Vụ án Minh Phụng - Epco: Lời kể tử tù Liên Khui Thìn

Pháp luậtThứ Tư, 28/04/2010 06:28:00 +07:00

Mặc dù được Chủ tịch nước ân xá, thoát tội chết, rồi sau đó được tha tù trước thời hạn nhưng những dấu ấn về những ngày chờ chết vẫn in đậm trên khuôn mặt ông.

Mặc dù được Chủ tịch nước ân xá, thoát tội chết, rồi sau đó được tha tù trước thời hạn vì đã cải tạo tốt, có nhiều thành tích trong việc đóng góp xây dựng trại, cũng như đã tích cực khắc phục hậu quả, nhưng những dấu ấn về những ngày chờ chết vẫn in đậm trên khuôn mặt ông.

Sau 13 năm kể từ khi vụ án nổ ra, Liên Khui Thìn bị bắt cùng với Tăng Minh Phụng, Phạm Nhật Hồng, Nguyễn Ngọc Bích và nhiều người khác, trong đó 2 năm ông nằm trong Trại tạm giam Chí Hòa, 5 năm nằm trong buồng giam dành cho những phạm nhân mang án tử hình và 6 năm rưỡi ở Trại cải tạo Xuân Lộc.

Liên Khui Thìn nói, hơn nửa năm qua, dù đã về với cuộc sống đời thường, nhưng hôm nào 4h ông cũng giật mình tỉnh giấc bởi lẽ những ngày nằm trong buồng giam án tử hình thì giờ đó là giờ của những “chuyến đi” không có ngày trở lại!

1. 13h30’ ngày 24/3/1997...

Cựu tử tù Liên Khui Thìn kể chuyện đời mình  
Bình thường, thì thời điểm ấy là bắt đầu của buổi làm việc chiều. Nhưng trong căn phòng dành cho Giám đốc Công ty Epco, Liên Khui Thìn ngồi trầm ngâm, thậm chí khi cô thư ký đưa tập hồ sơ lên trình, ông chỉ liếc qua một cách hờ hững, khác hẳn với thái độ nhanh nhẹn, quả quyết hàng ngày bởi lẽ mới chỉ một tiếng trước, Liên Khui Thìn đã nghe thông tin về việc Tăng Minh Phụng, Giám đốc Công ty May Minh Phụng, bị bắt.

Có tiếng gõ cửa rồi giây lát, một nhân viên phòng hành chính bước vào, theo sau là hai cán bộ công an mặc sắc phục. Thìn kể: "Ngay lúc ấy, tôi biết là tôi cũng sẽ bị bắt vì giữa Công ty Epco và Công ty Minh Phụng, giữa các "công ty con" của Epco, Minh Phụng, giữa Epco, Minh Phụng với một số ngân hàng, đã ký với nhau nhiều hợp đồng kinh tế, có nhiều khoản nợ nần nhưng trong thâm tâm, tôi cứ nghĩ là mình sẽ chỉ bị tạm giam một thời gian ngắn vì kiểm điểm lại, tôi không tham ô, không tư lợi cá nhân, không bán tài sản và cũng không lấy tiền Nhà nước ăn chơi trác táng".

Nói thì nói vậy, nhưng làm sao tránh khỏi nỗi sợ hãi xuất phát trong vô thức bởi xưa nay, chuyện tù tội Liên Khui Thìn chỉ đọc trên báo, hoặc nghe người  khác kể lại, chứ bản thân ông đã nếm trải bao giờ đâu. Hơn nữa, các hợp đồng kinh kế, hợp đồng nhập khẩu, rồi tín dụng thư, công nợ..., chưa giải quyết xong, hoặc mới giải quyết nửa chừng, còn đầy ra đó mà hầu hết chỉ mình ông mới nắm rõ, mới xử lý được.

Thìn kể: "Trong đầu tôi, lúc ấy tôi chỉ đặt ra một câu hỏi, là cả tôi lẫn Tăng Minh Phụng bị bắt vì lý do gì? Đất đai, tài sản, nhà xưởng, kho bãi, hàng hóa vẫn còn đó. Nợ nước ngoài thì nhiều hợp đồng chưa đến hạn phải trả".

Lý do gì thì sau này, trong quá trình điều tra cũng như tại hai phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, câu hỏi của Liên Khui Thìn đã được Hội đồng xét xử cùng những bị cáo khác trong vụ án, trả lời rất rõ ràng.

Lệnh bắt tạm giam Liên Khui Thìn được hai cán bộ Công an PC16 công bố, rồi tiếp theo, ông bị dẫn giải về nhà riêng trên đường Lê Văn Sĩ, quận 3 để khám xét. Một phó giám đốc của Công ty Epco lúc bấy giờ là anh Lộc, nhớ lại: "Khi cán bộ công an đưa anh Thìn từ trên lầu xuống nhà dưới, công nhân viên trong công ty sững sờ, và có khá nhiều người khóc".

Kết quả của việc khám xét nhà riêng Liên Khui Thìn, ngoài một số hồ sơ, giấy tờ, thì trong tủ chỉ có 5 triệu đồng. Ai đời một giám đốc, từng nắm cả hàng nghìn tỉ trong tay, mà tiền túi chỉ có từng ấy. Tôi hỏi: "Anh không có tư trang, vàng bạc, đá quý, không có tài khoản ở nước ngoài sao?". Thìn cười: "Anh đã tham dự phiên tòa xét xử tôi và anh Tăng Minh Phụng từ đầu đến cuối nên anh cũng biết tòa đã làm rõ những chuyện này, là hoàn toàn không có".

Đồng thời cùng một lúc, việc khám xét Công ty Epco cũng tiến hành với hàng chục bao tải hồ sơ, tài liệu bị Cơ quan Công an niêm phong tạm giữ nhằm phục vụ công tác điều tra... Sau đó, Liên Khui Thìn được dẫn giải về Trại tạm giam Chí Hòa. Đêm đầu tiên trong trại, Thìn ngủ rất ngon, ngủ một mạch tới sáng.

Một nhà kho của Công ty Epco đang trong quá trình xây dựng (tháng 6/1995). 

Tôi hỏi: "Hồi đó có tờ báo viết rằng, chỉ sau khi bị bắt, anh mới hết phấp phỏng, hồi hộp, đúng không?". Thìn lại cười: "Có lẽ thế. 1 tuần trước ngày bị bắt, tôi đã nghe tin đồn râm ran về việc tôi và Tăng Minh Phụng sẽ... nhập kho! Nói thật là lúc ấy tôi không tin lắm nhưng tâm lý mà, tôi vẫn lo lắng, vẫn hoang mang, căng thẳng. Gọi điện thoại cho một vài chỗ  thân quen để hỏi, thì người nói có, người nói không. Thế nên sau khi bị bắt, mọi lo lắng, hoang mang được giải tỏa nên tôi ngủ ngon lắm vì tôi không còn phải tìm lời giải cho câu hỏi, rằng tôi có bị bắt thật không".

Sự ngủ ngon ấy còn do một nguyên nhân khác mà sau 13 năm, Liên Khui Thìn vẫn nhớ từng chi tiết: Theo ông thì đến ngày bị bắt, Công ty Epco vẫn sở hữu một khối tài sản khổng lồ mà căn cứ vào định giá của Nhà nước tại thời điểm đó, là hàng trăm triệu USD, gồm nhà máy chế biến hải sản, khách sạn 3 sao, một cụm nhà liền kề với khách sạn. Ngoài ra, Epco còn cả trăm nghìn mét vuông đất cùng hàng chục ngôi biệt thự tại quận 3, Thủ Đức, quận 2, TP HCM và tại Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bên cạnh đó, là nhà máy chế biến nông sản, khu công nghiệp Sóng Thần.

Thời điểm Liên Khui Thìn bị bắt, số hàng xuất khẩu trong kho gồm hải sản (cá, tôm, mực...), nông sản (cà phê, tiêu...) và số hàng nhập khẩu (sắt, thép, ximăng, phân bón, hạt nhựa, tơ sợi...) tổng cộng chừng 12 triệu USD, chưa kể số tiền mặt khá lớn tại kho để thanh toán  hàng hóa nhập kho.

Thêm nữa, các công ty con  do Liên Khui Thìn lập ra cũng có những tài sản giá trị lớn như nhà, đất. Liên Khui Thìn cho biết: "Nhà 198 đường Võ Thị Sáu, gốc là trụ sở UBND phường, Epco đã bồi thường 4 tỉ cho quận 3, đồng thời bỏ thêm 4 tỉ đồng xây nhà trẻ ở nơi khác để lấy địa điểm này làm trụ sở cho công ty TNHH Tây Sơn, rồi đầu tư hơn chục tỉ đồng để sửa chữa, trang bị và làm vốn hoạt động.

Bên cạnh đó, Epco còn mua nhà số 282 Nam Kỳ Khởi Nghĩa giá 6,8 tỉ để làm trụ sở Công ty TNHH Hồng Long, đồng thời  mua lại Công ty TNHH An Khánh từ ông Phúc với giá 5 tỉ đồng, mua 50ha đất tại khu công nghiệp Đồng An... Chính vì thế, tôi tin rằng Công ty Epco vẫn có thể cân đối được công nợ - chủ yếu là nợ vay ngân hàng".

2. Sinh năm Nhâm Thìn (1952) tại thị trấn Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, Liên Khui Thìn lớn lên và theo học hết bậc trung học tại Nha Trang. Năm 1971, sau khi đỗ tú tài toàn phần, ông vào Sài Gòn, ghi danh học tại Đại học Khoa học Saigon. Tham gia phong trào sinh viên đấu tranh chống Mỹ, Thiệu, Liên Khui Thìn là Phó chủ tịch Tổng hội sinh viên miền Trung. Trong số những người cùng thời với Liên Khui Thìn lúc ấy, nhiều người là cơ sở cách mạng và đến bây giờ, họ vẫn dành cho ông rất nhiều cảm tình.

Ngày Liên Khui Thìn được đặc xá ra khỏi trại giam, một Thiếu tướng Công an - hiện là Giám đốc Công an của một tỉnh - người cùng hoạt động với Liên Khui Thìn hồi sinh viên, đã sửa chữa lại một căn phòng trong nhà mình để Liên Khui Thìn bước đầu có chỗ tạm trú.

Tháng 5/1975, ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Liên Khui Thìn về công tác tại Thành đoàn, là Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật Nhà Văn hóa thanh niên TP HCM.

Ông kể: "Năm 1981, có mấy người bạn thân gặp tôi, họ nói tôi là người năng nổ, sáng tạo, có quan hệ rộng với các giới, nhất là giới thương nhân nên họ khuyên tôi đi làm kinh tế...". Thời điểm này, cả xã hội gian nan vì chủ trương "ngăn sông cấm chợ", hàng hóa thiếu thốn, xuất nhập khẩu là đặc quyền của kinh tế quốc doanh, dẫn đến mua chui, bán chui, làm chui, thậm chí một số ngành rất bình thường như quán cà phê, lắm chỗ cũng kinh doanh... chui!

Liên Khui Thìn kể tiếp: "Suy đi tính lại, tôi chọn con mực làm mũi đột phá bởi lẽ quê tôi ở Khánh Hòa, và tôi có nhiều đầu mối quan hệ".

Một “công ty con” của Epco. 
Và thế là năm 1982, Tổ hợp sản xuất, chế biến mực xuất khẩu của Liên Khui Thìn ra đời, văn phòng đặt tại số 1 đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3, thuê lại của Công an quận 3. Ông nói: "Ban đầu, một số bạn hàng giao hàng cho tổ hợp trước, lấy tiền sau, tạo điều kiện cho chúng tôi hoạt động". Để nắm vững đầu vào, Liên Khui Thìn tổ chức một mạng lưới thu mua mực tươi, không chỉ ở Khánh Hòa, mà vươn ra đến tận Tuy Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, kéo dài xuống Phan Thiết, Kiên Giang.

Hồi ấy, xe tải cấp đông vẫn còn là của hiếm nhưng ngày nào cũng vậy, hàng chục chiếc liên tục vào, ra, đổ xuống kho Tổ hợp cả tấn nguyên liệu còn tươi rói. Hẳn nhiều người còn nhớ mỗi khi đi ngang số 1 đường Nguyễn Thượng Hiền, vẫn thường nhìn thấy hằng hà sa số những con mực được phơi ngay trên lề đường. Còn đầu ra thì do gia đình Liên Khui Thìn có quan hệ với một số thương nhân Đài Loan, nên mực chế biến đến đâu, tiêu thụ hết ngay đến đó.

Năm 1985, Tổ hợp sản xuất, chế biến mực xuất khẩu trở thành Xí nghiệp Sản xuất, chế biến hàng nông, hải sản quận 3, và Liên Khui Thìn vẫn là giám đốc. Đến năm 1992, Xí nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông hải sản quận 3 trở thành Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ xuất khẩu quận 3 (gọi tắt là Epco).

Theo hồ sơ vụ án thì khi còn là xí nghiệp, UBND quận 3 góp vốn 700 nghìn đồng và lúc lên công ty, phần vốn của UBND quận 3 là 70.000 USD, chiếm 52% tổng vốn điều lệ. 48% còn lại do Liên Khui Thìn cùng các ông Huỳnh Minh Đức, Lê Phước Bốn, Huỳnh Đức Phúc, góp. Tuy nhiên, theo Liên Khui Thìn, thì: "Lúc ấy, nếu không dựa vào quận 3 thì Epco không thể xuất khẩu trực tiếp được, mà phải xuất qua trung gian, mất đi một khoản tiền dịch vụ. Tôi khẳng định quận 3 không hề góp một đồng nào. Phần lớn tiền hoạt động của Công ty Epco, đều vay ngân hàng".

Sự khẳng định ấy nhiều lần đã được Liên Khui Thìn trình bày trước tòa, kể cả ông Nguyễn Tuấn Phúc, cán bộ UBND quận 3 đã nghỉ hưu, được đưa sang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Epco, cũng xác nhận điều này, và hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm cũng đã tuyên rất rõ như vậy.

Ấy thế mà sau khi Liên Khui Thìn bị kết án tử hình ở tòa sơ thẩm, rồi y án ở tòa phúc thẩm, thì theo lời ông: "Những người không góp vốn lại lấy tài sản của Epco và của các công ty con do tôi lập ra, đem bán với giá rẻ mạt. Chẳng hạn như ông Nguyễn Lộc Ri, Phan Tấn Huy, Đỗ Hữu Cảnh... Vì thế, tôi mong luật pháp sớm làm rõ những việc này".

3. Chuyện riêng tư của Liên Khui Thìn cũng là một bi kịch. Lập gia đình lần đầu nhưng đổ vỡ rồi thời gian sau, khi đã có tiếng tăm trên thương trường, ông lập gia đình lần thứ hai. Cả hai người vợ của ông đều là những phụ nữ trí thức, thành đạt. Một người bạn rất thân với Liên Khui Thìn, kể: "Hôm đưa vợ sắp cưới lần hai đến ra mắt bạn bè, anh Thìn đã giới thiệu: "Đây là bạn chiến đấu của tôi".

Bạn chiến đấu ở đây nghĩa là cùng chung chí hướng, và ai cũng tưởng họ sẽ trăm năm hạnh phúc nhưng theo lời Thìn, thì: "Một thời gian rất ngắn sau khi sống chung, giữa vợ chồng tôi đã xuất hiện rạn nứt". Mà cũng đúng thôi, có lẽ chưa ai say mê làm ăn kinh tế như Liên Khui Thìn. Thậm chí có người đã nói đùa: "Ngay cả lúc ngủ, nằm mơ, ông Thìn cũng mơ chuyện kinh tế".

Trong cuộc sống gia đình, chẳng phụ nữ nào lại không muốn chồng mình có những giờ phút dành riêng cho vợ, con. Nhưng Liên Khui Thìn thì khác, bữa cơm bên bàn ăn với vợ, ông vẫn nói về những kế hoạch của Công ty Epco, về những hợp đồng nhập khẩu này, những thương vụ mua bán nọ! Hầu như không bao giờ ông có ngày nghỉ, còn chuyện đưa vợ đi du lịch, tham quan, nghỉ mát ở nơi này, nơi kia là chuyện... trong mơ. Ấy thế mà mỗi lần bên gia đình vợ có tang ma hiếu hỉ thì dù bận đến mấy, có say mê kinh tế đến mấy, ông lại chẳng bao giờ vắng mặt...





Theo An ninh thế giới

Bình luận
vtcnews.vn