WikiLeaks tiết lộ mục tiêu quan trọng của Mỹ ở Nga

Thế giớiThứ Ba, 07/12/2010 09:54:00 +07:00

(VTC News) – Thời gian tới Mỹ sẽ buộc phải rút hàng chục quan chức ngoại giao về nước do lộ thông tin về các mục tiêu tối quan trọng trên lãnh thổ của Nga

(VTC News) - Trong thời gian tới Mỹ sẽ buộc phải rút hàng chục quan chức ngoại giao về nước sau khi WikiLeaks cho công bố danh sách các mục tiêu quan trọng sống còn đối với Mỹ trên lãnh thổ Nga.

 

WikiLeaks tiết lộ hàng loạt các mục tiêu tối quan trọng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia Mỹ trên toàn thế giới, trong đó có trên lãnh thổ của Nga. 

Để giảm thiểu những tổn thất về chính trị, Nhà Trắng chỉ quyết định cho rút các quan chức ngoại giao bị nêu tên trong các tài liệu mật do WikiLeaks tiết lộ.

 

Danh sách các mục tiêu quan trọng sống còn của Mỹ trên lãnh thổ của Nga do Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ ra vào tháng 2/2009, trong đó có mỏ dầu, mỏ khí gas, xí nghiệp mỏ, hệ thống ống dẫn, vị trí triển khai các trạm theo dõi vệ tinh.

 

Không chỉ các mục tiêu quan trọng sống còn của Mỹ trên lãnh thổ của Nga mà trong tài liệu mật do WikiLeaks tiết lộ còn đề cập tới cả các mục tiêu quan trọng của Mỹ trên phạm vi toàn thế giới.

 

Nếu chỉ tính riêng ở Nga thì các mục tiêu quan trọng nhất đối với Mỹ phải kể đến là cảng Primorsk và cảng Novorossisk, bên cạnh đó còn trung tâm trung chuyển khí gas Nadymsky.

 

Một trong các mục tiêu tối quan trọng của Mỹ trên lãnh thổ của Nga là các mỏ dầu, mỏ khí gas,... 

Tất cả các mục tiêu quan trọng kể trên đối với Mỹ có vai trò rất quan trọng, nếu chúng ngừng hoạt động thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền an ninh của Mỹ.


Vì lý do này mà các phóng viên của hãng thông tấn BBC đã cho rằng, việc WikiLeaks cho công bố danh sách các mục tiêu quan trọng của Mỹ trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có Nga là quyết định gây nhiều tranh cãi nhất.

 

Ngay sau khi cho tiết lộ các thông tin quan trọng nêu trên, trang mạng WikiLeaks cũng như Tổng Biên tập Julian Assange vốn đã chịu nhiều áp lực quốc tế nay lại càng bị chỉ trích mạnh mẽ và kiên quyết hơn.

 

Đã có rất nhiều giả thuyết đưa ra để “bịt miệng” WikiLeaks. Hơn 200 giả thuyết đã xuất hiện trên các trang mạng thông tin chỉ trong vài tiếng đồng hồ.


Không chỉ có website mà ngay cả Tổng Biên tập Julian Assange hiện đang trú ngụ tại London của Anh cũng có thể bị bắt khẩn cấp trong vòng 48 giờ đồng hồ theo lệnh truy nã của Interpol và yêu cầu của Thụy Điển.

 

Chính quyền Úc lên tiếng sẵn sàng ủng hộ và bảo vệ cho Tổng Biên tập WikiLeaks Julian Assange. 

Trong khi đó, chính quyền Úc lại luôn sẵn sàng ủng hộ Julian Assange và bảo vệ cho công dân của mình. Với tư cách là một công dân, ông Julian Assange có thể trở về Úc bất cứ lúc nào - khẳng định của ông Robert McClelland, trưởng công tố viên của Úc.

 

Chính ông Julian Assange cũng đã từng đưa ra tuyên bố đe dọa, nếu trong trường hợp xấu nhất ông bị bắt thì WikiLeaks sẽ nhanh chóng cho công bố hàng loạt các thông tin tuyệt mật mới có liên quan tới Mỹ và hàng loạt các quốc gia khác trên thế giới.


Chắc chắn là các thông tin này sẽ gây sốc hơn nhiều so với các thông tin trước đó đã từng tiết lộ.

 

Đến thời điểm này, không ai có thể dám chắc trong tay của Tổng Biên tập WikiLeaks Julian Assange còn nắm giữ các tài liệu quan trọng gì, độ mật tới đâu, mức độ ảnh hưởng như thế nào cũng như số lượng cụ thể bao nhiêu, liên quan tới các quốc gia nào…

 

Tổng biên tập WikiLeaks Julian Assange đang nắm giữ nhiều tài liệu tối mật có liên quan đến Mỹ và nhiều cường quốc trên thế giới để phòng thân khi có sự cố bất trắc xảy ra. 


Tuy nhiên, WikiLeaks có khả năng tiết lộ hàng loạt các thông tin chính trị cấp cao là điều không phải bàn cãi. Chính Chủ tịch Ủy ban Thượng viện Mỹ phụ trách về các vấn đề quốc tế, ông John Kerry đã tuyên bố, các tài liệu mà WikiLeaks tiết lộ có thể buộc Mỹ phải rút hàng loạt quan chức ngoại giao của mình tại nước ngoài về nước, những người bị “vạch mặt” trong các tài liệu mật cũng như các bản báo cáo mật của Bộ Ngoại giao Mỹ.

 

Theo một nguồn tin giấu tên từ chính quyền Washington, hiện nay hàng loạt các Đại sứ quán của Mỹ ở nước ngoài đã phải tái cơ cấu tổ chức biên chế của mình, rà soát các nhân viên trong sứ quán và kiểm tra công tác bảo vệ an ninh nội bộ, bảo mật thông tin.


Hữu Kỷ - Nhật Minh (Theo Vesti)

Bình luận
vtcnews.vn