Vì sao trường ngoài công lập 'ngắc ngoải' đợi sinh viên

Giáo dụcThứ Năm, 26/09/2013 07:30:00 +07:00

(VTC News)- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong hoạt động của các trường ngoài công lập hiện nay.

(VTC News)- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong hoạt động của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hiện nay.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ra thực trạng các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đang gặp khó khăn về tuyển sinh, nhiều trường có nguy cơ sụp đổ.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, kết quả tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012 của cả nước cho thấy không chỉ các trường ngoài công lập gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, mà nhiều trường công lập cũng gặp phải khó khăn này.


Trong bối cảnh khó khăn chung, vẫn có nhiều trường ngoài công lập luôn đạt được tỷ lệ tuyển sinh cao như Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Thăng Long, Trường Đại học FPT…

Đây là những trường đã tạo được uy tín, hoạt động ổn định, chú trọng đầu tư chiều sâu, có chiến lược phát triển dài hạn, tập trung phát triển đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đại học FPT là một trong những trường tuyển được nhiều sinh viên do có sự đầu tư bài bản
Đại học FPT là một trong những trường tuyển được nhiều sinh viên do có sự đầu tư bài bản 
Bên cạnh đó, cũng có một số trường ngoài công lập chỉ tuyển được dưới 100 thí sinh.

Lý giải về nguyên nhân nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập tuyển sinh được ít, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: "Những trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh được ít là những trường chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, chưa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo còn hạn chế, chưa tạo được uy tín trong xã hội.

Cá biệt, có một số trường nội bộ mất đoàn kết, mâu thuẫn kéo dài, làm mất môi trường sư phạm, không còn là gương sáng cho học sinh, sinh viên và xã hội".

Tuy nhiên, để giúp các trường ngoài công lập tuyển sinh, Bộ trưởng Luận cho biết đã rà soát, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học cao đẳng trong cả nước cho phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia và của từng địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ cũng ban hành quyết định để tháo gỡ khó khăn cho các trường ngoài công lập trong việc được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác của nhà nước đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa.

Ngoài ra, Bộ cũng bổ sung nội dung cấp trực tiếp tiền miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên thuộc đối tượng chính sách học tại các cơ sở đào tạo ngoài công lập, qua đó tạo điều kiện tăng nguồn tuyển sinh cho các cơ sở này.


Bộ GD-ĐT đã đề nghị các trường ngoài công lập xây dựng đề án tuyển sinh riêng. Nếu có được phương án khả thi, đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, đảm bảo sự công bằng, minh bạch, không phát sinh khó khăn cho thí sinh, không tái diễn luyện thi, dạy thêm, học thêm tràn lan thì Bộ sẽ cho phép các trường thực hiện.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện điều kiện đảm bảo chất lượng theo cam kết thành lập trường, kịp thời cảnh báo, yêu cầu các trường khắc phục sai sót, khiếm khuyết để nâng cao chất lượng đào tạo...

"Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập để chuẩn bị tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục ngoài công lập. Trên cơ sở kết quả của Hội nghị, Bộ GD-ĐT sẽ có báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp để tiếp tục phát triển các trường ngoài công lập", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.


Sáng 26/9, hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết 20 giáo dục ngoài công lập.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn