Viện phí tăng: Ai bị ảnh hưởng, ai sẽ được lợi?

Sức khỏeThứ Năm, 02/08/2012 11:38:00 +07:00

(VTC News) – 42 tỉnh thành đã thông qua mức viện phí mới. Vấn đề được người dân quan tâm là người nghèo có bị ảnh hưởng và chất lượng phục vụ có được tốt hơn?

(VTC News) – 42 tỉnh thành đã thông qua mức viện phí mới. Vấn đề được người dân quan tâm là người nghèo có bị ảnh hưởng và chất lượng phục vụ có được tốt hơn?

Giá dịch vụ tăng, dân có được hưởng chất lượng tốt?

Hôm nay, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Phòng Chế độ bảo hiểm y tế - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến ngày 31/7, đã có 42 tỉnh, thành phố thông qua viện phí mới và sẽ đồng loạt áp dụng trong tháng 8 và tháng 9. Hà Nội và TP.HCM là 2 thành phố lớn hiện chưa áp dụng giá viện phí mới.

Giá viện phí mới do bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức xây dựng, được Bộ Y tế phê duyệt niêm yết tại địa điểm thu tiền.

Đa số địa phương đã thông qua mức tăng viện phí mới đều áp dụng ở mức từ 70-75% khung của liên bộ Y tế-Tài chính. Riêng có hai tỉnh có mức đề xuất tăng khá cao là Khánh Hòa và Đồng Tháp áp dụng ở mức từ 93-95%.

Ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN chia sẻ: Còn 21 tỉnh chưa phê duyệt giá viện phí mới, dự kiến cuối năm sẽ thông qua.

"Khi xây dựng khung giá viện phí này, chúng tôi quan tâm là giá viện phí đó đã tính đúng, tính đủ và phù hợp với chất lượng dịch vụ hay chưa?"

Theo thông tư 04/201/TTLT- BYT- BCT: Một số dịch vụ khám chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước có mức giá mới.  Mức giá này áp dụng cho 447 dịch vụ khám, chữa bệnh, gồm 445 dịch vụ y tế và giá khám bệnh, giá ngày giường bệnh.

Bảo hiểm xã hội khuyến khích xây dựng mức giá tại các bệnh viện đạt đến 100% khung giá mà thông tư 04 đưa ra. Từ đó, với mức giá dịch vụ này, người dân có quyền được hưởng những kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh.

Các bệnh viện tuyến trung ương xây dựng giá viện phí tương đối phù hợp. Tuy nhiên, thực tế, khi kiểm tra thì một số bệnh viện đã nâng mức giá cao hơn so với thực tế những gì bệnh nhân được hưởng. Ví dụ đơn giá cho thuốc gây mê quá cao. Chi phí cho mực in, giấy in cũng vậy.

Ông Sơn cho biết: Có bệnh viện kê thời gian mổ nội soi lên tới hàng giờ. Như vậy rất phí lý. Vì thao tác này phải làm nhanh tính theo từng phút vì chậm thì bệnh nhân sẽ tử vong.

Như vậy, bệnh viện kê thời gian lâu để đưa ra mức giá cao hơn so với thực tế.

Mục tiêu giá viện phí nâng cao để tăng nguồn thu cho viện cho đủ chi phí mà viện bỏ ra. Tuy nhiên, nếu dịch vụ không tốt, bệnh nhân sẵn sàng bỏ tuyến dưới để lên tuyến trên dù có bảo hiểm và phải bỏ thêm 30% chi phí khám chữa bệnh.

Cũng theo ông Sơn: Bệnh viện có quyền xây dựng và đề xuất giá nhưng phải tính đúng, tính đủ phù hợp với thông tư 04, nếu chệch cần phải uốn nắn ngay. Và nhiệm vụ của BHXH là thẩm định giá đó đã phù hợp hay chưa.

Khẳng định về tính nghiêm minh trong việc ban hành viện phí và chất lượng dịch vụ của bệnh viện, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sẽ rà soát các mức giá mà viện đưa ra xem đã phù hợp với chất lượng khám chữa bệnh cung cấp cho người dân hay chưa.

Viện phí tăng, không ảnh hưởng nhiều tới trẻ em, người nghèo

Tại hội nghị góp ý xây dựng đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, giai đoạn 2012 – 2015 và 2020 diễn ra chiều nay (2/8), vấn đề giá viện phí tăng cũng được đề cập. Liệu giá tăng, có ảnh hưởng tới người dân?

Bệnh nhân tại viện Lão khoa.

Ông Nguyễn Nam Liên-Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí nên không bị ảnh hưởng khi tăng viện phí. Người nghèo được thanh toán 95% nên chỉ phải đóng thêm rất ít.

Các đối tượng hưu trí, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng kinh tế-xã hội khó khăn đã được nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế, được thanh toán 100% khi khám, chữa bệnh tại trung tâm y tế xã, được thanh toán 95% tại các bệnh viện công lập từ tuyến huyện trở lên, chỉ phải chi trả 5% của phần giá dịch vụ tăng thêm.

Đối tượng là học sinh, sinh viên: mức đóng bằng 3% mức lương tối thiểu chung. Khi mua bảo hiểm, các đối tượng này được ngân sách hỗ trợ tối thiểu bằng 30% mức đóng bảo hiểm y tế. Riêng đối với những học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo mức hỗ trợ tối thiểu bằng 50%. Khi khám bệnh, đối tượng này chỉ phải chi trả 20% giá viện phí, còn lại do BHYT chi trả.

Đối tượng là người cận nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia gia bảo hiểm y tế, khi đi khám, chữa bệnh chỉ đồng chi trả 20% chi phí; nên cũng chỉ phải đóng thêm 20% của số tăng thêm.

Chính vai trò quan trọng của việc tham gia bảo hiểm y tế nên Bộ Y tế xây dựng đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, giai đoạn 2012 – 2015 và 2020.

Đề án nêu rõ mục tiêu tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT. Cụ thể, tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT đạt tỷ lệ 100%. Mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2015 đạt tỷ lệ trên 75% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT.

Cùng với việc thúc đẩy toàn dân tham gia BHYT, Bộ Y tế khẳng định cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia BHYT, phấn đấu đến 2015 giảm chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40%.

Bài, ảnh: Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn