Vicem 'chậm' để tiến trong IPO và câu chuyện phía sau cổ phần hóa

Kinh tếThứ Năm, 09/02/2017 15:04:00 +07:00

Có rất nhiều đặc biệt xung quanh việc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đã không thể cổ phần hoá trong quý IV/2016, chủ tịch HĐQT Vicem ông Lương Quang Khải đã dành cho PV cuộc trao đổi cởi mở và thẳng thắn.

Theo kế hoạch, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) phải cổ phần hóa trong quý IV/2016. Tuy nhiên, cho tới quý I/2017, Vicem vẫn chưa hoàn thành kế hoạch. Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vicem đã giải thích với phóng viên báo điện tử VTC News về việc "chậm tiến độ" này.

anh-ximang-02

Ông Lương Quang Khải  -  Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem). Ảnh Hoàng Hưng 

- Vicem phải cổ phần hoá vào cuối quý IV/2016, nhưng đến giờ đó vẫn chỉ là kế hoạch trên giấy. Ông giải thích thế nào về việc “chậm” tiến độ, Vicem không muốn hay chưa thể thực hiện nhiệm vụ này?

Tôi khẳng định rằng Vicem luôn sẵn sàng cổ phần và việc này đối với riêng Vicem là đơn giản. Nhưng trong tiến trình cổ phẩn hóa Vicem đã gặp những vấn để mà trách nhiệm của Vicem đối với ngành cần phải giải quyết. Thời điểm này, đa số các công ty trong Vicem đã hoàn thành cổ phần hoá. Hiện chỉ còn lại Công ty mẹ và 3 Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước là Xi măng Vicem Hoàng Thạch, Xi măng Vicem Hải Phòng, Xi măng Vicem Tam Điệp.

Trên thực tế, Vicem đã thực hiện đúng tiến độ và đề cương cổ phần hoá. Cụ thể, tháng 3/2015 Vicem đã xác định xong giá trị doanh nghiệp và gửi toàn bộ hồ sơ pháp lý về thành lập doanh nghiệp, về tài sản, công nợ… lên Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính thẩm định, kiểm toán, tiến tới thực hiện cổ phần hoá vào đầu năm 2016.

Tuy nhiên, theo chủ trương của Chính phủ, cổ phần hoá Công ty mẹ Vicem kèm tái cơ cấu hai nhà máy xi măng là Xi măng Hạ Long (từ Tổng Sông Đà, Tập đoàn Dầu khí) và Xi măng Sông Thao (từ HUD, LiLaMa). Sau khi chuyển xong Xi măng Hạ Long, Xi măng Sông Thao về Vicem thì sẽ xác định vốn doanh nghiệp, giá trị doanh nghiệp để tiến hành cổ phần hoá.

Video: Thủ tướng chấp thuận cho Vietnamobile chuyển sang công ty cổ phần

Do đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng, Vicem xây dựng phương án mới kèm tái cơ cấu Xi măng Hạ Long, Xi măng Sông Thao. Việc chậm cổ phần hoá đến bây giờ là do thủ tục chuyển vốn Nhà nước của các nhà đầu tư cũ của Xi măng Hạ Long, Xi măng Sông Thao về Vicem. Tới đây, khi có quyết định chuyển vốn của hai doanh nghiệp Xi măng Hạ Long, Xi măng Sông Thao xong thì Vicem sẽ tiến hành cổ phần hoá ngay.

Đây chính là lý do Vicem vẫn chưa thể cổ phẩn hóa theo đúng kế hoạch cũ. Tuy nhiên, đây là định hướng đúng của Bộ Xây dựng và Chính phủ cổ phần hóa Vicem cùng với tái cơ cấu XM Hạ long và XM Sông thao với khả năng thành công cao: vừa giải quyết được đơn vị yếu, khó khăn vừa tạo thế cho Vicem có năng lực tốt trong tương lai, Chính phủ không mất vốn, tiến trình tái cơ cấu và cổ phần hóa của các đơn vị khác (Sông Đà, HUD, LILAMA, Dầu khí) được đẩy nhanh, thuận lợi, đây là bài học lớn trong quá trình tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước.

- Phải mất bao lâu để tái cơ cấu xong Xi măng Hạ Long, Xi măng Sông Thao bởi hai doanh nghiệp đang trong vũng lầy thua lỗ, nợ nần?

Đến giờ Vicem đang phải đứng ra chịu trách nhiệm “kéo” Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao ra khỏi vũng lầy thua lỗ, nợ nần. Chính phủ yêu cầu không dùng ngân sách, chỉ tái cơ cấu bằng cách hỗ trợ vốn, khoa học công nghệ… nên sẽ phải mất thời gian. Xi măng Sông Thao mất tầm 3 năm, Xi măng Hạ Long mất khoảng 5 - 6 năm.

Vicem2

 Nhà máy Xi măng Tam Điệp cũng đang sẵn sàng cổ phần hoá. 

Ngay khi tiếp nhận Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao, Vicem đã quyết định giao cho hai doanh nghiệp là Xi măng Hoàng Thạch và Xi măng Hà Tiên 1 cơ cấu lại sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài Bắc thì đưa vào hệ thống phân phối của Xi măng Hoàng Thạch, miền Nam thì đưa vào hệ thống phân phối của Xi măng Hà Tiên 1, mua bán tập trung, giảm giá thành chi phí… Sản lượng tiêu thụ của Xi măng Hạ Long, nhờ đó đã tăng vọt, các chi phí tài chính giảm mạnh.

Kể từ khi về Vicem, thông qua quá trình quản lý chi phí, quản trị đồng bộ, chi phí đầu vào trong sản xuất tại Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao giảm đáng kể. Cuối 2016, Xi măng Hạ Long được 80 tỷ đồng lợi nhuận, chấm dứt lỗ kinh niên. Lần đầu tiên trả nợ đc 600 - 700 tỷ đồng.

- Ông có vẻ tự tin về việc giải quyết hai “cục nợ” này. Nếu không nắm trong tay một chiến lược cụ thể và khoa học thì liệu kịch bản giải cứu có rơi vào cảnh “đếm cua trong lỗ”?

Đó là vấn đề rất đáng suy ngẫm của nhà đầu tư. Nhưng phải nói ngay rằng chúng ta phải nhìn vào tiềm năng phát triển Xi măng Sông Thao, Xi măng Hạ Long. Với vị trí chiến lược khá tốt, xét về tổng thể và lâu dài thì rất “tương lai”. Lỗ 1 - 2 năm không phải là vấn đề.

Trước Xi măng Hạ Long cũng rất cố gắng nhưng không thành công do “đơn độc” không nằm trong hệ thống sản xuất kinh doanh mạnh, tổng thể, mạng lưới phân phối và logistic, hỗ trợ kỹ thuật, thương hiệu yếu... Trái lại khi về Vicem thì khác, hòa vào mạng lưới Vicem, Xi măng Hạ Long sẽ phát triển vượt bậc…

Công nghệ mà lạc hậu, quản trị sản xuất kém là thua ngay trên sân nhà. Có thể khẳng định, công nghệ của Vicem lúc này sản xuất sản phẩm chất lượng ngang chất lượng của nước có công nghệ sản xuất xi măng tiên tiến nhất. Tuy nhiên Vicem vẫn tiếp tục đổi mới, đầu tư, mạng lưới phân phối và logistic với lộ trình rõ ràng. Chúng tôi hoàn toàn tự tin vào kịch bản giải cứu.

- Giới đầu tư đã ngóng Vicem lên sàn và nhiều nhà đầu tư đến từ Thái Lan và Indonesia cũng “đánh tiếng”. Ông có thể nói rõ hơn về mức độ quan tâm của họ?

Giá trị tài sản và kết quả kinh doanh của Vicem là “thật”. Các nhà đầu tư nước ngoài rất “tinh”, họ nhìn ra được các giá trị mà Vicem đang có không phải là “ảo”. Nhà đầu tư không chỉ Indonesia, Thái Lan mà cả Nhật đều bày tỏ quan tâm.

Khối Asean mở cửa thông thương, cánh cửa thị trường sẽ mở toang, môi trường đầu tư, kinh doanh cũng sẽ được cải thiện. Vicem có lợi thế là một doanh nghiệp với quy mô lớn, lịch sử phát triển lâu năm, có chỗ đứng vững vàng trên thị trường. Đặc biệt, quy trình quản trị của Vicem không kém gì liên doanh.

- Ông có thể cho biết quan điểm về thị trường xi măng Việt Nam những năm qua?

Ngành xi măng Việt Nam những năm qua chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về công suất thiết kế và đà tăng này được dự báo sẽ tiếp tục trong vài năm tới. Tuy nhiên tôi cho rằng sự tăng trưởng này chưa thực sự hợp lý.

 
Các nhà đầu tư nước ngoài rất “tinh”, họ nhìn ra được các giá trị mà Vicem đang có không phải là “ảo”

Chủ tịch HĐQT Vicem Lương Quang Khải

Ngành công nghiệp xi măng Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ) và đứng đầu Đông Nam Á. Nếu tổng công suất sản xuất tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Đa phần các doanh nghiệp tư nhân bên ngoài không có được công nghệ đồng bộ hiện đại và hệ thống phân phối tốt. Cộng thêm áp lực tài chính lớn nên bất kể giá nào cũng bán. Dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây hỗn loạn thị trường… Ngay cả Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng đều cho biết phải rà soát, tổ chức, cấu trúc lại.

- Nếu doanh nghiệp xi măng Trung Quốc đổ bộ sang thị trường Việt Nam, liệu Vicem có thực hiện mục tiêu của mình đề ra không? Đó chính là điều quan tâm của không ít nhà đầu tư?

Xi măng Trung Quốc khó nhảy được vào Việt Nam, bởi chất lượng, giá cả, chi phí vận chuyển và hệ thống phân phối. Nhưng sẽ là thách thức về cạnh tranh xuất khẩu. Với tổng sản lượng lên tới 2 tỷ tấn, chiếm 30% sản lượng xi măng toàn cầu, giá chào xuất khẩu rẻ hơn từ 3 - 4 USD/tấn, lại ở ngay sát Việt Nam, sẽ rất khó cho doanh nghiệp Việt trong việc cạnh tranh có lợi nhuận và giữ khách hàng nước ngoài.

Hiện xi măng và clinker của Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 20 triệu tấn. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Băngladesh, Philippin, Indonêsia, Đài Loan, Malaysia…Vì vậy, chúng ta phải đổi mới, tái cấu trúc về mọi mặt để cạnh tranh với xi măng Trung Quốc ở thị trường nước ngoài. Thành hay bại là ở quyết tâm cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp. Đó là quy luật của thị trường.

- Ông có nói rõ hơn áp lực cạnh tranh và chúng ta có gì để tiến ra quốc tế?

Cạnh tranh trong ngành xi măng phải nói là cực kì khốc liệt. Đấy là sản lượng, là môi trường giá cả. Như đã nói ở trên, ngành xi măng Việt Nam từng có một giai đoạn phát triển nóng về số lượng nhà máy, nên giờ cung đã vượt cầu. Vicem luôn cạnh tranh sòng phẳng, từ sản lượng, chất lượng hay thị trường, vay ngân hàng cũng không được ưu tiên như một số doanh nghiệp khác trong ngành. Khó khăn lúc nào cũng có và nó là đương nhiên. Biết nhưng không kêu, không dựa vào đó mà nhụt chí. Khó đến đâu, khó thế nào cũng có đường ta về đích.

Nhờ xây dựng và liên tục cải thiện năng lực lõi cũng như ứng xử linh hoạt nên trong những năm vừa qua Vicem tạo được lợi thế cạnh tranh bền vững, liên tục tăng trưởng.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hưng (Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn