Vụ K+: Bộ TT-TT yêu cầu VTV rà soát lại hợp đồng

Khoa học - Công nghệThứ Tư, 08/12/2010 10:45:00 +07:00

(VTC News) - Bộ TT&TT vừa yêu cầu VTV rà soát lại những điều kiện của hợp đồng, tạo điều kiện cho người xem tiếp cận rộng hơn với giải Ngoại hạng Anh...

(VTC News) - Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) vừa yêu cầu VTV, với vai trò chiếm cổ phần chi phối trong liên doanh VSTV, rà soát lại những điều kiện của hợp đồng để có cơ sở bàn bạc việc phối hợp với những đơn vị khác, tạo điều kiện cho người xem tiếp cận rộng hơn với giải Ngoại hạng Anh, phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh và Luật doanh nghiệp.

Mới đây, thừa ủy quyền của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ TT&TT đã có những chỉ đạo quyết liệt để xử lý bức xúc của dư luận xã hội trong thời gian qua đối với việc mua độc quyền các trận đấu ngày Chủ nhật của Premier League. Đây được coi là động thái quyết liệt giải quyết việc K+ độc quyền phát sóng một số chương trình, buộc khách hàng của mình phải nộp thêm những khoản phí vô lý, làm phương hại đến quyền được hưởng thụ của đông đảo người xem, gây dư luận xấu.

Vừa qua, K+ độc quyền phát sóng một số chương trình, làm phương hại đến quyền được hưởng thụ của đông đảo người xem. 


VSTV (đơn vị sở hữu truyền hình thương hiệu K+), là công ty liên doanh giữa Trung tâm Truyền hình cáp Việt Nam (VCTV) và đối tác Canal+ của Pháp được thành lập hồi tháng 5-2009. Ở 3 mùa giải Premier League, từ 2010 đến 2013, Canal+ đã nắm giữ quyền phát sóng tất các trận đấu ngày Chủ nhật thuộc giải đấu này trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam trên tất cả các hạ tầng phát sóng, gây nên bức xúc rất lớn của dư luận.

Theo văn bản, việc đạt hợp đồng này do một công ty trung gian là MP& Silva trúng thầu và bán đấu giá bản quyền các đơn vị truyền hình Việt Nam và đây là một quá trình bán đấu giá không công khai do MP& Silva không công khai và duy nhất quyết định

Theo Bộ TT&TT, VSTV đang đàm phán với những đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền công nghệ kỹ thuật số tại Việt Nam về việc K+ có phát tất cả các giải thể thao mà K+ có bản quyền. Bộ TT&TT yêu cầu việc đạt được thỏa thuận giữa các bên phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về bản quyền, cạnh tranh và phải phù hợp các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ và đảm bảo lợi ích của các bên.

Về phía mình, Bộ TT&TT sẽ khẩn trương triển khai các giải pháp để giải quyết căn bản các vướng mắc đối với lĩnh vực trả tiền. Cụ thể, xây dựng và trình Chính phủ dự thảo quyết định ban hành quy chế hoạt động của đài truyền hình trả tiền. Trong đó phân định rõ, các gói dịch vụ truyền hình trả tiền (bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải có) và gói nâng cao với mức phí sử dụng dịch vụ khác nhau. Đó sẽ là căn cứ quy định gói quản lý giá cước để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ trả tiền, tránh việc tăng giá tùy tiện.

Ngoài ra, Bộ TT-TT cũng đang thúc đẩy việc thành lập Hiệp hội Truyền hình trả tiền. Hiện, hồ sơ thành lập Hiệp hội đang được Bộ Nội vụ xử lý theo quy định hiện hành. Sau khi ra đời, Hiệp hội sẽ làm đầu mối đàm phán, thoả thuận và xử lý các quan hệ trong vấn đề mua, bán bản quyền các chương trình truyền hình phát sóng trên dịch vụ truyền vụ truyền hình trả tiền, đảm bảo tốt nhất lợi ích cho người xem truyền hình và các đơn vị thành viên Hiệp hội.

Hiện nay, có 47 đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình trả tiền, 9 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn tín hiệu truyền hình cáp, cung cấp cho khoảng 1,6 triệu thuê bao.

Các đơn vị doanh nghiệp như SCTV (thuộc Đài Truyền hình VN), HTVC (thuộc Đài Truyền hình TP. HCM), HaCTV (thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) và Đài Truyền hình KTS VTC là những đơn vị cung cấp số lượng kênh chương trình trên truyền hình trả tiền nhiều nhất, với số lượng hơn 100 kênh.
  

Hoàng Ly

Bình luận
vtcnews.vn