VN thiếu điện triền miên, điện hạt nhân là cần thiết

Thời sựThứ Năm, 31/03/2011 02:39:00 +07:00

(VTC News) – "Ai cũng biết việc thiếu điện triền miên đòi hỏi VN phải có nguồn cấp điện mới. Nên các nhà khoa học hãy chung tay nghiên cứu, đừng chỉ trích!"

(VTC News) – Các nhà khoa học liên quan cần phải trả lời câu hỏi: Ninh Thuận có nằm trên vết đứt gãy đang hoạt động không, cường độ động đất có khả năng xảy ra tại địa điểm này là bao nhiêu…? Chứ đừng chỉ trích suông!

Mô hình nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: EVN 

Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) là cơ quan có trách nhiệm thẩm định và tổ chức thẩm định an toàn hạt nhân đối với nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận. Trước luồng ý kiến “tâm tư” về nhà máy này, TS Lê Chí Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết:

"Hiện nay, chúng ta đang xây dựng thông tư qui định về yêu cầu an toàn hạt nhân đối với địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, trong đó có việc đánh giá xem địa điểm lựa chọn có thể xây dựng được nhà máy hay không. Hai tiêu chí quan trọng là địa điểm xây dựng không được nằm trên vùng đứt gãy kiến tạo đang hoạt động và cường độ động đất có khả năng xảy ra tại địa điểm đó, trong vòng 1.000 năm phải thấp hơn một ngưỡng quy định nào đó (ở Nga là cấp 9 theo thang MSK-64).

Việc trả lời hai câu hỏi đó là trách nhiệm của cơ quan, đơn vị lập hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, các nhà khoa học có trách nhiệm đưa ra các tư vấn, phản biện của mình.

Là những người làm quản lý, chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học chuyên ngành. Nhưng đáng tiếc, hiện nay chúng tôi chưa nhận được nghiên cứu, đánh giá chính thức để làm sáng tỏ những vấn đề trên.

Ai cũng biết, việc thiếu điện triền miên đòi hỏi Việt Nam phải có nguồn cấp điện mới. Nên các nhà khoa học hãy chung tay nghiên cứu, làm sao để việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, rồi sau đó đưa vào vận hành được an toàn, chứ đừng chỉ trích!

Tại Hội thảo ngày 29/3/2011 ở Viện Địa chất, do Hội Kiến tạo Việt Nam và Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam đồng tổ chức, đã có nhiều tiếng nói cảnh báo về khả năng có đứt gãy đang hoạt động gần khu vực miền Trung của nước ta và khả năng xảy ra động đất cường độ cực đại tới cấp 8.

Nhưng điều cần thiết là, làm thế nào để tổ chức nghiên cứu và có câu trả lời khoa học chính xác cho các vấn đề có liên quan. Chúng ta hiện gặp khó khăn cả trong việc hình dung thời gian và khối lượng công việc phải thực hiện, để có thể có khuyến cáo thỏa đáng về tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Có ý kiến cho rằng, phải dựa hoàn toàn vào tư vấn quốc tế. Nhưng chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm trong vấn đề này lại khuyến cáo chúng ta phải biết tự quyết định và tự chịu trách nhiệm những nội dung quan trọng nhất liên quan đến nhà máy điện hạt nhân. Vấn đề sẽ không thể có lời giải, chừng nào mỗi cơ quan, tổ chức và mỗi người không tự biết mình phải làm gì".

Cần nghiên cứu kỹ địa chất khu vực Ninh Thuận

GS.TSKH Đặng Văn Bát, Nguyên trưởng khoa Địa chất, Đại học Mỏ Hà Nội cho rằng, chúng ta cần nghiên cứu kỹ hơn đứt gãy 109 độ - 110 độ kinh Đông, ở khu vực Ninh Thuận. Mục đích để xem đứt gãy này có ảnh hưởng gì sau này hay không, vì đây là một đứt gãy lớn có khả năng sinh động đất và hoạt động núi lửa.

Để tiến hành, Nhà nước cần đầu tư phương tiện vật chất, hợp tác quốc tế…để hoàn thành trong 1 – 2 năm.

“Nghiên cứu kỹ là để tìm ra cách xây dựng nền nhà máy hạt nhân tốt hơn, an toàn hơn” – GS.TSKH Đặng Văn Bát khẳng định.

Hoàng Lan
  (Ghi)

Bình luận
vtcnews.vn