'Việt Nam như cậu bé lên 5, bập bõm học hỏi'

Thời sựThứ Sáu, 25/10/2013 08:29:00 +07:00

(VTC News) - "Về công nghệ hầm đường bộ, chúng ta như cậu bé lên 5, bập bõm mới học hỏi..."

(VTC News) - "Về công nghệ hầm đường bộ, chúng ta như cậu bé lên 5, bập bõm mới học hỏi..."

Đó là nhận định của ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học cầu đường Việt Nam về công tác thiết kế, xây dựng, khai thác và vận hành hầm đường bộ tại Hội thảo quốc tế về Khai thác hầm đường bộ bền vững vừa diễn ra tại Đà Nẵng.

“Chúng ta chỉ là cậu bé lên 5!”

Trả lời phỏng vấn VTC News tại Hội thảo, ông Ngô Thịnh Đức Chủ tịch Hiệp hội Khoa học cầu đường Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Việt Nam) cho rằng: “Hầm đường bộ là lĩnh vực vô cùng phức tạp. Và đối với Việt nam thì đây là vấn đề rất mới cả quá trình xây dựng và khai thác.

Chúng ta mới có khoảng 5 năm tiếp cận với hầm đường bộ khi tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ từ phía Nhật Bản đối với hầm Hải Vân. Nên về công nghệ hầm đường bộ, chúng ta như cậu bé lên 5, bập bõm học hỏi. Một loạt các vấn đề từ vận hành, khai thác, quản lý cháy nổ, thiết kế, tổ chức thi công… đều rất mới đối với chúng ta”.

Đà Nẵng, quốc tế, hầm đường bộ, hiệp hội, vận hành, hầm Hải Vân
Chủ tịch Hiệp hội Khoa học cầu đường Việt Nam Ngô Thịnh Đức trả lời phỏng vấn 
“Thời gian qua, Việt Nam chỉ mới xây dựng được hầm nhỏ, còn lại chủ yếu là dựa vào kỹ thuật từ nước ngoài, thông qua các dự án đầu tư ODA mà chưa tự thực hiện được những dự án lớn, công trình tầm cỡ.

Chúng ta cũng đã thực hiện một số hầm giao thông tại Hà Nội, nhưng đó không được gọi là hầm đường bộ mà nó chỉ là cái có thể chui qua được. Mối quan tâm của Hiệp hội là các hệ thống hầm đường bộ lớn như hầm Hải Vân, Phú Gia, Phước Tượng, đèo Ngang, đèo Cả, hầm Thủ Thiêm…”, ông Ngô Thịnh Đức chia sẻ.

T
ại Hội thảo, các chuyên gia sẽ đề cập đến các vấn đề liên quan đến công tác tư vấn, thiết kế, công tác vận hành, quản lý, điều hành giao thông, ứng phó với sự cố cháy nổ, môi trường bên trong hầm không chỉ đề cập đến hầm đường bộ xuyên qua núi mà hầm còn đối với hầm ngầm nối qua sông, hầm qua eo biển. 

“Chúng ta rất mừng khi được các bạn quốc tế đánh giá cao năng lực quản lý, vận hành hầm đường bộ. Với tay nghề non như thế, mới nhận chuyển giao từ phía Nhật như vậy, nhưng hàng chục vụ cháy trong hầm đã được chúng ta xử lý rất tốt, không gây chết người và được các bạn chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao cái mà chúng ta đã tổ chức được”, ông Ngô Thịnh Đức nhận định.

Hà Nội: Hầm đường bộ để... làm cảnh?

Theo nghiên cứu của Vụ Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, tình trạng giao thông tại các hầm đường bộ trong đô thị luôn đông đúc và thường xảy ra quá tải vào những giờ cao điểm. Đặc biệt là một số hầm đường bộ tại nội đô Hà Nội thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Điều này kéo theo tình trạng ô nhiễm là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, việc đánh giá mức độ ô nhiễm tại các hầm đường bộ chưa được chú ý nhiều. Công tác quan trắc, giám sát chất lượng môi trường không khí, tiếng ồn, rung động trong hầm chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt là chưa có các trạm quan trắc môi trường riêng cho hầm đường bộ đô thị, hầm vượt đạị lộ, nút giao thông cho người đi bộ tại các thành phố.

Ths. Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Giao thông vận tải cho rằng: “Hà Nội có khoảng 14-15 hầm được xây dựng trên địa bàn Hà Nội nhằm giải quyết các bài toán về giao thông nhưng trong thực tế, người dân vẫn băng ngang đường mà không đi qua hầm khiến hầm chưa phát huy hết được tác dụng cũng như công năng. Trong khi đó, vào những giờ cao điểm, các hầm đường bộ thường xảy ra quá tải và ùn tắc.

Ngoài ra, do hạ tầng thoát nước của mình có vấn đề nên khi cường độ mưa vượt qua khả năng thoát nước thì sự cố ngập nước ở các hầm này xảy ra cũng không thể tránh khỏi. Hơn nữa, giao thông đô thị Hà Nội chưa được đồng bộ nên khi lưu lượng quá lớn sẽ gây nên ách tắc cục bộ tại các hệ thống hầm chui này là tất yếu và kéo theo đó ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi. Để giải quyết được các sự cố này đòi hỏi giải quyết vấn đề tổng thể, khả năng đầu tư hệ thống giao thông”.
Đà Nẵng, quốc tế, hầm đường bộ, hiệp hội, vận hành, hầm Hải Vân
Công tác ứng phó, xử lý sự cố trong hầm đường bộ Hải Vân trong thời gian qua được các chuyên gia đánh giá cao  (ảnh: một trường hợp cứu hộ xe bị cháy trong hầm đường bộ Hải Vân)
“Hà Nội cũng đã tạo điều kiện, mọi cách để người dân đi lại nhưng hiện tại do thói quen của người dân cũng như chưa có quy chế, chế tài xử lý đủ mạnh nên chưa khai thác tối đa được công năng của hệ thống hầm này. Tôi nghĩ trong tương lai, khi thói quen được thay đổi thì các hầm này sẽ phát huy được hiệu quả tối đa của hệ thống hầm chui.

Tuy vậy, chưa thể nói việc đầu tư, xây dựng và khai thác thiếu hợp lý mà việc xây dựng được tính toán trên cơ sở quy hoạch, tính toán chung của TP, chủ yếu là vấn đề khai thác, sử dụng như thế nào cho hiệu quả. Nếu biết khai thác thì hệ thống hầm chui này còn là những điểm nhấn giao thông, nơi người dân có thể thư giãn, một không gian nghỉ ngơi, điểm nhấn đô thị”, ông Tiến cho biết thêm.
Việt Nam hiện có 7 công trình hầm đường bộ gồm: hầm Dốc Xây, hầm Đèo Ngang, hầm Hải Vân, hầm Phú Gia, hầm Phước Tượng, hầm Đèo Cả, hầm Thủ Thiêm (hầm đường bộ vượt sông) và một số hầm chui đường bộ trong các đô thị.
Trong đó, hầm lớn nhất là hầm đường bộ Hải Vân với chiều dài 6.280m. Trong thời gian khai thác, hầm Hải Vân đã tổ chức chữa cháy và cứu nạn kịp thời 41 vụ xe tự bốc cháy trong hầm; 10 vụ xe bốc cháy ngoài hầm; cứu hộ và cứu nạn 53 vụ tai nạn trong hầm; 88 vụ tai nạn ngoài hầm; cứu hộ kéo 5.500 xe dừng do bị hỏng chết máy trong hầm; phối hợp xử lý 38.421 phương tiện vi phạm luật giao thông.

Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn