VPF kiếm 100tỷ/năm: Dòng tiền đi đâu?

Thể thaoThứ Ba, 24/04/2012 02:22:00 +07:00

Và dòng tiền cho bóng đá bắt nguồn từ nhu cầu quảng bá và phát triển của doanh nghiệp thay vì đang có xu hướng từ thiện như hiện nay.

Một dòng tiền lớn sắp chảy vào bóng đá sau khi bản quyền truyền hình từ tay AVG về với VPF. Theo Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng thì số lượng doanh nghiệp muốn nằm trong ''nhóm bảo trợ'' hiện đã vượt quá con số 10, VPF sẽ phải lựa chọn trên một số tiêu chí như: lãi trên 1.000 tỷ đồng, có uy tín xã hội...

Trong khi các doanh nghiệp nói chung phải vác rổ rá đi vay ngân hàng với lãi suất cắt cổ lên tới 22 đến 25% và chịu tác động nhiều tới giá xăng dầu, điện thì chuyện phải "được xét" mới có thể bảo trợ được cho bóng đá thì đúng là lạ.

Niềm tin và viễn cảnh về dòng tiền trong bóng đá lại có vẻ như đối lập với thực tế mà chính những ông bầu lại đang rất đau đầu trong quản lý doanh nghiệp của mình.

Dòng tiền đi đâu? (Ảnh: Quang Minh)

Dưới tiêu đề đầy cảm xúc: "Chúng tôi đang rơi rụng dần..." đăng trên một tờ báo lớn, ông Võ Quốc Thắng với tư cách là PCT Hiệp hội gốm sứ Việt Nam đã đưa ra nhận định: "Chặng đường vừa qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp rơi xuống vực, những doanh nghiệp bám trụ còn lại cũng không biết số phận mình khi nào... rơi"

5 kiến nghị mà ông Võ Quốc Thắng nêu, thực tế là những lời kêu cứu về việc ngân hàng khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, miễn phạt với các khoản thuế quá hạn, giãn nộp thuế VAT có một kiến nghị đáng lưu ý: "Nên hạn chế tối đa các loại chi phí làm tăng giá đầu vào như: các loại phí lưu thông, cầu đường, xăng dầu, điện... Qua hai lần tăng giá xăng vào tháng 3 và ngày 20-4 vừa qua, đã kéo theo chi phí đầu vào rất lớn đối với nhiều sản phẩm, vì vậy nếu không kiểm soát được chi phí đầu vào doanh nghiệp sẽ càng lâm vào thế bế tắc".

Ông Võ Quốc Thắng đang kêu cho doanh nghiệp nhưng có một thực tế là nếu doanh nghiệp bị tác động bao nhiêu thì người dân chịu tác động gấp nhiều lần. Nói như vị tiến sỹ ở Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương thì nội việc "giá xăng tăng một đồng thì người nghèo thiệt 2 đồng".

Vậy thì liên quan gì đến bóng đá?

Người hâm mộ đang hoan hỷ về cái gọi là gói cứu trợ từ "nhóm bảo trợ", song về cơ bản nó phải là một kết quả của bài toán vĩ mô.

Dòng sữa tốt, ổn định phải từ một con bò khỏe mạnh và được ăn loại cỏ tốt. Nên dường như vẫn hơi lạc quan khi những con bò doanh nghiệp đang quay quắt tìm cách tồn tại.

Và dòng tiền cho bóng đá bắt nguồn từ nhu cầu quảng bá và phát triển của doanh nghiệp thay vì đang có xu hướng từ thiện như hiện nay.

Câu chuyện ấy, lại đang ở rất cao. Hoặc, nằm ngoài sân bóng.

Song An (TT24h)

Bình luận
vtcnews.vn