Vụ Senkaku/ Điếu Ngư: 'Nước cờ hiểm' của Bắc Kinh

Thế giớiThứ Hai, 03/09/2012 05:00:00 +07:00

(VTC News) – Một người Trung Quốc sẵn sàng chi trăm triệu NDT để đăng quảng cáo chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư trên... báo Nhật.

(VTC News) – Một người Trung Quốc tuyên bố, ông ta sẵn sàng chi trăm triệu NDT để đăng quảng cáo chủ quyền nước này với quần đảo tranh chấp trên báo chí Nhật.


Người đàn ông có ý tưởng này là Trần Quang Tiêu, Tổng giám đốc một Cty tái chế vật liệu ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Theo Hoàn Cầu thời báo, ông Trần đã đăng quảng cáo về chủ quyền của Trung Quốc với Senkaku/Điếu Ngư trên phụ san của New York Times nổi tiếng ở Mỹ hôm 31/8.
Trên phụ san này, ông Trần tự giới thiệu mình là “công dân Trung Quốc, sứ giả hòa bình” và tuyên truyền về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. 
Căng thẳng Nhật - Trung lên cao sau vụ tuần duyên Nhật vây bắt tàu chở người Trung Quốc đặt chân lên quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư 

Theo tờ Thanh niên Bắc Kinh, trong bài quảng cáo, ông Trần còn gợi nhắc người dân Mỹ về cuộc chiến Trân Châu Cảng hồi thế kỷ trước. 
 

Trên phụ san của NewYork Times, ông Trần tự giới thiệu mình là “công dân Trung Quốc, sứ giả hòa bình” và tuyên truyền về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Khi đó, hàng trăm chiến đấu cơ của Không quân Hoàng gia Nhật đã bất ngờ tập kích, gây thiệt hại trầm trọng cho Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. 

Sự kiện này cũng đánh dấu việc Mỹ chính thức tham chiến trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. 

“Tôi đã làm cuộc điều tra ở nhiều thành phố lớn của Mỹ. Tính trung bình cứ 1.000 người Mỹ thì chỉ có 20 người biết về Senkaku/ Điếu Ngư. Do đó, tôi nghĩ hiệu ứng từ việc quảng cáo này sẽ rất lớn, có lợi cho đấu tranh ngoại giao”, báo Thanh niên Bắc Kinh dẫn lời Trần Quang Tiêu. 
Ông Trần nói thêm, hiện đã có “một tờ báo của Nhật đồng ý đăng quảng cáo liên quan chủ quyền Senkaku/ Điếu Ngư với giá vài trăm triệu NDT.
Theo giới phân tích chính trị, đây được xem là 'nước cờ hiểm' của Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh chấp chủ quyền đối với nước khác.

Ở bên kia bờ biển Hoa Đông, theo khảo sát của tờ Japan News, hơn 55% người Nhật cho rằng chính phủ nước họ đã quá 'mềm mỏng' trong vụ xử lý những nhà hoạt động Hong Kong, Trung Quốc đặt chân lên đảo tranh chấp hồi tháng 8 vừa qua. 
Những người này kêu gọi "chính phủ cần cứng rắn hơn nữa trong vấn đề chủ quyền biển đảo", đồng thời ngỏ ý sẵn sàng ủng hộ tiền cho kế hoạch quốc hữu hóa Senkaku/ Điếu Ngư
Trong diễn biến liên quan, hãng tin Kyodo News của Nhật cho biết, tàu ngàn tấn chở theo 25 người gồm quan chức thành phố Tokyo và các chuyên gia địa lý, hải dương học đã về cảng Ishigaki tối 2/9, giờ địa phương.
Theo mô tả của tờ Japan News, tàu thăm dò của Nhật đã thả một thuyền nhỏ, một xuồng cao su để đưa 15 người trong đoàn khảo sát đi vòng quanh ba đảo Uotsuri, Kitakojima và Minamikojima trong quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Tuy nhiên, nhóm khảo sát không đặt chân lên đảo do lệnh cấm từ chính phủ Nhật Bản.
Nhiều người Trung Quốc xuống đường biểu tình chống Nhật vì những tranh chấp ở Senkaku/ Điếu Ngư hồi tháng 8 vừa qua 

Nhóm khảo sát được Japan News dẫn lời cho rằng, địa hình trên các đảo quanh quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư “không thích hợp cho việc xây dựng cảng lánh nạn cho tàu thuyền”. Các chuyên gia định giá bất động sản trong đoàn cũng đã có báo cáo về trị giá các đảo. 

Nguồn tin giấu tên của Japan News nói, việc định giá bất động sản là bước quan trọng trong quá trình quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp này.
Thuyền nhỏ và xuồng cao su chở đoàn khảo sát Nhật Bản tới Senkaku/ Điếu Ngư 

Theo Chinanews của Trung Quốc, suốt quá trình khảo sát kéo dài 9 tiếng, bên cạnh tàu thăm dò của Nhật luôn có 3 tàu tuần tra của lực lượng tuần duyên Nhật giám sát. Chinanews nói, các tàu tuần tra làm nhiệm vụ cảnh báo, ngăn chặn việc các nhà khảo sát đặt chân lên đảo. 
Trong khi đó, tờ Newstrack của Ấn Độ đưa tin, tuần duyên Nhật cử tàu bảo vệ để “tránh sự quấy nhiễu, khiêu khích”.
Theo BBC, nhóm khảo sát dự kiến sẽ quay lại đây vào tháng 10, với sự góp mặt của Thị trưởng Tokyo, ông Shintaro Ishihara. 
Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đang là tâm điểm tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Trong hơn một tháng qua, báo giới hai nước có nhiều cuộc  tranh cãi về vụ Nhật Bản bắt giữ 14 nhà hoạt động Hong Kong, Trung Quốc đặt chân lên đảo. 

Văn Việt

Bình luận
vtcnews.vn