Viêm màng não tàn phá: Mắt thờ thẫn, chân tay cứng đờ

Sức khỏeThứ Hai, 11/08/2014 06:52:00 +07:00

(VTC News) - Hoàng Văn Khìn nằm trên giường bệnh, đôi mắt đờ đẫn nhìn vào khoảng không vô định, chân tay không cử động được cứ cứng đờ.

(VTC News) - Hoàng Văn Khìn nằm trên giường bệnh, đôi mắt đờ đẫn nhìn vào khoảng không vô định, chân tay không cử động được cứ cứng đờ.


Đó là bệnh nhi Hoàng Văn Khìn, 13 tuổi, dân tộc Mông ở thôn 1 Minh Tiến, xã Minh Hương, Hàm Yên, Tuyên Quang. Cháu được các bác sĩ chuẩn đoán mắc viêm màng não đang điều trị tại khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới trung ương (Hà Nội).


Cơ thể gầy khô    

Khi chúng tôi vào thăm, anh Hoàng Văn Sình là bố của cháu bé đang nắn bóp hai cánh tay, còn anh trai cả Hoàng Văn Nó đang bóp chân cho cậu em. Khìn nằm trên giường bệnh, đôi mắt đờ đẫn nhìn vào khoảng không vô định, thỉnh thoảng cơn đau tìm đến là đôi mắt em lại nhòa lệ.

Khìn bị di chứng viêm não, nên giờ vẫn chưa thể tự ngồi dậy và cử động được.
Khìn không thể tự vận động tay, chân, không thể ngồi dậy và cũng chẳng thể nói được. Đặt đâu em nằm đấy. Ngay cả khi đau, em muốn khóc thật to nhưng chẳng thể cất thành tiếng, chỉ có hai hàng nước mặt cứ chảy dài trên gương mặt gầy guộc, hốc hác.


Năm nay lên lớp sáu, nhưng cân nặng của Khìn chỉ hơn 20kg, người chỉ còn da bọc xương. Nỗi đau căn bệnh mà em phải chịu đựng dường như lớn hơn nhiều so với tuổi và cân nặng của em.

Anh Sình là người dân tộc Mông, không nói được tiếng Kinh nên cậu anh cả Hoàng Văn Nó trò chuyện với chúng tôi.

Nó cho biết, cậu em trai bị ốm, gia đình đã đưa lên BV huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) để điều trị, nhưng được 1 ngày 1 đêm thì phải chuyển lên BV tỉnh Tuyên Quang, điều trị ở đây 2 ngày 2 đêm không khỏi các bác sĩ phải chuyển xuống BV Bệnh nhiệt đới trung ương.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Yến, khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới trung ương- người tiếp nhận lúc Khìn vào viện và trực tiếp chăm sóc cho em cho biết, bệnh nhân nhập viện trưa ngày 23/7 trong tình trạng suy hô hấp, lơ mơ, không biết gì, sốt cao liên tục trên 40 độ.

Ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã được cấp cứu hồi sức tích cực, đặt nội khí quản và thở máy. Sau một thời gian được các bác sĩ và điều dưỡng tích cực điều trị và chăm sóc tận tình. Ngày 31/7 em được cai thở máy, ngày qua được rút ống nội khí quản và sáng nay thì em đã tự thở, không cần phải hỗ trợ oxy.

"Nhìn cơ thể gầy yếu gắn những điện cực và thiết bị đo các chỉ số sinh tồn đang nằm trên giường bệnh mà lòng tôi không kìm được niềm xót xa.

Hiện tại, bệnh nhân bị di chứng viêm não, nên giờ vẫn chưa thể tự ngồi dậy và cử động được. Em đã tỉnh hơn, nhận biết được nhưng phản xạ nuốt rất kém, để đảm bảo dinh dưỡng nên vẫn phải cho trẻ ăn qua sonde, đồng thời kết hợp tập cho trẻ nuốt được"  – chị Yến cho biết.

Do chưa hồi phục nên cũng không thể nói trước được điều gì. Bệnh nhân có thể diễn biến tốt hơn và hồi phục hoàn toàn, cũng có thể xấu trở lại (thậm chí đặt ống và thở máy lại).

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết bệnh nhân viêm não tiên lượng rất khó. Nặng thì có thể liệt, di chứng thần kinh suốt đời thậm chí tử vong ... Cũng có nhiều trẻ hoàn toàn bình phục và trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng thời gian điều trị di chứng và phục hồi chức năng cũng khá lâu dài.

Ăn cơm trắng với nước lã

Ngoài căn nhà nứa ọp ẹp, tuềnh toàng làm chỗ che mưa che nắng thì tài sản đáng giá nhất của gia đình Khìn là ba con trâu để làm sức kéo cầy ruộng, nương.

 Đau đớn quá, em chỉ biết khóc mà thôi.
“Nhà em làm nương, trồng ngô, trồng sắn và cấy 5 sào lúa nước. Vụ nào mà năng suất thì đủ ăn, có vụ năng suất thấp, sâu bệnh, chuột phá hoại thì gia đình thiếu ăn, nhất là dịp giáp Tết” – Nó kể.


“Ở nhà chỉ ăn cơm trắng với rau thôi, không có thức ăn gì hết. Khi nào hết rau thì ăn cơm với ớt, chan nước trắng, cho thêm ít muối” – Nó buồn bã cho biết.

Mỗi đợt thu hoạch ngô, sắn nếu năng suất cao thì bán được 5 triệu, nhưng nếu mất mùa chỉ được hơn 1 triệu. Ngoài thu nhập từ ngô, sắn thì gia đình không còn khoản thu nhập nào khác.

Đợt vừa rồi thu hoạch ngô, gia đình có bán một ít được 1,4 triệu đồng để mua thuốc trừ sâu, phân bón nhưng chưa mua được thì cậu em trai ốm vì thế số tiền đó phải để cho em chữa bệnh.

“Mẹ  hàng ngày gọi điện hỏi thăm em thế nào. Mẹ khóc, mẹ nói không ăn được cơm vì thương em. Mẹ nói mẹ thương ba bố con, nhưng gia đình khó khăn, mẹ không xuống được, mà xuống cũng không giúp được việc gì vì mẹ không biết tiếng Kinh. Mẹ chỉ mong em khỏi để ba bố con về” – Nó buồn bã kể lại.

Khìn là con út trong nhà, hàng ngày sau những buổi học em phải đi chăn ba con trâu, cắt cỏ cho trâu ăn. Khìn đang học lớp 6, trường cách nhà 5 km nhưng hàng ngày Khìn vẫn dậy từ 6 giờ sáng để đi bộ đến trường, vì nhà không có xe đạp.

“Mặc dù còn nhỏ, nhưng biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Khìn hay giúp đỡ bố mẹ” – anh trai em cho biết.

Vay lãi lấy tiền chữa bệnh

Gia đình đã vay 50 triệu đồng của người thu mua ngô, lãi 1 triệu là 30.000 đồng/tháng. Khi nào gia đình thu hoạch ngô, sắn thì trả nợ cho họ.

Ngoài ra, vay hơn 10 triệu của họ hàng nữa. Chú Thành, em trai của bố cho 1 triệu để em trai em chữa bệnh. Tất cả số tiền vay được gia đình đã nộp viện phí, ở bệnh viện huyện và bệnh viện tỉnh chỉ hết hơn 500 nghìn, nhưng xuống đây gia đình phải nộp viện phí 57 triệu đồng, trong đó 56 triệu đồng viện phí và 1 triệu tiền máu.

Khi xuống đây, biết hoàn cảnh khó khăn, chị Yến- điều dưỡng hàng ngày chăm sóc cho Khìn đã vận động bạn bè giúp đỡ gia đình em 4,4 triệu. Ngoài ra cũng có một số bác sĩ ở bệnh viện giúp đỡ thêm 600 nghìn nữa.

Gia đình cho biết, các bác sĩ , điều dưỡng ở đây chăm lo cho bé rất nhiệt tình và chu đáo, cho bé ăn, vệ sinh, Nó nói.

“Số tiền mọi người giúp đỡ thì hai bố con ăn cơm trưa và tối mỗi bữa 20.000 đồng, mua cho em mỗi bữa 15.000 đồng tiền cháo, mua nước. Buổi sáng hai bố con ăn bánh mỳ, bánh chưng. Ngoài ra cũng chẳng dám tiêu gì thêm. Em chỉ mong muốn em trai hồi phục lại, về nhà để tốn ít tiền ở đây”.

Khi hỏi số tiền mọi người giúp đỡ còn bao nhiêu, Nó cho biết chỉ còn hơn 1 triệu. “Nếu mà hết tiền thì phải gọi điện về nhà cho mẹ hỏi vay tiếp để chữa bệnh cho em. Khi nào về nhà thì kiếm tiền trả nợ sau” – Nó nhìn em buồn bã.

Chị Vũ Thị Vân, cùng quê ở Tuyên Quang, có con đang điều trị cùng phòng với bệnh nhân Khìn cho biết: “Tôi đang làm giáo viên trường tiểu học THCS Nhân Lý huyện Chiêm Hóa, giáp ranh với xã của cháu Khìn. Là giáo viên dạy ở vùng sâu vùng xa tôi hiểu được hoàn cảnh của người dân nơi đây.

Cuộc sống người dân ở đây khó khăn lắm, thấy hoàn cảnh gia đình cháu tôi cũng rất chia sẻ. Mong sao mỗi người góp một chút để cứu lấy cháu” – chị Vân xúc động nói.


Quý độc giả - quý ân nhân có lòng hảo tâm, xin giúp đỡ cháu Hoàng Văn Khìn qua cơn hoạn nạn này.

Mọi ủng hộ xin gửi về Báo điện tử VTC News. Số TK: 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội.

Xin đề rõ: Đóng góp giúp bệnh nhân Hoàng Văn Khìn. Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được VTC News chuyển đến bệnh nhân sớm nhất.


» Trao tiền độc giả ủng hộ đợt 3 cho bệnh nhi ở tâm sởi
» Độc giả VTC News tiếp tục ủng hộ bệnh nhi sởi
» Độc giả VTC News hỗ trợ các bệnh nhi mắc sởi


Tuấn Phong

Bình luận
vtcnews.vn