Vì sao Trung Quốc thông qua báo cáo về Bắc Triều Tiên?

Thế giớiThứ Tư, 10/11/2010 09:40:00 +07:00

(VTC News) - Sau khi được Trung Quốc thông qua, 1 bản báo cáo mới của LHQ cho biết Bình Nhưỡng đang tiến hành các giao dịch vũ khí với Iran, Syria và Myanmar.

(VTC News) - Sau nhiều tháng trong tình trạng lấp lửng vì sự phản đối của Trung Quốc, cuối cùng Liên Hợp Quốc đã đưa ra một bản báo cáo cho thấy Bắc Triều Tiên có thể đã cung cấp công nghệ hạt nhân bị cấm cho Syria, Iran và Myanmar.

Bản báo cáo mới nhất của Hội đồng giám sát việc tuân thủ của Bình Nhưỡng đối với các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc đã được giao cho Ủy ban trừng phạt Bắc Triều Tiên của Hội đồng bảo an LHQ hồi tháng 5 vừa qua.

Một chuyến bay trở đầy vũ khí được cho là đang trên đường từ Bắc Triều Tiên đến Syria bị an ninh Thái Lan thu giữ 

Thông thường một bản báo cáo như vậy sẽ được Hội đồng bảo an thông qua và xem xét để đề xuất những hành động có thể. Nhưng bản báo cáo về tình hình Triều Tiên đã không được Hội đồng này thông qua trong gần 6 tháng do sự phản đối của Trung Quốc và nó dường như bị quên lãng cho tới Thứ 6 vừa rồi, Reuters trích dẫn lời các quan chức ngoại giao của Hội đồng hôm Thứ 2 cho biết.

Báo cáo về Triều Tiên nên được công bố trên website về các lệnh trừng phạt của LHQ ngay hôm thứ 3 này, các quan chức trên nói.

Theo các phái viên LHQ, gần đây Trung Quốc thường có tiếng nói bảo vệ những nước có quan hệ gần gũi với mình như Bắc Triều Tiên hay Sudan, khi dùng quyền phủ quyết ở Hội đồng bảo an LHQ để làm chậm việc công bố các tài liệu có liên quan ra công chúng.

Theo thông tin mà Reuters có được, bản báo cáo Tháng 5 cho rằng có lý do để nghi ngờ về việc buôn bán các loại vũ khí công nghệ cấm của Bắc Triều Tiên do Liên hợp quốc áp đặt sau hai vụ thử hạt nhân và tên lửa của nước này hồi năm 2006 và 2009.

Tài liệu báo cáo dày 75 trang do Reuters có được này nói rằng các thành viên ủy ban giám sát trừng phạt LHQ quan ngại về một báo cáo với nội dung “Bắc Triều Tiên đang tiếp tục tham gia các hoạt động trao đổi buôn bán công nghệ hạt nhân và tên lửa đạn đạo với một số quốc gia, bao gồm cả Iran, Syria và Myanmar”.

Tuần trước, Trung Quốc đã chọn quyền giữ im lặng khi Hội đồng bảo an tiến hành tham vấn các thành viên của mình, bao gồm 15 quốc gia, việc có nước nào phản đối nội dung bản báo cáo này không. Nếu không, đây là cơ sở để Hội đồng công bố rộng rãi bản báo cáo ra công chúng.

Những vũ khí như thế này trong cuộc xung đột ở Dafur là do các công ty Trung Quốc cung cấp? 

Một nhà ngoại giao yêu cầu được giấu tên cho biết, “Trung Quốc bất ngờ để Hội đồng bảo an thông qua bản báo cáo này. Tôi nghĩ rằng, Myanmar và Iran đã từng rất mừng vì Bắc Kinh ngăn cản bản báo cáo này, nhưng giờ họ đã có những ưu tiên khác”.

Nhưng Trung Quốc không cho phép sử dụng bản báo cáo này để LHQ tăng thêm các biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với Bình Nhưỡng, các phái viên cho biết.

Theo các nhà ngoại giao, những ưu tiên khác của Trung Quốc, bao gồm ngăn chặn một bản báo cáo tương tự của ủy ban giám sát trừng phạt LHQ về việc tuân thủ lệnh cấm vận chuyển vũ khí ở khu vực nhạy cảm Dafur, Sudan.

Báo cáo này không giống với báo cáo về Bắc Triều Tiên, bởi nó trực tiếp liên quan đến Trung Quốc, khi mà dư luận đang dấy lên quan ngại rằng chính các công ty Trung Quốc đang vi phạm lệnh cấm vận chuyển vũ khí tới Dafur.

Bản báo cáo về Sudan đã làm Trung Quốc rất giận dữ, và họ đã dùng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn mọi sự thông qua từ Ủy ban giám sát trừng phạt Sudan.

Ủy ban giám sát xử phạt làm việc trên cơ sở đồng thuận, có nghĩa là mọi quyết định đều phải được tất cả các thành viên thông qua.

Trong báo cáo của mình, Ủy ban giám sát trừng phạt Sudan nói rằng, các đầu đạn Trung Quốc đã được tìm thấy sau các cuộc giao tranh với lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc ở Dafur, mặc dù nó không đề cập đến bất cứ trách nhiệm nào của chính phủ.

Hiện không rõ khi nào thì báo cáo về Sudan sẽ được công bố.

Trung Quốc thường dùng quyền phủ quyết (veto) của mình để đạt được các mục đích chiến lược ở những thời điểm khác nhau.

Các nhà ngoại giao nói rằng họ e ngại TQ đang cố gắng ngăn chặn mọi hành động của Ủy ban giám sát Hội đồng bảo an đối với các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc khi nó liên quan đến những quốc gia thân thiện với nước này.

“Có thể Trung Quốc sẽ không ngăn chặn việc thông qua mọi báo cáo nữa, họ sẽ cân nhắc cái gì cần cho đi và nhận lại”, một nhà ngoại giao nói.

Trong khi Trung Quốc đồng ý để Hội đồng bảo an thông qua lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên và Iran thì nước này lại phủ quyết lệnh trừng phạt Sudan vì hành động vi phạm lệnh cấm buôn bán vũ khí của Sudan năm 2005, đồng thời TQ cùng với Nga  đã phủ quyết lệnh trừng phạt các nhà lãnh đạo Zimbabwe năm 2008.

Trung Quốc cũng đã ngăn cản mọi lệnh trừng phạt Myanmar theo đề xuất của Mỹ và Anh vì vấn đề nhân quyền của nước này.

Hữu Túc (theo Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn