzela.
 
Tuy nhiên, Liên đoàn Bóng đá Nam Phi (SAFA) một lần nữa đã thuyết phục thành công FIFA và nhận được sự đồng thuận của người đứng đầu cơ quan này. Chủ tịch FIFA Sepp Blatter phản đối việc cấm Vuvuzela, ông nói rằng: "Chúng ta không nên cố gắng Âu hóa giải đấu của thế giới ở châu Phi. Chúng ta đưa World Cup đến Nam Phi, cũng có nghĩa là chấp nhận có Vuvuzela". Cuối cùng FIFA đã quyết định cho phép loại nhạc cụ này được sử dụng ở World Cup 2010, loại trừ Vuvuzela dài hơn một mét.

Để chào mừng World Cup 2010 ở Nam Phi, Hyundai và một hãng quảng cáo địa phương của Nam Phi đã tạo ra những chiếc Vuvuzela lớn nhất thế giới, đặt trên một chiếc cầu vượt chưa hoàn thiện ở thành phố Cape và nó sẽ được thổi vào đầu mỗi trận đấu tại World Cup.

Sức mạnh của nước chủ nhà

Với Vuvuzela, Nam Phi kỳ vọng tạo ra một World Cup ồn ã nhất trong lịch sử. Nó có thể là ám ảnh với nhiều người, nhưng chính điều đó sẽ khiến Nam Phi được nhớ đến nhiều hơn.

Một điều quan trọng nữa, Vuvuzela khi được hợp xướng trong các sân vận động cũng đồng nghĩa với sức mạnh để Nam Phi đánh bại các đối thủ. Mới đây ĐT Nam Phi đã đánh bại ĐT Đan Mạch trong một trận giao hữu. Ở trận đấu đó, các cầu thủ Đan Mạch thừa nhận họ đã thua vì Vuvuzela.

Không ít chuyên gia bóng đá khẳng định, ngoài yếu tố sân nhà, sự thích nghi thời tiết, độ cao, các Bafana Bafana sẽ tiến sâu vào vòng trong của World Cup nhờ sức mạnh của Vuvuzela.

Hà Thành
Nguồn ảnh: AP, Getty Images, Reuters


Bình luận
vtcnews.vn