Việt Nam dễ mất 5.000 tỷ mua bản quyền Ngoại hạng Anh năm 2019

Thể thaoThứ Ba, 27/10/2015 04:00:00 +07:00

Giá bản quyền Ngoại hạng Anh tăng cao: Đến hẹn lại lên, BTC giải Ngoại hạng Anh sẽ tổ chức mời thầu giá bản quyền 3 mùa bóng tiếp theo vào ngày hôm nay (27/10).

(VTC News) – Đến hẹn lại lên, BTC giải Ngoại hạng Anh sẽ tổ chức mời thầu giá bản quyền 3 mùa bóng tiếp theo vào ngày hôm nay (27/10).

Lại đợt chảy máu ngoại tệ lớn
Giá bản quyền giải Ngoại hạng Anh luôn là vấn đề nhức nhối qua mỗi lần đấu giá. Từ 900.000 USD cho 2 mùa 2002-03 và 2003-04, cho đến 2 triệu USD trong 3 mùa từ 2004 đến 2007, giá bản quyền tiếp tục tăng phi mã lên mức 4 triệu USD từ mùa 2007 – 2010, 13 triệu USD từ mùa 2010 – 2013 và mới nhất là 35 triệu USD cho 3 mùa từ 2013 – 2016.
Điều đáng nói, giá bản quyền giải đấu số một nước Anh không tăng theo bất cứ một quy luật nào. Nó có thể tăng gấp đôi từ năm 2004 đến năm 2007, cũng có thể gấp ba nếu so sánh năm 2007 với 2010 hay 2010 và 2013. 
Những ngôi sao nghìn tỷ ở giải Ngoại hạng Anh
 Những ngôi sao nghìn tỷ ở giải Ngoại hạng Anh
Và nếu giữ nguyên đà tăng như vậy, giá bản quyền Ngoại hạng Anh ba mùa kế tiếp từ 2016 – 2019 hoàn toàn có thể gấp từ 2 – 3 lần giá trị cách đây hai năm. Nghĩa là để có thể sở hữu quyền phát sóng trực tiếp giải đấu này vào mỗi cuối tuần, các nhà đài Việt Nam sẽ phải chi từ 70 – 90 triệu USD.
Ngay cả ở mức tăng thấp nhất - 70 triệu USD – tương đương hơn 1500 tỷ đồng, đó vẫn là một con số khổng lồ. Để hình dung số tiền này lớn nhường nào, chúng ta hãy nhớ rằng cầu Đông Trù khi hoàn thành cũng chỉ ở mức gần 1000 tỷ. Hay như cây cầu vượt 3 tầng hiện đại được xây dựng ở ngã ba Huế (Đà Nẵng) cũng chỉ nhỉnh hơn chút xíu, ở mức 1800 tỷ.
1500 tỷ, vì thế hoàn toàn đủ sức làm biến đổi bộ mặt của một đô thị, làm nhiều người dân lao động có công ăn việc làm, hay đơn giản hơn là làm giảm nạn ách tắc và tai nạn giao thông đang gia tăng ở các đô thị lớn. Số tiền lớn như vậy, nếu sử dụng, cần phải hết sức hợp lý.
Đặt câu hỏi, cả nghìn tỷ ấy chi cho giải Ngoại hạng Anh trong 3 năm có hợp lý không? Rất khó để trả lời thỏa đáng, bởi giải bóng đá số một xứ sương mù từ lâu đã là món ăn tinh thần quen thuộc của người Việt Nam. Kể từ năm 1995, người dân nước ta đã bắt đầu quen với việc xem những sân cỏ náo nhiệt ở nước Anh vào mỗi dịp thứ bảy, chủ nhật, sống và hít thở bầu không khí cuồng nhiệt của Premier League.
Nhưng kể từ khi giá bản quyền Ngoại hạng Anh tăng chóng mặt, món ăn tinh thần này không còn phục vụ cho đại bộ phận dân chúng nữa. Chỉ khoảng 1-2 triệu người Việt Nam có đủ khả năng theo dõi trực tiếp tất cả các trận bóng đá Anh thông qua các dịch vụ truyền hình trả tiền tại nhà. Nghĩa là 1.500 tỷ đồng đầu tư chỉ đổi lại lợi ích cho 2% dân số. Liệu như thế có xứng đáng?
Cây cầu nghìn tỷ có giá trị tương đương, sau khi xây xong có thể phục vụ lợi ích cho hàng chục triệu người tham gia giao thông, nghĩa là nó đem lại niềm vui đến cho 10-20% dân số. Cùng một đồng vốn đầu tư, sao lại có những sự chênh lệch khủng khiếp đến vậy?
CĐV Việt Nam từng phản đối K+ độc quyền
CĐV Thanh Hóa trưng biểu ngữ phản đối K+ độc quyền phát sóng Ngoại hạng Anh trên khán đài V-League (Ảnh: Nhạc Dương)
Dĩ nhiên khó có thể so sánh hoàn chỉnh một cây cầu có giá nghìn tỷ với bản quyền một giải bóng đá có giá tương đương về mặt lợi ích. Nhưng nên nhớ rằng, cây cầu sau khi xây xong, tiền duy tu bảo dưỡng ít hơn rất nhiều so với số tiền bỏ ra xây dựng. Còn bản quyền giải Ngoại hạng Anh sau khi mua xong 3 mùa tới, sẽ tiếp tục bị đẩy giá lên cao 2-3 lần nữa trong cuộc đấu giá sau đây 3 năm.
Sẽ không còn là 1500 tỷ đồng nữa. Người Việt Nam có thể mất 3000 tỷ hoặc 5000 tỷ vào năm 2019. Cái chúng ta thực sự mất không chỉ là một cây cầu nữa, mà cao hơn, chúng ta đang mắc kẹt trong chính vòng luẩn quẩn do mình tự tạo ra.
Người Việt Nam thích xem bóng đá Anh, và từ lâu đã hình thành một lối mòn suy nghĩ là không xem không được. Nếu đặt ngược lại vấn đề, nếu chúng ta chấp nhận không xem tạm thời, liệu gánh nặng nghìn tỷ kia có còn khủng khiếp đến thế?
Quan trọng hơn, giữa tình hình kinh tế chẳng lấy gì làm sáng sủa, nhà nước đang tính đến chuyện phải vay hàng tỷ USD để cứu ngân sách thì thêm một cơn chảy máu ngoại tệ khủng khiếp ra nước ngoài sẽ là đòn giáng mạnh vào sức khỏe nền kinh tế Việt Nam.

Bỏ nghìn tỷ xem Ngoại hạng Anh có đáng?

  • Không
  • Ý kiến khác
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến
Bài học từ VTV
Thực tế. ngay từ khi các bên trung gian có dấu hiệu đẩy giá bản quyền Ngoại hạng Anh lên cao một cách vô lý, các đài và dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam đã nỗ lực ngăn chặn cơn sốt này.

Đỉnh điểm là vào thời điểm tháng 10/2012, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam được thành lập, với mục tiêu là đại diện cho quyền lợi của các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, chủ động bàn bạc, thống nhất để có phương án mua bản quyền với giá hợp lý.
Các đài thua K+
 Đại diện các đài truyền hình Việt Nam họp bàn về bản quyền Ngoại hạng Anh 2013-2016
Hiệp hội cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt chủ trương tránh để công ty nước ngoài lợi dụng nâng giá bản quyền bất hợp lý, gây lãng phí nguồn lực xã hội và thiệt hại cho khán giả truyền hình. 
Sau đó, VTV – với tư cách là Đài truyền hình Quốc gia – đã được Bộ giao cho làm đầu mối đàm phán mua bản quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh cho 3 mùa giải từ 2013 đến 2016. Đến tháng 2/2013, VTV thành lập Ban Điều hành đàm phán mua bản quyền Giải bóng đá Ngoại hạng Anh, trong đó các đài và đơn vị liên quan thống nhất quan điểm, chỉ mua với mức giá không cao hơn 3 mùa giải trước đó quá 20%.
Tuy nhiên đến tháng 4/2013, VSTV (K+) chính thức công bố độc quyền các trận đấu hay nhất của giải ngoại hạng Anh giai đoạn 2013 đến 2016 tại lãnh thổ Việt Nam với mức giá lên đến gần 40 triệu USD, cao gấp 3 lần 3 mùa trước đó. 

Mời độc giả dự đoán giá bản quyền Ngoại hạng Anh 3 mùa tiếp theo tại Việt Nam

  • 30-40 triệu USD
  • 40-50 triệu USD
  • 50-70 triệu USD
  • 70-100 triệu USD
  • Trên 100 triệu USD
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến
Bất chấp sự phản đối từ các đài rằng, VTV hoàn toàn có quyền phủ quyết việc mua bản quyền của VSTV, VTV vẫn cho phép VSTV (K+) mua bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh 3 mùa giải 2013/14, 2014/15, 2015/16.
Cho đến tháng 7/2013, khi Hiệp hội truyền hình trả tiền đề nghị VTV xem xét việc bàn bạc về vấn đề bản quyền Giải bóng đá ngoại hạng Anh, VTV tiếp tục từ chối tổ chức cuộc họp. Lấy lý do, VTV không biết chuyện đối tác của VSTV là Canal+ mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh, đơn vị này quyết định đứng ngoài vai trò đầu mối, đàm phán mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh với mức giá hợp lý.
Từ đó tới nay, K+ vẫn độc quyền phân phối tới 1/3 số trận, thường là những trận đấu hấp dẫn nhất, của mỗi mùa giải ngoại hạng Anh.
Bản quyền Ngoại hạng Anh
Mua bản quyền giải ngoại hạng Anh với giá cắt cổ sẽ là cơn chảy máu ngoại tệ đáng báo động nữa của kinh tế Việt Nam
Lịch sử hoàn toàn có nguy cơ lặp lại cho mùa đấu giá sắp tới đây. Lúc này, các đài truyền hình tại Việt Nam cùng nhiều công ty mua bán bản quyền quốc tế đều đã lặng lẽ chuẩn bị sẵn phương án tham gia cuộc tranh mua bản quyền mở bán vào ngày 3/11 tới đây. 
Không có bất cứ tuyên bố hay hành động thực tế nào cho thấy các nhà đài Việt Nam sẽ ngồi lại với nhau để cùng lên phương án kìm giữ cơn sốt tăng giá vô tội vạ mà Premier League bằng khả năng marketing siêu hạng đang lũng đoạn cả thế giới.
Câu hỏi Liên minh từng tồn tại 2 năm về trước đang ở đâu, làm gì và đóng vai trò như thế nào trước nguy cơ chảy máu ngoại tệ hiển hiện trước mắt sẽ được giải đáp ở phần tiếp theo.

Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn