Viện quá tải: Mẹ ngồi trên cống vắt sữa cho con cấp cứu

Sức khỏeThứ Năm, 17/01/2013 07:34:00 +07:00

(VTC News) – Bệnh viện quá tải, người mẹ này không còn chỗ nào kín đáo phải ngồi trên cống để vắt sữa cho con.

(VTC News) – Bệnh viện quá tải, người mẹ này không còn chỗ nào kín đáo phải ngồi trên cống để vắt sữa cho con.

Bệnh viện quá tải là vấn đề nổi cộm vẫn diễn ra bao năm nay. Trong chuyến đi thị sát của Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến đầu năm 2012, và sau một năm quay lại thị sát về vấn đề này, tất cả vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí quá tải hơn.

Để giảm tải ở các bệnh viện không thể một vài năm là giải quyết được nhưng cũng cần nỗ lực hơn nữa của ngành y tế.

Người mẹ này đang phải ngồi trên cống để vắt sữa cho con. Mùi nước cống hôi nồng nặc.
Quá tải vì lượng bệnh nhân cùng người nhà đổ dồn về đông, cơ sở, đội ngũ bác sĩ có hạn. Vì quá tải nên không chỉ bệnh nhân khổ mà người đi trông bệnh nhân cũng khốn khổ theo.

Có mặt tại bệnh viện Nhi TW  ngày 16/1/2013, cảnh chen chúc đóng tiền để được làm xét nghiệm vẫn diễn ra. Đặc biệt ở khoa Cấp cứu, nhiều cảnh thương tâm lẫn xúc động làm lay động lòng người.

Phía ngoài hành lang bệnh viện luôn có đội ngũ bảo vệ. Nghĩa vụ của họ là đảm bảo an ninh trật tự nhưng một nhiệm vụ nữa là để mắt tới người nhà bệnh nhân.

Đi trông con nhỏ, nhất là với trẻ bệnh nặng phải nằm ở khoa cấp cứu thường mỗi nhà phải luôn túc trực 2 người. Một ngồi trông con trong phòng bệnh và một ở bên ngoài để đề phòng khi có việc cần.


Đôi khi, vì mệt quá, người nhà bệnh nhân trải chiếu nằm ngay trên mặt cống thoát nước ở gần hành lang. Mùi cống bốc lên hôi nồng nặc, nhưng những người nhà bệnh nhân vẫn phải sống cùng nó ngày này qua ngày khác.
 Đứng chen chân chờ nộp tiền xét nghiệm tại viện Nhi TW
Một người mẹ trẻ đang cặm cụi vắt sữa cho con. Chị đang cố gắng vắt từng giọt sữa từ ngực mình để mang vào cho con dùng qua đường xông mũi. Còn bà ngoại cháu cầm bình sữa động viên con gái.

Chị T. tay vắt sữa, miệng kể: Em ở Bắc Ninh, cháu nhà em được hơn 5 tháng thì bị sốt cao. Dù đã đi cấp cứu 1 tuần lễ nhưng bệnh không giảm. Lúc đầu, cháu điều trị ở bệnh viện dưới Hải Dương, sau chuyển lên viện Nhi TW. Cháu bị virus xâm nhập và tấn công lên não và gây mủ.


Theo chị T thì ở viện Nhi TW, cơ sở vật chất tốt, bác sĩ rất nhiệt tình nhưng vì bệnh nhân và người nhà đi trông nom đông nên không có chỗ nghỉ ngơi. Đêm đến phải trải chiếu ở hành lang ngủ.

Chị Liên ở Lào Cai đang tranh thủ nằm nghỉ trưa sau những giờ trông con mệt mỏi. Con chị bị sốt cao rồi co giật nên gia đình đưa xuống viện Nhi TW cấp cứu. Khuôn mặt chị không giấu nổi mệt mỏi, đang cố chợp mắt một chút dù chị nằm trên mặt cống.


 

Đêm đến, mấy anh em cùng cảnh đi trông con nằm vạ vật trên ghế, ngoài hành lang. Cứ tình hình này đến sắt thép còn gục chứ nói gì đến con người

Anh Hùng (Thái Bình)
 
Còn bà Y. (Thái Nguyên) theo cháu đi cấp cứu ở viện này. Bà vừa ôm chăn, chiếu vừa bảo: Tôi lang thang suốt từ sáng đến giờ. Mẹ cháu đang đợi kết quả xét nghiệm không biết thế nào. Thuê ở trọ thì tôi không có tiền.


Không chỉ nằm trên nền đất, mặt cống, các bà mẹ còn tranh thủ nằm ngủ trên ghế. Bình thường, sau sinh những bà mẹ này được chăm chút kiêng cữ nhưng khi vào viện rồi thì họ cũng đành chấp nhận tiện đâu nằm đó.

Chị L. (Đông Anh) có con được 3 tháng. Cháu bị viêm phổi, đã chuyển qua bệnh viện Xanh Pôn rồi giờ lại đến viện Nhi TW. Khuôn mặt nhợt nhạt vì mệt mỏi, tranh thủ buổi trưa, chị L. ra ghế ở hành lang ngủ.

Còn vợ anh Hải (Hà Nội) mới sinh con được 2 tháng đã phải nằm nghỉ tạm trên ghế chờ trông con. Bà ngoại trông cháu cho một lát, chị mới được ngả lưng. Vào trong phòng bệnh cũng chỉ ngồi trông nên bà mẹ này có vẻ rất mệt. Trong cảnh mệt mỏi này, người phụ nữ ấy vẫn được an ủi khi gối đầu vào người chồng.

Anh Hùng (Thái Bình) có con nằm phòng hồi sức tích cực kể: “Con tôi vừa bị viêm phổi vừa bị bệnh tim bẩm sinh. Tôi vào đây được hơn 1 tháng rồi. Trước đó, cháu có nằm bên khoa ngoại thì phải đến 3 cháu 1 giường. Mẹ cháu ở trong trông, còn tôi cứ lang thang ngoài này suốt.

Đêm đến, mấy anh em cùng cảnh đi trông con nằm vạ vật trên ghế, ngoài hành lang. Cứ tình hình này đến sắt thép còn gục chứ nói gì đến  con người”.


Bài, ảnh: Nguyễn Tâm
Bình luận
vtcnews.vn