Vụ quần áo cứu trợ biến thành giẻ lau: Ai nói dối?

Thời sựThứ Sáu, 05/11/2010 05:50:00 +07:00

(VTC News) - "Anh Dân nói chở hàng dọc đường, cùng là dân ga ra với nhau, họ nói đồ ni là đồ phế thải nên họ xin..."

(VTC News) - Ngày 3/11, dư luận trên địa bàn Nghệ An rộ lên thông tin quần áo cứu trợ cho đồng bào vùng lũ bị đưa vào ga ra ôtô làm giẻ rách. Phóng viên VTC News đã vào cuộc tìm hiểu và có một số thông tin ban đầu như sau:

Quần áo cũ cứu trợ vùng lũ "chui lọt" vào ga ra ôtô

Ngày 31/10, một PV sau khi nhận được thông tin phản ánh về quần áo cũ cứu trợ đồng bào vùng lũ bị đưa vào ga ra ôtô trên đường Trường Chinh thuộc phường Lê Lợi (TP Vinh - Nghệ An) để làm giẻ rách đã đi tìm hiểu nguồn gốc sự việc. Tại đây, PV này phát hiện rất nhiều quần áo cũ đang còn sử dụng được bị vứt vương vãi, một số khác được bọc gói cẩn thẩn trong bì xác rắn loại lớn.

Quần áo cứu trợ trong gara trên đường Trường Chinh 

Do bên ngoài bì không ghi rõ địa chỉ nơi gửi nên rất khó xác định, khó khăn lắm mới có thể tìm thấy một địa chỉ ghi trên chiếc bì màu trắng, để lấp sâu phía dưới sàn nhà. Theo đó địa chỉ này ghi rõ Hội chữ thập đỏ xã Thanh Oai, huyện Thanh Trì (Hà Nội), phía dưới còn có biểu tượng chữ thập của Hội và ghi tháng 10/2010.

Sự việc bắt đầu từ đây và dường như người dân nào khi nghe tin cũng hết sức bức xúc, người có tấm lòng hảo tâm thì cảm thấy bị hụt hẫng, còn người dân địa phương vùng lũ hết sức phẫn nộ vì lòng nhân ái bị đặt sai chỗ, điều họ cần lại không có.

Hội chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An giải trình

Ngay sau khi thông tin vỡ lở, Thường trực tỉnh ủy Nghệ An, UBND tỉnh, Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh và Thường trực Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã yêu cầu Hội chữ thập đỏ tỉnh giải trình vì sao lại để xảy ra điều đáng tiếc trên. Đến ngày 3/10, Hội này đã có công văn giải trình về sự việc.

Nội dung văn bản giải trình nêu rõ: "Mấy ngày trước đó Hội Chữ thập đỏ nhận được 5 toa hàng từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ở Hà Nội chuyển về, trong các toa đó đều có đính kèm đơn cụ thể, hàng chủ yếu là quần áo cũ. Hội đã vận chuyển về chất đầy một số phòng làm việc và gara ôtô, sau đó thuê xe chở xuống các huyện: Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Yên Thành.

Một số huyện nhận hàng xong chuyển xuống tận tay người dân nhưng do một số áo quần quá cũ bị rách nát, không sử dụng được nên không nhận, các huyện điện thoại báo về đề nghị Hội Chữ thập đỏ tỉnh không đưa hàng quần áo cũ về cho huyện nữa. Vì vậy ngày 27/10, khi hàng cứu trợ về đến ga Vinh, Hội đã cử Đoàn thanh niên cơ quan ra kiểm tra, các đồng chí đoàn viên kiểm tra xong điện thoại báo về hàng trên tòa không còn nguyên và bị rách nát nhiều, đưa về cơ quan trời mưa không có chỗ bỏ.

Quần áo cứu trợ không hẳn là nguyên vẹn hoàn toàn 

Trước đây Hội cũng đã mượn kho của Công ty Cổ phần cơ khí ôtô Nghệ An để chứa hàng, vì vậy Thường trực đã hội ý và điện thoại cho đồng chí Hồ Hữu Dân - Phó giám đốc Công ty Cổ phần cơ khí ôtô Nghệ An nhờ giúp đỡ vận chuyển số hàng trên vào kho. Sau đó Hội lựa chọn đồ nào dùng được thì đưa về Hội để chuyển cho dân, đồ nào rách nát không dùng được lập biên bản hủy hoặc để lại cho Công ty ôtô".

Số hàng phản ánh Hội cũng đã cho thu gom lại đưa vào kho Công ty Cổ phần cơ khí ôtô Nghệ An để chờ Đoàn viên thanh niên phân lại chứ không phải đưa đi làm giẻ lau.

Cần làm rõ 37 bì quần áo cũ vào gara ôtô

Sáng 4/11, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Mai - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An xung quanh vấn đề dư luận đang bức xúc. Ngoài những thông tin mà bà Mai nêu lên giống như văn bản giải trình gửi đi các cơ quan chức năng trước đó, bà còn cung cấp thêm một công văn đến do Công ty Cổ phần cơ khí ôtô Nghệ An gửi hôm 3/11:

"Ngày 27/11, Công ty chúng tôi đã vận chuyển quần áo cũ ở ga Vinh về kho của công ty. Nhưng trong quá trình bốc xếp vận chuyển về kho thấy quần áo ở trong các bì quá cũ nát và mốc, có mùi hôi thối nên 3 xưởng ôtô (của anh Cần, anh Bường, anh Vinh cùng trong ngành sửa chữa ôtô và là cháu anh Hường - Hội Chữ thập đỏ) đã xin đem về lau xe. Do anh em không biết nên đã đồng ý cho các xưởng lấy về. Xưởng anh Cần 20 bì, xưởng anh Vinh 10 bì và xưởng anh Bường 7 bì" - một đoạn trong nội dung công văn.

Bà Mai (mặc áo xanh) trả lời phóng viên VTC News 

Cũng tại buổi làm việc với bà Mai, phóng viên đặt câu hỏi về vấn đề 37 bì quần áo cũ ai đã đồng ý cho các xưởng ga ra ôtô thì bà Mai trả lời do anh Dân cho. "Lúc đầu nghe anh Vinh phó hội nói lại, anh Hạnh bên Mặt trận gọi điện nói có người phản ánh Hội quăng đồ cũ dưới Bến Thủy, dân phản ánh gây ô nhiễm, bên ngoài vỏ có ghi của hàng cứu trợ. Sau đó Hội đã cho anh em đi dọc cầu Bến Thủy, tìm khắp nơi nhưng không thấy ở đâu quăng. Sau đó chúng tôi về hỏi anh Dân xem trong quá trình nhận hàng có ai đến xin hay là có ở chỗ nào sơ suất thì được anh Dân "tiết lộ" có anh Cần, anh Vinh và anh Bường lấy. Anh Dân nói chở hàng dọc đường, cùng là dân ga ra với nhau, họ nói đồ ni là đồ phế thải nên họ xin".

Tuy nhiên khác với lời bà Mai, trao đổi với VTC News anh Dân lại phủ nhận hoàn toàn: "Tôi không cho ai cả, cái đó là nó thất thoát trong quá trình vận chuyển ngoài ga. Ai mà đưa cái thông tin đó tôi sẽ phản bác lại, tôi sẽ có ý kiến. Bản thân chúng tôi cũng là người giúp đỡ, hỗ trợ người ta trong quá trình vận chuyển và bảo quản. Hàng về đến kho chúng tôi khóa và niêm phong lại cẩn thận, vấn đề này tôi cũng đã trao đổi với cơ quan điều tra".

Như vậy, trong ý kiến của hai người: Bà Mai và anh Dân, có một ý kiến không trung thực. Ai là người nói dối?

Hồng Thắng


 Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UH gửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

Bình luận
vtcnews.vn