Vô ý thức những cuộc gọi 115 để… tán gái

Sức khỏeThứ Ba, 16/10/2012 06:27:00 +07:00

(VTC News) – Có người gọi đến số điện thoại cấp cứu 115 để nói: Em à, tối em có rỗi không, đi chơi nhé? Thậm chí còn nói nhiều câu tục tĩu.

(VTC News) – Có người gọi đến số điện thoại cấp cứu 115 để nói: Em à, tối em có rỗi không, đi chơi nhé? Thậm chí còn nói nhiều câu tục tĩu trêu các nữ điều dưỡng trực tổng đài.

Cô ơi mẹ cháu bị kẹt trong đám cháy

Phóng viên có mặt tại phòng trực của Trung tâm cấp cứu 115 đã gần trưa. Nhưng đến thời điểm này, 4 line điện thoại vẫn “nóng”. Các số liên tục sáng đèn.

Có lúc, điều dưỡng Nhung phải 2 tay 2 máy thế này.

Chị Nguyễn Thị Nhung, nữ điều dưỡng trực tổng đại có lúc còn 2 tai 2 máy. Máy này nghe thông tin từ người dân gọi đến, đồng thời  tay cầm máy kia để điều xe.

Theo Phó giám đốc Trung tâm 115 Hà Nội Nguyễn Văn Chánh thì trung bình, mỗi ngày trung tâm 115 thực hiện khoảng 80 ca cấp cứu.

Ngồi ở phòng trực, xe ra xe vào liên tục mỗi khi có người gọi cấp cứu. Những điều dưỡng sau khi nhận thông tin liền cập nhật giờ gọi điện, tình trạng bệnh nhân, địa chỉ đến cấp cứu và số điện thoại liên lạc.

 

Nhiều người gọi đến 115 chỉ để trêu đùa. Với trường hợp gọi đến trêu, chúng tôi chỉ lưu ý số điện thoại để nhắc nhở, hoặc dập đi chứ chưa có chế tài nào cả.

Phó giám đốc Trung tâm 115 Hà Nội Nguyễn Văn Chánh
 
Trong  thời gian ngồi trực tại trung tâm, phóng viên chứng kiến nhiều cuộc điện thoại gọi đến chỉ để trêu như số điện thoại 01696872874; 01648130360, 016663970364… Với những số liên lạc này, các nhân viên trực ở đây đã quá quen thuộc.

Đang ngồi trực, một số điện thoại gọi đến, nhân viên tên Nụ bảo tôi: Lại số điện thoại trêu.

Tôi chủ động nhấc máy: “Alô 115 xin nghe”. Phía đầu dây bên kia là giọng một cháu nhỏ nói: “Cô ơi, nhà cháu bị cháy rồi. Cô đến cứu nhà cháu đi”.

“Thế nhà cháu ở đâu?”. “Nhà cháu ở Hòa Bình”. “Bố cháu đâu rồi?”. “Bố cháu bị cháy rồi”. “Còn mẹ cháu?”. Cháu bé ngập ngừng một lúc như cầu viện người nhắc. Tôi nghe thấy tiếng giọng một người lớn mớm lời: “Mẹ cháu đang bị kẹt trong đám cháy”. Cháu bé nhắc lại với tôi như vậy.

Nghe đến đây, tôi nhắc cháu: “Cháu có biết đây là số điện thoại gọi cấp cứu. Biết bao người đang gặp tai nạn, bị ốm đang cần cấp cứu. Cháu gọi đến để trêu tổng đài như vậy người bị nạn sẽ không liên lạc được khi cháu chiếm line điện thoại. Cháu không được gọi đến để trêu như vậy nữa nhé”. Cháu bé nói “vâng” rồi cúp máy.

Không chỉ cháu bé trên, mà nhiều bậc phụ huynh đã gọi đến số 115 như là số điện thoại “mua vui” cho con ăn.

Chị Nhung cho biết: Vì số 115 là số miễn phí, nên nhiều ông bố bà mẹ gọi đến để dỗ con.

Có lần nhấc máy, đầu dây bên kia nói: “Nào, con ăn đi nào, để mẹ gọi cấp cứu cho con nhé”.

Điện thoại lại reo, điều dưỡng viên Nụ nhấc máy. Phía đầu dây bên kia là một cháu bé gọi đến để xin 1 xe cấp cứu. Khi được hỏi  địa chỉ cấp cứu ở đâu, và bảo cháu để lại số điện thoại thì cháu bé cười vang và dập máy.

Và tán gái

Một rắc rối mà các nữ điều dưỡng hay gặp phải là đàn ông gọi đến để trêu. Chị Nguyễn Thị Nhung cho biết: Những đối tượng gọi đến để ghẹo gái ngoài những thanh niên, trung niên còn có cả những người đứng tuổi.

Nhiều khi, xe cấp cứu đến nơi mới biết người đó gọi điện để đùa 115.
Chị Nhung nói: Bằng nhạy cảm và kinh nghiệm làm việc, nghe giọng nói chị đoán người đó ở lứa tuổi nào. Và nhìn số điện thoại hiện trên máy là nhớ số đó đã từng gọi trêu mình hay chưa.

Một người đàn ông gọi đến nói: “Em ơi, tối nay đi chơi không? Bây giờ anh không thể kìm chế được, giờ làm thế nào?”

Hay có người nói mất lịch sự hơn thì bảo: “Mày đang làm gì đấy? Mày có sức không? Tao đang buồn bực đây”. Thậm chí, có nhiều lời lẽ còn tục tĩu hơn nhiều.

Nhiều thiệt hại mà những cú điện thoại trêu đùa vô ý thức này gây ra. Một người phụ nữ gọi điện đến 115 giọng rất khẩn thiết, xin 1 kíp cấp cứu đến. Chị này để lại địa chỉ, điện thoại cụ thể cùng tình trạng bệnh nhân bị đau bụng.

Xe được điều đi, tuy nhiên, khi đến nơi thì ra đó là quán cà phê, gọi điện, người phụ nữ lúc nãy báo xin xe cấp cứu phá lên cười nói là mình đùa.

Cả kíp cấp cứu lặng lẽ về, trong lòng ai cũng buồn bực vì tính mạng bao nhiêu người đang nguy kịch cần họ, mà giờ, họ phí công sức chỉ vì sự đùa cợt.

Chị Nhung nói: Nhiệm vụ của cấp cứu 115 là đáp ứng mọi nhu cầu cấp cứu, vận chuyển cấp cứu của người dân, nên có điện thoại gọi đến yêu cầu là chúng tôi phục vụ. Có lúc phát hiện đó là đùa nhưng cũng có khi tưởng thật lại điều xe đi.

Phó giám đốc Trung tâm 115 Hà Nội Nguyễn Văn Chánh cho biết: “Nhiều người gọi đến 115 chỉ để trêu đùa. Với trường hợp gọi đến trêu, chúng tôi chỉ lưu ý số điện thoại để nhắc nhở, hoặc dập đi chứ chưa có chế tài nào cả. Nhưng cũng có khi hôm nay họ trêu số này, hôm sau trêu bằng số khác nên khó biết khi họ dùng sim rác. 

Bài, ảnh: Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn