Việt kiều trong “cơn khát” tiếng nói quê hương

Tổng hợpThứ Sáu, 22/10/2010 08:25:00 +07:00

(VTC News) - Tìm đến kênh truyền hình quảng bá www.vtc.com.vn đã dần trở thành lẽ đương nhiên để những người Việt xa xứ tìm lại được tiếng nói quê hương...

(VTC News) - Đa phần cộng đồng gần 4 triệu Việt kiều của VN ở nước ngoài đều hướng về Tổ quốc và ngày đêm theo dõi các hoạt động ở quê nhà nhưng hầu như các các kênh thông tin đều còn tương đối hạn chế. Vì thế, tìm đến kênh truyền hình quảng bá trên Internet www.vtc.com.vn  đã trở thành lẽ đương nhiên để những người Việt xa xứ tìm lại được tiếng nói quê hương.

Rơi nước mắt khi con biết mời cơm bằng tiếng Việt

“Anh không tưởng tượng được tiếng Việt ở nơi xa xôi này có ý nghĩa đến như thế nào đâu”, anh Trần Ngọc Tú, hiện đang sinh sống tại Brandenburg – Đức mở đầu câu chuyện. Sinh ra ở Halberstadt, rồi theo gia đình chuyển đến Brandenburg để kiếm sống, anh Tú hiện nay đã có 1 gia đình nhỏ với vợ cũng là người Việt và cậu con trai gần 17 tuổi.

Website vtc.com.vn đã dần trở thành cầu nối hữu hiệu đưa những người Việt
xa xứ gần với Tổ quốc.
 

Anh kể về cuộc sống bằng một thứ tiếng Việt hơi lơ lớ. Thời gian trước đây, con trai anh, thế hệ người Việt thứ 3 định cư tại Đức hầu như biết rất ít tiếng Việt. Hơn nữa, sinh ra và lớn lên giữa môi trường tiếng Đức từ nhỏ, nên cháu và các bạn đồng lứa không hề có nhu cầu học tiếng Việt.

Nhưng dạo gần đây, có gia đình người Việt mới sang định cư ở sống cạnh nhà, họ không chỉ nói tiếng Việt mà còn hát được nhiều bài hát tiếng Việt. Mỗi buổi chiều, họ thường mở to đĩa hát tiếng Việt cho xóm giềng, bè bạn cùng thưởng thức. Ban đầu, con trai anh tò mò nghe, rồi thắc mắc về ý nghĩa từng câu hát. Anh phải kiên trì giảng giải để cháu hiểu về văn hoá, con người ở đất nước quê hương xa xôi.

Hệ thống đáp ứng trên 30.000 khán/thính giả truy cập đồng thời. Trong năm 2008 trung bình mỗi tháng có 14 triệu lượt khán giả truy cập, đến năm 2009 khán giả truy cập trung bình mỗi tháng tăng lên 18 triệu.

Trong quý 1 năm 2010 đã có 71,6 triệu lượt khán giả theo dõi các chương trình PTTH trên Internet của VTC; tỷ lệ tăng trưởng khán giả mới đạt trên 30% trong thời gian gần đây.
Vui vì dần định hướng được cho con yêu thích tiếng Việt, vợ chồng anh khuyến khích con xem, nghe và tìm hiểu văn hoá Việt trên các trang mạng phát thanh truyền hình Internet như www.vtc.com.vn và qua những chương trình học tiếng Việt trên truyền hình của VTC.

Giọng anh chợt nghẹn lại khi nhớ về kỷ niệm đã qua gần 1 năm nay, ấy là khi vợ anh mừng rơi nước mắt khi lần đầu tiên cháu gọi tiếng “Mẹ” và nâng bát cơm lên biết mời ông bà, bố mẹ bằng tiếng Việt. Anh diễn tả cảm giác lúc ấy giống như tâm trạng của một bà mẹ lắng nghe đứa con chậm nói vừa nói lời đầu tiên. Đó có thể chưa hẳn là một so sánh chuẩn xác nhưng tình cảm của Việt kiều với Tổ quốc, với tiếng mẹ đẻ luôn thiêng liêng và sâu nặng.

Từ đó đến nay, mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, cả gia đình anh cùng quây quần bên chiếc máy vi tính nối mạng để theo dõi các hoạt động từ quê nhà, đặc biệt là kênh truyền hình Văn hoá Việt VTC10 và VTV4 trên website này. Mỗi sự kiện thời sự trong nước, như Đại hội Đảng, Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, hay các chính sách mới dành cho Việt kiều tạo điều kiện để Việt kiều mua nhà, trở về định cư tại VN,… đều trở thành chủ đề để gia đình anh thảo luận sôi nổi.

Anh nhanh tay gõ trên bàn phím chữ “www.vtc.com.vn” rồi vui vẻ: “Cộng đồng người Việt ở Brandenburg còn tương đối thưa thớt, nên chúng tôi không có điều kiện trao đổi thông tin với nhau để biết về sự phát triển của quê nhà. Báo chí hạn chế, tín hiệu sóng truyền hình VTV4 còn rất chập chờn, nên cách nhanh nhất để có thông tin chính thống và tin cậy và đa dạng mà chúng tôi vẫn mách nhau là xem trực tiếp ở đây. Chúng tôi thực sự hi vọng con tôi, cháu chúng tôi có thể dần thành thạo tiếng Việt, để yêu và hiểu về đất nước quê hương”.

Giữ được vốn tiếng Việt và tuyên truyền thông tin từ trong nước

Hiểu được nhu cầu này, Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn nhận định: Có thể nói, một vấn đề đặt ra rất lớn đối với bà con Việt Nam sống xa Tổ quốc là làm sao để giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Bởi hiện nay, trong gần 4 triệu người Việt Nam ở xa Tổ quốc, ngoài thế hệ thứ nhất, thế hệ thứ hai đã xuất hiện thế hệ thứ ba, thứ tư… Cho nên làm sao để bản sắc Việt Nam, văn hóa Việt Nam không mất đi trong cộng đồng kiều bào là một vấn đề rất lớn và đó cũng chính là một nhiệm vụ của vấn đề thông tin ra nước ngoài để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Và một điều rất quan trọng là bà con mong muốn làm sao để thế hệ sau vẫn có thể biết một cách sâu sắc, có thể nói nhuần nhuyễn ngôn ngữ tiếng Việt. Nên vấn đề dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, và đồng thời với đó là việc cập nhật thông tin của Đảng, Chính phủ đến bà con Kiều bào cũng là một nhiệm vụ cấp thiết. Và kênh truyền hình quảng bá www.vtc.com.vn đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ đó.

Cùng quan điểm này, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, Vụ trưởng Vụ báo chi, bà Nguyễn Phương Nga cho rằng, đánh giá một cách khách quan, việc triển khai, cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình qua mạng Internet của VTC là một bước đột phá trong hoạt động thông tin đối ngoại. Bởi, dịch vụ này có các lợi thế khi có thể truyền phát nhiều kênh truyền hình đồng thời đến người xem, có thể truyển phát trực tuyến hoặc không trực tuyến để khán giả dễ dàng xem lại các chương trình,… Ngoài ra, www.vtc.com.vn cũng có khả năng truyền bá cao do không giới hạn về không gian cũng như thời gian và có thể đến với mọi đối tượng trên thế giới mà không tốn quá nhiều tiền đầu tư so với truyền hình truyền thống và không phụ thuộc nhiều vào các đối tác nước ngoài trong việc triển khai và cung cấp dịch vụ.

Bà Nga cũng đề xuất, trong thời gian tới, dịch vụ này cần được tăng cường khâu đầu tư hạ tầng kỹ thuật song song với việc nâng chất lượng nội dung để phù hợp với các nhu cầu đa dạng của bà con kiều bào.

Đến nay địa chỉ www.vtc.com.vn trở thành một địa chỉ phát thanh truyền hình trực tuyến quen thuộc đối với đông đảo người Việt Nam trong và ngoài nước. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã bắt đầu truy cập vào xem các chương trình phát thanh, truyền hình trực tuyến của VTC từ 130 quốc gia trên thế giới thông qua trang website: www.vtc.com.vn và phân bổ theo thứ tự ưu tiên ở các khu vực Bắc Mỹ (Canada, Mỹ…); Châu Âu (Đức, Pháp, Séc, Ba Lan, Nga…); Châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan…); Các quốc gia khác (Úc, Algeri…).  

Hoàng Ly

Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.


Bình luận
vtcnews.vn