Việt Nam hưởng lợi thế nào khi qua cánh cửa hiệp định thương mại thế kỷ TPP

Kinh tếChủ Nhật, 04/10/2015 06:45:00 +07:00

Nhìn lại Việt Nam trước khi bước qua cánh cửa hiệp định thương mại TPP, Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP

(VTC News) - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP được đánh giá là có tầm ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế Việt Nam.

Với cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng lần thứ 3 trong năm nay, bất kỳ quốc gia nào trong 12 quốc gia thành viên cũng đều mong muốn đây sẽ là chặng cuối cùng để tiến tới hoàn thành việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đặc biệt là các quốc gia đang trong thời gian cận kề với các cuộc bầu cử chính trị, như Mỹ hoặc Canada.


Sau nhiều vòng đàm phán kéo dài trong suốt những ngày vừa qua, nhiều đại biểu của các phái đoàn vẫn kiên quyết ở lại đến cuối cùng cho đến khi đưa ra được khung thỏa thuận để đi đến ký kết TPP.

Vì vậy không chỉ Việt Nam, mà tất cả các quốc gia thành viên khác đều đang "nín thở" để chờ đợi kết quả tốt đẹp cuối cùng.

Cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng thứ 3 trong năm nay của Hiệp định TPP đang đi vào những chặng đường cuối cùng
Bản thân Mỹ, dù đang là quốc gia vướng mắc trong vấn đề về bản quyền dược phẩm cũng tích cực đàm phán với các đối tác trong TPP để có thể đẩy nhanh tiến trình ký kết hiệp định quan trọng này.

Đại diện Bộ Thương mại Mỹ, Michael Froman từng phát biểu rằng, lý do cần phải kết thúc đàm phán và ký kết TPP đó là họ muốn tập trung vào cuộc chiến bầu cử tại nước nhà sẽ diễn ra trong năm 2016.


Nếu như mọi chuyện diễn ra suôn sẻ và 12 quốc gia thành viên đều thống nhất đi đến một thỏa thuận cuối cùng thì cuối ngày 4/10 theo giờ địa phương (tức sáng sớm 5/10 theo giờ Việt Nam) thì bước ngoặt lịch sử mới cho nền kinh tế của thế giới cũng như nền kinh tế của cả nước 12 thành viên sẽ chính thức được thiết lập, trong đó đặc biệt là Việt Nam - quốc gia đang bị xếp hạng là phát triển kém nhất hiện nay.

Việt Nam sẽ được hưởng lợi thế nào?

Theo nghiên cứu dự báo tác động TPP tới Việt Nam của Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR), Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất về kinh tế trong số 12 nước tham gia TPP khi có được sự thay đổi GDP thực tế theo phần trăm cao nhất.

Cụ thể GDP có thể tăng từ 1,03% đến 2,11%, tương đương với giá trị tuyệt đối là 1,4 tỷ USD đến 2,9 tỷ USD, chủ yếu là nhờ vào tăng đầu tư và tiêu dùng. Còn thu nhập của người dân có thể tăng thêm 13% và kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng tới 37% vào năm 2025.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ tiếp cận được với các thị trường kinh tế mới rộng lớn, đồng thời nâng cao được sức cạnh tranh của hàng hóa và thị trường nội địa để thu hút thêm vốn và công nghệ của các nhà đầu tư ngoại, tăng khả năng xâm nhập vào các thị trường khó tính.
Thủy sản là một trong những ngành kinh tế của Việt Nam được hưởng lợi lớn nhất sau khi TPP được ký kết
Thủy sản là một trong những ngành kinh tế của Việt Nam được hưởng lợi lớn nhất sau khi TPP được ký kết 
Theo báo cáo phân tích của Tập đoàn Dragon Capital là tập đoàn đầu tư tổng hợp tập trung chuyên biệt cho thị trường vốn Việt Nam, những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam như dệt may, da giày và thủy sản sẽ làm những ngành được hưởng lợi rất lớn từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hiện tại, đối với ngành dệt may của Việt Nam, hơn 90% sản phẩm được xuất sang Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, nhưng hiện thuế nhập khẩu tại các thị trường vẫn khá cao, trung bình tại EU là 12%, Mỹ từ 5,6% đến 19%.

Việc tham gia các hiệp định FTA sẽ tạo điều kiện dỡ bỏ hàng rào thuế quan, từ đó hành dệt may Việt Nam sẽ có cơ hội bước chân vào thị trường các nước sở tại với mức giá rẻ hơn, sức cạnh tranh với hàng cùng ngành của các nước khác sẽ cao hơn.

Hiện TPP được đề xuất áp dụng quy tắc về xuất xứ (ROO), theo đó sản phẩm dệt may của Việt Nam chỉ được miễn thuế khi nguyên liệu tự sản xuất hoặc nhập từ một nước cũng tham gia TPP. Đây là điều khoản khá bất lợi nhưng Việt Nam vẫn có thể có 5 năm trước khi phải tuân thủ theo ROO. Do đó, về trước mắt, các chuyên gia đánh giá TPP vẫn có lợi cho dệt may.

Còn đối với ngành thủy sản sẽ có mức chi phí đầu ra dễ chịu hơn, khi thị trường xuất khẩu chính của thủy sản là Mỹ và EU. Mỹ tuy không áp thuế nhập khẩu đối với cá tra Việt Nam nhưng đánh thuế chống bán phá giá, và TPP có thể sẽ giúp Việt Nam dỡ bỏ được loại thuế này. Trong khi đó, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi chi phí sản xuất thấp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận hành cảng và logistics sẽ được hưởng lợi gián tiếp, khi dòng chảy thương mại mạnh sẽ kéo theo nhu cầu vận tải và dịch vụ logistics tăng.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển các khu công nghiệp cũng sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn do làn sóng doanh nghiệp sản xuất của nước ngoài sẽ đổ bộ vào Việt Nam trước và sau hiệp định, và kéo theo đó là nhu cầu xây dựng nhà máy và cơ sở hạ tầng tăng lên, giúp cho ngành xây dựng cũng được cải thiện vượt bậc.

Để được hưởng lợi một cách trọn vẹn

Các nghiên cứu trong nước cũng như thế giới đều đã chỉ ra rằng, không chỉ Việt Nam mà bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng được hưởng lợi về tăng thu nhập và kim ngạch xuất khẩu sau khi ký kết hiệp định thương mại thế kỷ này.

Theo nghiên cứu do Viện Kinh tế Quốc tế (Peterson Institute for International Economics) thực hiện, sau khi được ký kết, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.

Chính vì vậy mà hiện tại, các nước thành viên khác trong Hiệp định TPP đã bắt đầu biết khai thác những thế mạnh của mình, đồng thời đã ồ ạt đầu tư vào nước ta để đón đầu cơ hội từ việc hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.

Còn theo ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR, để Việt Nam có thể hưởng lợi một cách tốt nhất từ TPP, tận dụng được mọi ưu thế của mình sau khi hội nhập thì trước hết cần phải có những thay đổi về chính sách và pháp luật trong nước để thúc đẩy phát triển những ngành có lợi thế so sánh.

Với những ngành sẽ được lợi sau khi TPP có hiệu lực như: dệt may, thủy sản, nông sản… cần chủ động các nhân tố lao động, vốn, đất đai và các tài nguyên khác. Với các ngành kém được lợi thế như chăn nuôi, lâm nghiệp, công nghiệp… cần tái cơ cấu để tăng năng suất, hiệu quả hơn.

Đặc biệt, sau khi tham gia TPP, Việt Nam cần phải điều chỉnh cả những yếu tố thương mại như những nội dung liên quan tới lao động, quyền sở hữu trí tuệ… khẳng định sự cấp thiết phải tiến hành cải cách thể chế, tự do hóa thị trường.

Hiện nay, khi trình độ công nghệ của Việt Nam còn nhiều hạn chế thì Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hợp lý khi các hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Theo chuyên gia kinh tế Cao Sĩ Kiêm, doanh nghiệp Việt Nam vì có năng suất lao động thấp, trình độ công nghệ lạc hậu nên chi phí sản xuất và giá thành mới cao hơn so với những doanh nghiệp có năng suất cũng như trình độ công nghệ cao.

Nếu thuế suất cho hàng nhập khẩu vào trong nước từ các quốc gia thành viên về còn 0% thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi khó khăn trong việc cạnh tranh tiêu thụ hàng hóa ngay trên chính thị trường nước nhà.

Tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đồng nghĩa với việc là Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ, là cơ hội cho các nhà cung cấp có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm và danh tiếng lâu năm, có ưu thế về cung cấp dịch vụ trên thế giới “đổ bộ” vào thị trường trong nước.

Và tất nhiên nó cũng đồng nghĩa với việc các đơn vị cung cấp dịch vụ của Việt Nam sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng và có thể bị mất thị phần trên thị trường nội địa, hay nói cách khác là "thua đau trên sân nhà", nếu như không nỗ lực tự thay đổi bản thân.


Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có lợi thế là có một thị trường tiêu thụ lớn, nguồn lao động dồi dào, dư địa thị trường còn nhiều nên hy vọng rằng ta vẫn có thể tự lực để tự cường, thoát khỏi "cái bóng" đơn thuần chỉ là một thị trường gia công của khu vực và thế giới sau khi đã bước chân qua được cánh cửa của Hiệp định kinh tế lịch sử TPP trong năm nay.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn