Vùng đất của sự hoang sơ và lãng mạn

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 10/01/2015 03:00:00 +07:00

Vùng đất hoang sơ chỉ có đá núi xám ngắt, con người nghèo khó, mà lãng mạn đến lạ.

(VTC News) - Vùng đất hoang sơ chỉ có đá núi xám ngắt, con người nghèo khó, mà lãng mạn đến lạ.


Đi giữa cái lạnh mênh mông của núi rừng địa đầu Tổ quốc những ngày đông buốt giá, mới thấy thấm thía cái nồng nàn của tình người, tình đất Hà Giang. Một chén rượu ngô Mèo Vạc hăng nồng, vậy mà mới thoảng thôi đã muốn chếnh choáng say.

Những ánh mắt trong trẻo, ngây ngô đến lạ. Những đứa trẻ say sưa trong địu mẹ. Những chiếc gùi đong đưa trên vai ai. Những đôi má luôn ửng hồng của người thiếu nữ vùng cao...Tất cả, sao cứ da diết…

Mong ước mãi, rồi chúng tôi cũng có duyên được đặt chân tới vùng địa đầu thân yêu của Tổ quốc - Hà Giang!

Chuyến xe vượt qua những con đường, những dốc núi đẹp đến mê hồn. Bên ngun ngút vực thẳm. Bên ngăn ngắt đại ngàn, trập trùng đá và hào phóng gió... Suốt chiều dài cung đường huyền thoại mang tên Hạnh Phúc là những địa danh, mới nghe thôi đã thấy hấp dẫn, mời gọi lắm!

Cao nguyên đá Đồng Văn trải dài trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Nơi ôm trong mình bao nét đẹp văn hóa đặc sắc của hơn 17 dân tộc, với: cột cờ Lũng Cú, trống đồng Lô Lô, rượu ngô Quản Bạ, chợ tình Khâu Vai…
Đường lên Cao nguyên đá Đồng Văn 
Cao nguyên đá còn mê hoặc lòng người bởi cảnh quan hùng vĩ cùng hàng trăm điểm di sản địa chất: Hẻm vực Mã Pì Lèng, Núi đôi Cô tiên, Hoang mạc đá Sang Tùng, Động Khố Mỹ, Bọ ba thùy Lũng Cú…trong đó nhiều di sản địa chất có giá trị nổi bật toàn cầu, minh chứng cho một thời kỳ đầy biến động của vùng đất này từ hàng trăm triệu năm trước.

Đắm mình giữa điệp trùng núi, điệp trùng mây và sự hùng vĩ của thiên nhiên, giữa trùng trùng đá, cảm nhận về sự phi thường của con người cứ lắng mãi trong chúng tôi. Cái nơi tưởng như chỉ có đá và đá, luôn xám một màu cũng của đá, vậy mà chẳng kém phần lung linh, quyến rũ đến lạ, nào: xôi ngũ sắc, váy, áo, tấm khăn của các bà, các chị, rồi màu xanh mướt mát của ngô, màu vàng ruộm của lúa chín và man mác màu tím của hoa tam giác mạch...

Cao nguyên đá làm quên đi những ồn ã, vội vàng nơi phố thị. Qua mỗi cung, mỗi chặng, lại khiến người ta đắm chìm sâu hơn vào những âm thanh réo rắt, si mê, khắc khoải của điệu khèn H'Mông...

Nơi tưởng như vô cùng nghèo khó, lạc hậu này hóa ra lại đầy ắp những điều mà con người thời hiện đại, sống ở nơi được cho là văn minh lại đang thiếu thốn và phải kiếm tìm.

Đến với Cao nguyên đá Đồng Văn, tôi như đang đến nơi hẹn hò với người mình yêu, để rồi say đắm, để rồi nhâm nhi và để rồi lưu luyến chẳng muốn rời... Khi xa lại hồi hộp, đợi chờ ở lần hẹn tới!
Chợ phiên Phố Cáo 
Cao nguyên đá Đồng Văn mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan và địa chất - địa mạo. Nơi đây, còn tồn tại những hẻm vực dài hàng chục km, sâu từ 150 tới 400 - 500m. Đặc biệt, hẻm vực sông Nho Quế sâu đến hơn 800m.

