Vụ nổ tên lửa xuyên lục địa kinh hoàng Liên Xô (kỳ 2)

Thế giớiThứ Bảy, 01/05/2010 06:58:00 +07:00

(VTC News)- Nếu phóng thành công tên lửa R-16 vị thế của Moscow trong các cuộc đàm phán với Washington và trên trường quốc tế sẽ là rất lớn.

(VTC News) - Cần phải nói thêm rằng, vào thời điểm các chuyên gia kỹ thuật đang cố gắng khắc phục những sự cố để hoàn thành sứ mệnh phóng tên lửa đạn đạo R-16 cũng là lúc máy bay chở Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô Nikita Khrushchev chuẩn bị hạ cánh xuống Mỹ.

Vội vã, áp lực khiến tai nạn xảy ra?

Tên lửa R-16 lúc chưa phát nổ. 

Trong lúc các chuyên gia kỹ thuật đang cố gắng khắc phục các sự cố để phóng được tên lửa đạn đạo R-16 thì máy bay chở Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô Nikita Khrushchev chuẩn bị hạ cánh xuống Mỹ. Nếu phóng thành công tên lửa R-16, vị thế của Moscow trong các cuộc đàm phán với Washington và trên trường quốc tế sẽ là rất lớn.

Quá trình phóng tên lửa R-16 của Liên Xô vào lúc này không thể trì hoãn bằng bất cứ giá nào. Toàn bộ các đơn vị tham gia sứ mệnh đặc biệt này lúc nào cũng “căng như dây đàn” kể từ lúc tên lửa được đưa đến bãi phóng, đặc biệt là sau khi phải giải quyết hàng loạt những vấn đề kỹ thuật phát sinh.

Ngoài sự cố liên quan đến hệ thống màng cách nhiệt trên các đường ống dẫn nhiên liệu, các chuyên gia kỹ thuật còn phát hiện thiết bị van của một trong 3 động cơ ở tầng phóng thứ nhất của tên lửa đột nhiên bị cháy hỏng. Sự cố này đã được xử lý ngay. Tuy nhiên, một vấn đề nữa vừa mới phát sinh đó là thiết bị cung cấp điện A-120 của tên lửa đã bị hỏng.

Thiếu Tướng Konstantin Gerchik lúc đó đã đề xuất phải tháo cạn toàn bộ nhiên liệu đã bơm vào các bình chứa nhiêu liệu bằng mọi giá, đồng thời phải tháo hạ tên lửa R-16 khỏi bệ phóng tên lửa. Tuy nhiên, đề nghị của tướng Gerchik đã bị từ chối.

Một số nhân chứng nói rằng, khi nghe đề xuất tháo tên lửa khỏi bệ phóng của tướng Konstantin Gerchik, Nguyên soái Mitrofan Nedelin đã nổi giận đùng đùng. Nhân chứng kể lại rằng lúc đó Nedelin đã thét lên rằng “trong chiến tranh hạt nhân không có cơ hội để làm những điều như thế”.

18h ngày 23/10/1960, quá trình chuẩn bị phóng tên lửa được tạm dừng để các chuyên gia kỹ thuật thay thế thiết bị van và máy cấp nguồn A-120 bị hỏng. Cũng vào thời điểm này, giới chỉ huy sứ mệnh phóng tên lửa quyết định tạm thời dừng tiến độ phóng để nghỉ qua đêm, nỗ lực phóng sẽ tiếp tục được nối lại vào sáng ngày hôm sau 24/10/1960.

Khi tai hoạ kinh hoàng xảy ra. 

Sáng ngày 24/10, sứ mệnh chuẩn bị phóng tên lửa R-16 lại được tiếp tục bắt đầu. Boris Konoplev - kỹ sư trưởng phụ trách hệ thống kiểm soát tên lửa đã đích thân điều hành các thủ tục kiểm tra lần cuối trước khi tên lửa được phóng đi. Vị trí chỉ đạo điều hành công tác kiểm tra của kỹ sư Boris Konoplev là một chiếc xe chuyên dụng đỗ ngay dưới dàn phóng tên lửa.

Lúc này, các thành viên cấp cao nhà nước tham gia giám sát vụ phóng tên lửa được tập trung tại một trạm kiểm soát trên khu vực Địa điểm 43, cách Địa điểm 41 nơi phóng tên lửa R-16 khoảng 800 mét. Tại đây, một khán đài quan sát được bố trí để các quan chức cấp cao chứng kiến màn phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa quan trọng đã được dựng lên.

Đúng 18h45 ngày 24/10/1960, khoảng 30 phút trước khi tên lửa rời bệ phóng, lúc này vẫn đang có khoảng 250 người đang có mặt quanh dàn phóng thì đột nhiên động cơ của tên đột nhiên bốc hoả, đốt cháy luôn bình nhiên liệu của tầng phóng thứ nhất. Một tiếng nổ cực lớn kèm theo những khối cầu lửa khổng lồ lan rộng 120 mét đã đốt cháy toàn bộ công trình tên lửa R-16 của tổng công trình sư Mikhail Yangel cùng hơn 100 kỹ sư quân, dân sự khác.

C
ác nhân chứng mô tả lại cảnh tượng kinh hoàng lúc tai nạn xảy ra: Nhiều người bị thiêu chết ngay tại chỗ, một số khác bị lửa trùm kín từ đầu đến chân chạy ra từ đám cháy nhưng đã ngã gục chỉ sau vài giây đồng hồ.


Tổng công trình sư Yangel định lao đầu vào lửa


Một số khác cố gắng nấp trong những mố thép dưới chân dàn phóng nhưng tất cả đều vô vọng, cả dàn phóng bằng thép khổng lồ đã bị nung cháy đỏ rực. Rất nhiều người lựa chọn cách nhảy xuống những giếng nước được đào xung quanh dàn phóng tên lửa, phần lớn những nạn nhân này đều thiệt mạng, chỉ một số ít thoát chết khi được lôi lên mặt đất sau nhiều giờ đồng hồ.

Hiện trường sau thảm kịch kinh hoàng. 

Một chi tiết khá quan trọng nữa đó là, trước lúc xảy ra thảm hoạ kinh hoàng này vài phút, Tướng Mrykin đã mời tổng công trình sư Yangel và kỹ sư Iosifiyan - một chuyên gia hàng đầu về hệ thống điện - hút thuốc lá. Kỹ sư Iosifiyan đã khuyên mọi người không nên hút thuốc lá tại địa điểm này và được mọi người chấp thuận.

Theo tài liệu của Nga, đây là thời điểm kỹ sư Iosifiyan cùng một đồng nghiệp khác có tên Bogomolov đang có ý định khuyên tổng công trình sư Yangel tiếp tục trì hoãn quá trình phóng tên lửa một lần nữa. Chưa đầy 5 phút sau đó, khi tổng công trình sư Yangel và một số người khác vừa ra khỏi dàn phóng để tạm thời nghỉ ngơi thì thảm hoạ đã ập đến ngay phía sau họ.

Theo hồi ký của một kỹ sư, những người đi cùng tổng công trình sư Yangel lúc đó đã phải ghì chặt ông lại trước cú sốc quá lớn của ông khi công trình mang ý nghĩa để đời đối với Liên Xô đang bốc cháy. Milkhail Yangel đã định lao đầu vào đống lửa đang ngùn ngụt bốc cháy trước mặt ông.

Quay trở lại thời điểm lúc bắt đầu xảy ra vụ nổ, trong boongke điều khiển, Tướng Matrenin đã thét lên với các nhân viên kỹ thuật thuộc quyền không động vào bảng điều khiển kiểm soát để tránh những diễn biến khó lường nếu chẳng may tên lửa tiếp tục lao đi.

Ngay sau đó, đột nhiên, một nhân viên kỹ thuật ập vào boongke trong tình trạng bốc cháy. Nhiều người có mặt tại đó lập tức lao vào dập lửa cứu sống anh ta. Sau khi nỗ lực đóng cửa boongke không thành, tướng Matrenin đã ra lệnh cho tất cả mọi người có mặt trong boongke đeo mặt nạ phòng độc sau đó chạy thoát ra ngoài hướng về phía điểm kiểm soát tổ hợp phóng tại Tyuratam.

Bản thông báo của tổng công trình sư Mikhail Yangel

Đêm 24/10/1960, nhiều giờ đồng hồ sau khi xảy ra thảm hoạ nổ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-16. Một bản báo cáo của tổng công trình sư Mikhail Yangel qua một kênh liên lạc đặc biệt đã được gửi đến điện Kremli.

Nơi công trình tên lửa R-16 đầu tiên nổ tung hiện nay. 

Nội dung của báo cáo nói rằng “…Trong quá trình chuẩn bị phóng tên lửa, một đám cháy đã xảy ra dẫn đến việc các bình nhiên liệu nổ tung, phá hỏng toàn bộ công trình tên lửa chiến lược… Khoảng hơn 100 người đã thiệt mạng và thương vong… trong số này có cả Nguyên soái, Tư lệnh Lực lượng tên lửa đạn đạo chiến lược Mitrofan Nedelin. Đoàn cứu hộ hiện vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thi thể của Nguyên soái…”

Sau khi nhận được thông báo trên, nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Liên Xô Nikita Khrushchev đã điều động Leonid Brezhnev thực hiện chuyến bay tới Tyuratam với các đoàn chuyên gia nhằm điều tra nguyên nhân chính xác dẫn đến vụ tai nạn.

Tuy nhiên, do một số vấn đề nhạy cảm,vụ tai nạn kinh hoàng trong khi thử nghiệm tên lửa  đã được giữ kín. Ngày 26/10/1960, các cơ quan thông tấn Liên Xô đã thông báo rằng Nguyên soái Nedelin bị thiệt mạng trong một tai nạn máy bay khi đang đi công tác.

Mặc dù vụ nổ tên lửa đã gây ra hậu quả thảm khốc nhưng các nhà lãnh đạo Liên Xô vẫn thúc giục đẩy nhanh việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa R-16. Ngày 21/2/1961, quả tên lửa đạn đạo liên lục địa R-16 đầu tiên được phóng thử thành công.



Lê Dũng(Theo báo Nga)

Bình luận
vtcnews.vn