"Vinashin có mất vốn nhưng không mất hết”

Thời sựThứ Ba, 23/11/2010 02:11:00 +07:00

(VTC News) - Sáng nay 23/11, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh về các vấn đề kiểm soát nợ công, giá cả và trách nhiệm quản lý vốn tại Vinashin.

(VTC News) - Sáng nay (23/11), Quốc hội (QH) tiếp tục chất vấn Bộ trưởng (BT) Tài chính Vũ Văn Ninh về các vấn đề kiểm soát nợ công, giá cả và trách nhiệm quản lý vốn Nhà nước tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin.


Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, dư nợ nước ngoài của VN ở thời điểm hiện chủ yếu là vốn vay ODA, chiếm trên 70%, với lãi suất thấp (từ 0,75% - 2%/năm) và thời gian vay còn 30-40 năm.

Nợ công an toàn trong 10 năm tới

Trong phần trả lời các nhóm vấn đề được ĐBQH quan tâm đầu phiên chất vấn, BT Vũ Văn Ninh sau khi dẫn chứng các con số tăng thêm về nợ công và nợ nước ngoài của Chính phủ qua các năm gầy đây đã trấn an các ĐB: “Mức dư nợ, cơ cấu nợ, khả năng trả nợ, đến nay không có khoản nào quá hạn. Nợ công trong 10 năm tới vẫn trong giới hạn an toàn”.

Theo BT Tài chính, dư nợ nước ngoài của Việt Nam ở thời điểm hiện chủ yếu là vốn vay ODA, chiếm trên 70%, với lãi suất thấp (từ 0,75% - 2%/năm) và thời gian vay còn 30-40 năm.

Tuy nhiên, BT Vũ Văn Ninh cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới việc kiểm soát nợ công cần được quan tâm và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan xây dựng chiến lược cho 10 – 20 năm tới…

Vinashin “có mất vốn nhưng không mất hết”

BT Vũ Văn Ninh hơn hai lần nhấn mạnh “Vinashin có mất vốn” nhưng “không mất hết” khi các ĐBQH liên tục xoáy sâu vào các con số tài sản của Tập đoàn này còn lại bao nhiêu so với con số Chính phủ đã báo cáo trước QH (trên 104.000 tỷ đồng).

Từ bài học Vinashin, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) chất vấn về trách nhiệm quản lý đầu tư ra ngoài lĩnh vực sản xuất chính trong các Tập đoàn kinh tế Nhà nước: tỷ lệ cụ thể là bao nhiêu, dựa trên cơ sở nào và áp dụng tại văn bản nào?

BT Vũ Văn Ninh cho hay, tỷ lệ đầu tư ra ngoài ngoành theo nghị định số 09 ban hành năm 2009 của Chính phủ. Theo đó, Tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tư không phải lĩnh vực sản xuất chính là 30%, riêng đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán quản lý chặt hơn (không quá 20%).

Đại biểu Loan muốn làm rõ thêm: Đầu tư 30% ra ngoài ngành đối với các Tập đoàn dựa trên cái gì?

BT Vũ Văn Ninh trả lời: Dựa trên 30% tổng tài sản. "Cần lưu ý đây không phải đầu tư ra bên ngoài mà là đầu tư vào lĩnh vực phụ trợ, phục vụ ngành sản xuất chính" - ông Ninh nói.

ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) chất vấn BT Vũ Văn Ninh 

Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) cẩn thận gửi văn bản chất vấn vì trong đó ông dẫn chứng nhiều số liệu doanh thu, lợi nhuận,… của các TCty, Tập đoàn kinh tế qua các năm, mà nổi lên là vấn đề hiệu quả sử dụng đồng vốn ở các DNNN thấp hơn so với trước khi một loạt TCty “lên” Tập đoàn (trước năm 2006).

Theo đại biểu Lợi, nếu chỉ đổi mới về hình thức, còn phương thức quản lý, quản trị vẫn như cũ, thì DNNN trở thành nơi làm giàu cho một số cá nhân, Bộ trưởng có ý kiến gì? Về Vinashin, tổng tài sản theo báo cáo của Chính phủ là 104.000 tỷ đồng, giá trị tài sản trên thực tế còn bao nhiêu?

BT Vũ Văn Ninh cho hay: Bộ Tài chính xây dựng đề án đánh giá lại giá trị (thực) của các DNNN, bao gồm các Tập đoàn kinh tế và đây được xem là giải pháp cơ bản.

Về nhận định quy mô, hiệu quả hoạt động của DNNN nâng dần theo các năm là căn cứ các báo cáo của TCty, Tập đoàn kinh tế (chưa tính Vinashin). Con số tăng trưởng trong năm 2009 có khác (thấp) là do tác động khách quan (khủng hoảng kinh tế thế giới).

Việc chuyển đổi phương thức quản lý đối với DNNN, theo BT Vũ Văn Ninh, trong những năm qua Chính phủ chỉ đạo theo hướng này, rõ nhất là việc phân quyền, phân cấp, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các TCty, Tập đoàn kinh tế. “Việc quản lý đầu tư, sản xuất kinh doanh của DNNN đang từng bước từng bước thay đổi"- ông Vũ Văn Ninh nói.

BT Bộ Tài chính dẫn chứng thêm, trong mỗi doanh nghiệp có bộ phận kiểm soát, để phát huy hiệu quả kiểm soát thì cần nghiên cứu thêm và có chính sách phù hợp. Hiện Bộ đang tham khảo mô hình ở một số quốc gia, đó là đưa nhân viên của Nhà nước vào làm kiểm soát viên tại các TCty, Tập đoàn kinh tế NN.

Theo BT Ninh, Vinashin đầu tư 110 nhà máy, trong đó, 28 nhà máy đã đi vào hoạt động phát huy hiệu quả. Việc Vinashin có mua một số tài sản (tàu, ca nô cũ…) không phát huy hiệu quả chiếm một phần trong số tài sản đó và Kiểm toán Nhà nước đang xác định giá trị tài sản còn lại, sau đó mới có con số cụ thể.

ĐB Ngô Minh Hồng (TP.HCM) chất vấn về khoản 750 triệu USD mà Chính phủ huy động được thông qua phát hành trái phiếu quốc tế và cho Vinashin vay lại dựa trên cơ sở nào? Bộ Tài chính đã thẩm định chưa và kết quả ra sao?

BT Vũ Văn Ninh cho biết, việc phát hành trái phiếu quốc tế nhằm thu hút vốn đầu tư là chủ trương lớn đã được Đảng, Nhà nước và QH thông qua. Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, Chính phủ đã có ý định này nhưng đến năm 2005, nhận xét thời cơ thích hợp và đã phát hành thành công, thu hút 750 triệu USD.

Vẫn theo BT Vũ Văn Ninh, tại thời điểm năm 2005, ngành đóng tàu VN có những cơ hội lớn và có những hợp đồng rất lớn. Vinashin có đề án phù hợp, được phê duyệt để phát triển ngành đóng tàu, trong đó có dự kiến huy động nguồn vốn nước ngoài khoảng 17.000 tỷ, các bộ đã có ý kiến nhất trí, Chính phủ đã có báo cáo QH…

Chính phủ đã ban hành quy chế giám sát nguồn vốn trái phiếu này đối với Vinashin, trong đó quy định rõ các ngân hàng, cơ quan quản lý bao gồm Bộ Tài chính định kỳ kiểm tra, giám sát. Bộ Tài chính có 4 cuộc kiểm tra định kỳ và có phát hiện sử dụng vốn chưa đúng.  Bộ đã có báo cáo Chính phủ về việc này, đưa các kiến nghị cụ thể. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của các đoàn thanh tra.

“Có những việc Vinashin thực hiện, thực hiện một phần, chưa thực hiện hoặc không thực hiện. Vấn đề là thiếu chế tài bắt buộc DN thực thi các kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm tra. Việc này đang được nghiên cứu xem xét, bổ sung” – ông Vũ Văn Ninh cho biết.

Các đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau), Lê Quốc Dung (Thái Bình), Trịnh Thị Nga (Phú Yên) đặc biệt quan tâm con số giá trị tài sản còn lại của Vinashin là bao nhiêu, mất vốn bao nhiêu? BT Vũ Văn Ninh cho hay, con số cụ thể chỉ có sau khi công tác thanh tra, kiểm tra hoàn tất.

“Tôi không có nói Vinashin không mất vốn. Nhưng tôi khẳng định Vinashin không mất hết” – BT Vũ Văn Ninh nói.

Để có con số này, đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) đề nghị Bộ Tài chính cung cấp kết quả thanh tra mới nhất (do Thanh tra Chính phủ thực hiện) để ĐBQH nắm rõ.

Trước đề nghị của đại biểu Nga, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chính phủ xem xét thực hiện việc này.

Giá cả theo xu hướng “ngược”, vì sao?

Đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Thái Nguyên): Giải trình về giá cả, BT cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nước tăng cao do tác động giá thế giới. Ở đây có vấn đề là một số nước hội nhập sâu hơn VN nhưng CPI của họ tăng thấp hơn nhiều so với VN. Ví dụ, Indonesia, Philippin, Trung Quốc hội nhập sâu hơn nhưng CPI của họ chỉ tăng ở mức dưới 5%. Riêng Trung Quốc, CPI mới hơn 4% Chính phủ nước này đã coi đó là "bão giá" và đưa ra 16 nhóm giải pháp mạnh.

Đại biểu Hùng dẫn chứng một ví dụ khác cho thấy xu thế giá cả tại VN luôn “ngược” so với thế giới. Đó là CPI trong các tháng Tết luôn tăng rất cao và Bộ Tài chính cho rằng do sức mua tăng. Trong khi ở các nước, khi sức mua tăng thì có xu hướng giảm giá. ĐB này đề nghị BT đưa ra giải pháp căn cơ như thế nào?

BT Vũ Văn Ninh phân tích, nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu chiếm khoảng 70% nên việc tác động giá cả hàng hóa trên thế giới đến trong nước là rõ ràng. Bên cạnh đó là các yếu tố giá vàng, lãi suất ngân hàng,... là những nguyên nhân “co kéo” tổng hợp.

Về xu hướng ngược, theo BT Vũ Văn Ninh, bản thân VN có những mặt hàng chưa đi theo giá thị trường và cần lộ trình giải quyết vấn đề này, ví dụ giá điện, than...

Khi điều chỉnh giá này đi theo thị trường có tác động mặt bằng giá chung. Việc này thể hiện rõ trong mấy năm gần đây.

Giải pháp cho vấn đề này vẫn là kiên quyến thực hiện lộ trình giá theo thị trường (có sự điều tiết của Nhà nước) và Chính phủ đã và đang thực hiện việc này.

Về giá cả tăng cao vào dịp Tết, theo BT Vũ Văn Ninh, gốc của vấn đề là do cung cầu hàng hóa. Đảm bảo đủ nguồn cung là một trong những giải pháp được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo và các địa phương chủ động hơn (ví dụ Hà Nội, TP. HCM ứng vốn cho các doanh nghiệp mua hàng thiết yếu)...

Kết thúc phiên chất vấn BT Vũ Văn Ninh, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng  lưu ý, nguồn gốc của các cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới đều bắt nguồn từ các vấn đề tài chính (mất cân đối nghiêm trọng) nên đối với VN việc này cần quan tâm đúng mức. “Bộ trưởng cần lường trước và có các giải pháp hiệu quả” – ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

2.000 viên ruby ai mua?

ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đăk Nông): BT có biết việc Hà Nội mua 2.000 viên ruby từ châu Phi để gắn vào mắt con rồng làm quà tặng nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long?

BT Vũ Văn Ninh: Tôi cũng chỉ biết như ĐB thôi, tức là chỉ biết khi đọc trên mạng. Người ta không xin tiền ngân sách, không báo cáo tôi. Ở đây có một DN là Cty CP Mỹ nghệ Đông Sơn, tôi cũng chưa biết mặt mũi Cty này. Họ làm 1.000 con rồng, còn gắn thế nào thì tôi không biết, vì đó là tiền của họ.
Lê Hùng (ghi)

Bình luận
vtcnews.vn