Ấn tượng sâu đậm trong suốt hành trình là những trải nghiệm thú vị trên đỉnh Mã Pì Lèng, nơi được mệnh danh là vua của những con đèo phía bắc Tổ quốc.

Mã Pì Lèng nổi tiếng không phải bởi khó đi, mà bởi cảnh quan hùng vĩ cùng những câu chuyện bi hùng về những thanh niên xung phong cảm tử phá đá mở đường qua con đèo hiểm trở này.

Đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng, dang rộng cánh tay đón gió, có cảm giác nhẹ nhõm như thoát tục, như đang được bay vào một không giam thấm đẫm màu cổ tích. Mã Pì Lèng mê say và lôi cuốn con người lắm, bởi vẻ đẹp của bức tranh được vẽ lên từ chính chất liệu của đất trời, cảnh vật, có sông có núi, hùng vĩ và giao hòa làm một.
Hoa tam giác mạch 
Đến chợ phiên Đồng Văn và Mèo Vạc, được ngập vào không gian đa sắc màu chốn sơn cước, ngập vào không khí sôi động như hoang sơ của mua mua bán bán. Những phụ nữ H'Mông trong những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ, ánh mắt không giấu được sự háo hức, rộn ràng...

Giữa sự chia cắt của địa hình, của thiên nhiên núi rừng, mỗi phiên chợ làm họ gần nhau! Gần lại trong chính cái không gian thấm đẫm chất văn hóa truyền thống dân tộc. Đồng bào nơi đây đến chợ, không chỉ để giao thương, mà chính là để góp vào việc bảo vệ những gì quý giá nhất còn lại, đã được chắt lọc qua nhiều thế hệ của cộng đồng mình và để rồi duy trì mãi trên mảnh đất này(?!).

Cái khó, cái nghèo của miền đất viễn biên Hà Giang, phải chăng lại là những giá trị vĩnh tồn, đã làm giàu nên nghị lực của những cư dân nơi này. Hình ảnh những con người cần mẫn, trên vai nặng trĩu những gùi đất...

Họ làm xanh những triền đá bằng sự nhọc nhằn, chắt chiu từng giọt nước cho ngô xanh ngập tràn, cây cối đơm hoa kết trái. Họ là biểu tượng cho sự trường tồn của đá. Họ là minh chứng cho sự gắn bó mật thiết của con người với đá, "sống chết với đá" trên cao nguyên này...

Tạo hóa thật hữu công, đùa một tí mà thành muôn cảnh đẹp, rồi ban tặng con người. Tự hào lắm Hà Giang, với: một Cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ, hoang sơ và bí ẩn. Cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc Tổ quốc thiêng liêng và kiêu hùng.

Di tích Nhà Vương một thời vàng son. Phố cổ Đồng Văn với kiến trúc độc đáo. Cổng trời, Núi đôi Quản Bạ nên thơ. “Đệ nhất hùng quan” Mã Pì Lèng.
Trên đỉnh Mã Pì Lèng 
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì ngút ngát. Bãi đá cổ Nấm Dẩn bí ẩn. Thác Tiên, Đèo Gió thấm đẫm chất huyền sử. Những vườn chè cổ thụ lẫn trong màn sương huyền hoặc.

Mùa hoa Tam giác mạch quyến rũ. Và, không gian văn hóa đa sắc màu của chợ phiên…tất cả, tất cả, đã làm nên sức hút đến lạ kỳ cho Hà Giang.

Ngày đông rồi cũng qua đi, xuân lại về, hoa đào khoe sắc, hoa dín tơ lại e ấp nở trong kẽ đá, dâng lên trong mắt những đôi tình nhân dắt nhau xuống chợ. Vùng đất hoang sơ chỉ có đá núi xám ngắt, con người nghèo khó, mà lãng mạn đến lạ.


Ghi chép củaHồng Lụa
Bình luận
vtcnews.vn