Vừa tạo địa chấn, ‘mẹ con’ bầu Đức lại chao đảo

Kinh tếChủ Nhật, 28/02/2016 04:39:00 +07:00

Vừa tạo địa chấn, kiếm được ngàn tỷ, “mẹ con” bầu Đức nhanh chóng chao đảo và đánh mát trăm tỷ đồng.

(VTC News) – Vừa tạo địa chấn, kiếm được ngàn tỷ, “mẹ con” bầu Đức nhanh chóng chao đảo và đánh mát trăm tỷ đồng.

“Mẹ con” bầu Đức chao đảo

Cuối tuần trước, đầu tuần này là khoảng thời gian “mẹ con” bầu Đức – công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và công ty con - Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai  (HNG) tạo địa chấn. Cả HAG và HNG tăng trần với khối lượng giao dịch tăng đột biến sau chuỗi ngày giao dịch bết bát.

Tuy nhiên, rất nhanh chóng sau đó, cả HAG và HNG hạ nhiệt rồi giảm giá. Tính chung cả tuần, HAG và HNG đều giảm nhẹ. Cụ thể, sau 5 phiên giao dịch, HAG giảm 300 đồng/CP xuống 8.600 đồng/CP. HNG giảm 300 đồng/CP xuống 8.600 đồng/CP. HAG và HNG cùng giao dịch dưới mệnh giá.

Như vậy, HAG khiến vốn hóa thị trường Hoàng Anh Gia Lai giảm 236,99 tỷ đồng. Là cổ đông lớn, bầu Đức mất 104,33 tỷ đồng. Hiện tại, bầu Đức đang sở hữu khối tài sản trị giá 2.991 tỷ đồng. Với khối tài sản này, bầu Đức tìm lại vị trí thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam sau hơn 1 tháng rớt xuống vị trí thứ 5.
Trong khi đó, HNG khiến vốn hóa thị trường Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai giảm 230,14 tỷ đồng xuống 6.597,44 tỷ đồng. Với việc nắm giữ hơn 79% vốn HNG, Hoàng Anh Gia Lai mất 181,81 tỷ đồng.

Trong tuần, 2 công ty của bầu Đức còn gây chú ý với thương vụ mua hớ ngàn tỷ. Đó là Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đã phát hành xong 59 triệu cổ phiếu. Số cổ phiếu này được phát hành riêng lẻ cho 2 đối tác chiến lược với giá 28.000 đồng/cổ phiếu, như vậy HNG đã thu về khoảng 1.652 tỷ đồng.

Công ty TNHH Đầu tư cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư cao su Cường Thịnh với số cổ phần mua lần lượt 31,5 và 27,5 triệu cổ phiếu. Với cái giá 28.000 đồng/cổ phiếu HNG, có thể nói 2 doanh nghiệp trên “hớ” nặng bởi thị giá của HNG đã về dưới mệnh giá.

Vinamilk giao dịch “khủng”

Tuần này, bên cạnh “mẹ con” bầu Đức, cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng gây chú ý khi có giao dịch đột biến, Trong phiên giao dịch thứ Năm (25/2), được thỏa thuận gần 18 triệu cổ phiếu tương đương 2.345 tỷ đồng, được thực hiện bởi 2 bên nhà đầu tư nước ngoài.

Giao dịch đột biến này đẩy giá trị giao dịch toàn thị trường lên đến 5.400 tỷ đồng – cao nhất từ tháng 11/2014 đến nay. Cũng trong tuần, nhiều lãnh đạo Vinamilk đẩy mạnh mua vào cổ phiếu VNM.

Tính chung cả tuần, VNM tăng 1.000 đồng/CP lên 130.000 đồng/CP. Đà tăng này của VNM giúp vốn hóa thị trường Vinamilk tăng 1.200 tỷ đồng lên 156.018,12 tỷ đồng. Vinamilk nằm trong danh sách các công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất 2 sàn chứng khoán.

Ít tên tuổi hơn nhưng cổ phiếu KSB của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương cũng gây chú ý như VNM khi có giao dịch đột biến. Trong phiên giao dịch cuối tuần (26/2), cổ phiếu KSB được thỏa thuận gần 8 triệu cổ phiếu tương đương 296 tỷ đồng. Trong khi đó, khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân trong 10 phiên của cổ phiếu này chỉ là 377.441 đơn vị.

Trước đó, ngày 22/02 vừa qua Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) công bố sẽ thoái vốn khỏi công ty và đăng ký bán 11,7 triệu cổ phiếu. Sau 2 giao dịch thỏa thuận lớn vào ngày 23/2 và 26/2 với tổng khối lượng tương ứng 11,7 triệu thì có lẽ SCIC đã hoàn tất việc thoái vốn của mình.

Bị mạnh tay thoái vốn nhưng tuần qua, KSB vẫn tăng trưởng khá tốt. Sau 5 phiên, KSB tăng 1.800 đồng/CP lên 38.900 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương có thêm 42,12 tỷ đồng.

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn