Vị tiến sĩ hàng đêm bắt cóc, ấp rắn rồi thả về tự nhiên

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 10/02/2013 03:48:00 +07:00

Anh nuôi để nghiên cứu rồi thả ra môi trường tự nhiên, góp phần làm cân bằng sinh thái, vì loài rắn ráo trâu này đang có nguy cơ bị tuyệt diệt.

Tiến sĩ Ông Vĩnh An nuôi rất nhiều rắn, dám bỏ hết những lương, thưởng và cả tiền bồi dưỡng học sinh thi đại học cho rắn.


Anh không nuôi để bán kiếm lời, mà để nghiên cứu rồi thả ra môi trường tự nhiên, góp phần làm cân bằng sinh thái, vì loài rắn ráo trâu này đang có nguy cơ bị tuyệt diệt.

Xây nhà cho… rắn

Khu “biệt thự” rắn là khu đất phía bên trái nhà. Tất cả có hơn 46 chuồng, chưa kể hàng chục lò ấp.

Anh cho biết, lúc cao điểm “biệt thự” rắn có hơn 300 con. Ngoài thời gian ở Trường ĐH Sư phạm Vinh, còn lại anh dành hết cho rắn. Hôm có đoàn nghiên cứu của một trường đại học ở Hoa Kỳ đến thăm “biệt thự” rắn của anh, một thành viên đã thốt lên: “Ông có hai đứa con đẻ, và hàng trăm đứa con nuôi”.

Tôi sợ hãi không dám chui tiếp vào bên trong nhà rắn. Những cái đầu rắn lúc ngửng cao, lúc rụt thấp, những cái lưỡi chẻ đôi cứ chớp lia lịa, phát khiếp. Thế mà anh An vẫn cứ chúi mặt vào nó, ve vuốt một lượt hết con này đến con khác.

Cả mấy con rắn ngoan ngoãn lim dim mắt, y như đang được nghe hát ru để đi vào giấc ngủ. Anh kể: “Hễ nghe tiếng bước chân của mình vào chuồng thì cả bọn lại chui từ trong hang ra, để… chào. Người khác thì đừng hòng, dù có làm cách gì nó vẫn cứ cố thủ”.

Vừa vuốt ve những con rắn, anh vừa trò chuyện: Năm 2002, anh bắt tay vào xây nhà cho rắn. Gần chục bận cứ xây lên rồi lại đập bỏ, ông thợ xây cáu tiết "chửi nhau" với anh cả ngày. Ông ấy tay thì làm mà miệng không thôi lải nhải: "Đồ hâm".

Thỉnh thoảng anh An lại vuốt ve, chuyện trò với từng chú rắn 
“Mình chưa có kinh nghiệm mà, đâu có biết hình thù hang rắn nó như thế nào, nhiệt độ bao nhiêu, độ ẩm và cả ánh sáng nữa… Cho đến khi xin đi cùng các tay săn rắn, đến tận hang ổ, trực tiếp xem rắn tự “thiết kế” hang cho nó ra sao, đo nhiệt độ, độ ẩm… về mới cho hoàn thành công trình” – anh An cho biết.

Xây được nhà cho rắn, anh lại mày mò cải tạo công tắc tế bào quang học để kiểm soát rắn ra vào cửa hang, đồng thời kết nối với hệ thống đồng hồ để tính được thời gian, quy luật hoạt động của rắn.

Nhận được 5 triệu đồng tiền dạy ôn thi đại học, anh trốn vợ ra Hà Nội tìm mua camera, loại có thể kết nối được với máy tính để theo dõi rắn qua màn hình. Họ đòi những 17.000 đô la.

Nản quá! Chưa biết tính sao thì cậu em rẽ xe vào chợ trời. May, tìm card kết nối chỉ có 2 triệu đồng. Thấy ổn rồi thì về đi vay cho được 40 triệu, chỉ để mua một máy camera.

Anh nhớ như in: Ngày 15.3.2002, 6 con rắn bố mẹ đầu tiên được “mời tân gia”. Sướng hết chỗ nói, mọi di biến động, sinh hoạt của rắn được hiển thị trên màn hình, kể cả hệ thống nhiệt kế, ẩm kế và hệ thống phun sương đều được điều khiển qua máy tính.

Nhưng rồi tai họa ập đến, còn hơn cả cháy nhà. Học sinh của anh đến nhà, nghịch ngợm, chập điện, cả hệ thống máy móc đi tong. Anh chết lặng người, bỏ cơm mấy ngày liền. Thương chồng, vợ anh đã chạy vay mấy chục triệu đồng cho chồng làm lại.

“Nhờ vụ cháy mà làm nũng được vợ, dần dần sắm được 16 camera hồng ngoại và hệ thống máy móc hiện đại hơn. Vợ mình bảo rắn ăn hết nhà hết cửa rồi còn gì” – anh cười trừ.

Giải pháp hữu hiệu

TS An kể vui, bà con cả thị xã này gần như ai cũng biết anh. Họ biết là vì đêm nào anh cũng đỏ đèn đi bắt cóc cho rắn. Đến nỗi, cứ thấy ánh đèn soi là có người lại chào thầy An.

Vất vả lắm, tỉ mỉ lắm mới hiểu được nó. Mỗi loài rắn có một quy luật hoạt động riêng, có một loại thức ăn và mức ăn khác nhau. Anh cho biết, nuôi và nghiên cứu về rắn ráo trâu vì đó là loài rắn quý, con người săn bắt rất nhiều, nguy cơ tuyệt chủng cao. Vả lại, nó được ví là cơn lốc tiêu diệt chuột, là thiên địch bảo vệ mùa màng.

Hơn nữa, việc này còn là tiếp nối ý tưởng của thầy giáo cũ, PGS Hoàng Xuân Quang. Gặp mình lúc nào thầy cũng thở dài: “Ráo trâu được ghi vào sách đỏ Việt Nam, hạn chế săn bắt. Thế nhưng khó mà bảo vệ được, nếu không có một giải pháp hữu hiệu như nhân nuôi, chẳng hạn”.

Anh chia sẻ: “Rất vui vì luận án tiến sĩ của mình ngoài giá trị cung cấp thêm dẫn liệu cho bộ môn “Lưỡng cư – bò sát học”, đảm bảo cân bằng sinh thái, còn được hội đồng đánh giá cao về lợi ích kinh tế, có thể nhân nuôi rắn thương phẩm, nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo”.

Nuôi rắn, thích nhất, hồi hộp nhất là chờ rắn đẻ, còn lo nhất là ấp trứng không nở. Anh nói rất thật: Lúc đầu mình cũng không biết ở nhiệt độ nào, môi trường ra sao thì phù hợp cho rắn đẻ trứng. Lại phải mày mò, đi về Nam Đàn, đến tận hang rắn mẹ mà mình đã mua để lấy đất ở đó về xây hang. Xây mười hang giống nhau, mỗi hang lại đặt một mức nhiệt khác nhau. Rắn mẹ sẽ tự chọn hang có nhiệt độ phù hợp để làm nơi “lâm bồn”.

Anh nói như reo: Nhiệt độ phù hợp cho rắn đẻ là từ 24 – 33oC, độ ẩm là 88%. Rắn thường đẻ về đêm, sau 60 ngày mang bầu, trở dạ chừng ba đến bốn tiếng thì đẻ. “Mỗi lần canh rắn đẻ, vợ mình lại trách yêu, rắn đẻ mà hồi hộp hơn em đẻ thế à” – anh cười rõ tươi.

Nét mặt đăm chiêu, anh nói: "Nhưng khổ nhất là ấp trứng rắn không nở. Mình mất gần hai năm trời mà không hề có quả nào chịu nở. Thế là lại bươn chải khắp nơi, hết Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn đến Hà Tĩnh… tìm mua trứng rắn tự nhiên để nghiên cứu".

Anh tự cười chính mình: “Nóng ruột quá, mình đưa trứng rắn đi chụp X-quang và siêu âm. Dốt quá đi mất, vỏ trứng là can xi, chất cản quang, làm sao mà soi được. Thế là đành phải mổ ra để xem quá trình phát triển phôi. Từ đấy thì ấp mẻ nào nở mẻ đó, tỷ lệ rất cao".

Đoạn anh hân hoan kể về chuyện rắn nở trong bệnh viện, đúng là chuyện, rắn một bên và cha một bên.

Bấy giờ cha anh bị bệnh nặng, phải đi nằm viện Y học cổ truyền quân đội. Thời điểm này cũng là lúc một mẻ trứng rắn chuẩn bị nở. Băn khoăn giữa hai dòng nước, anh bèn chế tạo một lồng ấp dã chiến, mang vào bệnh viện, vừa chăm sóc cha vừa chăm sóc rắn.

May là cha anh có chế độ đặc biệt, được ở phòng riêng, vì thế mà nhà vệ sinh đã trở thành phòng ấp trứng rắn. Anh nhớ như in, hôm rắn nở là ngày 20.8.2008. Cả bệnh viện đến xem, rắn nở mà như chính anh "nở" vậy.

Anh vỗ đùi đánh đét, bật dậy, nói: “Chính đợt ấp thành công trong bệnh viện đã khẳng định cho mình một điều rất quan trọng - hoàn toàn có thể nhân nuôi rắn ráo trâu trở thành thương phẩm, hạn chế việc săn bắt của con người, góp phần cân bằng sinh thái, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Điều đó mới quý hơn cả”.

Trò chuyện với anh An về rắn, tôi bị cuốn hút đến mê mẩn, hình như không còn biết sợ nữa. Nhất là, khi anh tiết lộ: “Mình đã thả ra tự nhiên hàng trăm cá thể rắn ráo trâu rồi đấy!”.

TheoLao Động
Bình luận
vtcnews.vn