Vì sao Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố từ chức?

Tư liệuThứ Năm, 03/06/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News)- Ông Yikio Hatoyama trở thành thủ tướng thứ 4 tuyên bố từ chức, thôi đảm nhiệm cương vị quyền lực cao nhất ở Nhật Bản chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm.

(VTC News) - Thông tấn xã Kyodo của Nhật Bản ngày 2/6/2010 dẫn nguồn tin từ chính phủ nước này cho biết, sau 8 tháng cầm quyền, đương kim Thủ tướng Nhật Bản Yikio Hatoyama đã tuyên bố từ chức trong bối cảnh cuộc bầu cử tại xứ sở hoa anh đào đang chuẩn bị diễn ra vào tháng tới.

Thủ tướng Nhật Bản Yikio Hatoyama tuyên bố từ chức sáng 2/6/2010. 

Như vậy, ông Yikio Hatoyama trở thành thủ tướng thứ 4 của Nhật Bản tuyên bố từ chức, thôi đảm nhiệm cương vị quyền lực cao nhất ở Nhật Bản chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm cầm quyền.

 

Thủ tướng Nhật Yikio Hatoyama cũng công khai thừa nhận rằng lý do ông tuyên bố rời nhiệm sở xuất phát từ việc dân chúng Nhật mất lòng tin vào chính quyền của ông sau khi xảy ra hai sự kiện, một là thoả thuận tiếp tục duy trì căn cứ quân sự của lực lượng lính thủy đánh bộ của Mỹ trên đảo Okinawa và vụ một quan chức cấp cao trong nội các của ông bị cáo buộc tham nhũng.

 

Trong  phiên họp khẩp cấp triệu tập tất cả các chính trị gia của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) vừa được tổ chức sáng nay(2/6), ông Yikio Hatoyama thành thật: “Công chúng đã từ chối không nghe tiếng nói của tôi. Điều này buộc tôi phải quyết định từ chức”.

 

VTC News cùng bạn đọc điểm lại hai sự kiện quan trọng, nguyên nhân chính dẫn đến tuyên bố từ chức của đương kim Thủ tướng Nhật Yikio Hatoyama .

Cáo buộc làm giả báo cáo tài chính của Tổng thư ký đảng DPJ 

Ngày 27/4/2010, Ủy ban thẩm tra tư pháp Tokyo đã nhóm họp thông qua quyết định cần phải khởi tố ông Ozawa Ichiro, nhân vật cực kỳ quan trọng trong nội các Thủ tướng Yukio Hatoyama hiện đang giữ chức, Tổng thư ký - Trưởng ban cán sự Đảng Dân chủ Nhật Bản DPJ cầm quyền với tội danh làm giả báo cáo tài chính thu chi của quỹ Rikuzankai  

Tổng thư ký - Trưởng ban cán sự Đảng Dân chủ Nhật Bản DPJ Ozawa Ichiro. 
Theo kết quả điều tra của Viện kiểm sát Tokyo, quỹ Rikuzankai đã dùng danh nghĩa của ông Ozawa Ichiro huy động một khoản tiền lớn và dùng nó mua bất động sản mà không đưa vào báo cáo thu chi tài chính chính trị, vi phạm quy định tài chính chính trị của Nhật Bản.

Cơ quan này đã lần lượt khởi tố 2 trợ lý của ông Ozawa Ichiro và một nhân viên thuộc quỹ Rikuzankai, trong đó 1 người đã thừa nhận chuyện làm giả báo cáo tài chính và khai ông Ozawa Ichiro biết rất rõ mọi việc.

Cũng trong tháng 1/2010 vừa qua, hai lần cơ quan này triệu tập ông Ozawa Ichiro đến thẩm vấn, tuy nhiên ông Ozawa Ichiro đã phủ nhận việc làm giả báo cáo. Ngày 4/2/2010, Viện kiểm sát Tokyo ra quyết định không khởi tố đối với ông Ozawa Ichiro do không đủ chứng cứ.

Sóng gió chính trường Nhật Bản tạm lắng một thời gian, đến ngày 27/4/2010 nó lại bùng phát trở lại. Ủy ban thẩm tra số 5 của Tokyo bao gồm 11 thành viên đã bỏ phiếu kín hôm nhất chí biểu quyết rằng quyết định nêu trên của Viện kiểm sát Tokyo là không thỏa đáng và yêu cầu khởi tố ông Ozawa Ichiro.

Nghị quyết của Ủy ban thẩm tra số 5 Tokyo nêu rõ, động thái làm giả báo cáo tài chính của DPJ và cá nhân ông Ozawa Ichiro là  “không hợp lý”, “không tự nhiên”, “không đáng tin” và người dân không thể tha thứ. Ông Ozawa Ichiro bị cáo buộc là kẻ đồng mưu với 3 nhân viên dưới quyền đã bị khởi tố trước đó.


Ủy ban thẩm tra được thành lập cùng với các tòa án địa phương là cơ quan giám sát tư pháp của người dân thực hiện quyền giám sát đối với mọi quyết định khởi tố của cơ quan viện kiểm sát cùng cấp. Tổ chức này bao gồm 11 thành viên được lựa chọn ngẫu nhiên từ các cử tri của địa phương đó, trong nhiệm kì những người này được tính như viên chức hành chính nhà nước.


Ông Ozawa Ichiro, nhân vật cực kỳ quan trọng của đảng DPJ và nội các Thủ tướng Nhật Yikio Hatoyama.  

Theo pháp luật Nhật Bản, sau khi Ủy ban thẩm tra số 5 bác bỏ quyết định trước của Viện kiểm sát và yêu cầu viện này điều tra lại, nếu Viện kiểm sát vẫn “khăng khăng” bảo lưu ý kiến của mình, Ủy ban thẩm tra sẽ nhóm họp một lần nữa.

Năm nay 68 tuổi, ông Ozawa Ichiro được coi là “tướng quân sau trướng” của DPJ và nội các của Thủ tướng Yukio Hatoyama. Sau những bê bối về tài chính chính trị hồi tháng 5 năm ngoái, ông đã phải từ chức Chủ tịch DPJ chuyển sang làm Trưởng ban cán sự đảng.

Chính Ozawa Ichiro là người hoạch định chiến lược tranh cử vào Hạ viện Nhật Bản của DPJ và góp phần chủ yếu vào việc đưa đảng này lên vị trí cầm quyền. Hiện tại, ông Ozawa Ichiro vẫn là “tổng tư lệnh” trên mặt trận tranh cử vào Thượng viện Nhật Bản của DPJ.

Nghị quyết của Ủy ban thẩm tra số 5 vừa rồi dưới danh nghĩa “phán quyết của người dân” đã đặt một “quả bom hạng nặng” lên chính trường Tokyo. Ngay trong ngày 27/4 sau khi có thông tin về nghị quyết này, ông Ozawa Ichiro đã triệu tập cuộc họp báo và khẳng định mình chẳng có tội gì, ông sẽ không từ chức chỉ vì cáo buộc đó.


Nhân đà này, các đảng đối lập, đặc biệt là đảng Tự do dân chủ LDP đang kêu gọi quốc hội nước này tiến hành một phiên điều trần đối với ông Ozawa Ichiro, thậm chí đe dọa vận động một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nội các của DPJ.


Nội bộ đảng DPJ cũng bắt đầu dao động, trong đó một số nghị sĩ của đảng này lâu nay vẫn “giữ khoảng cách đối với ông Ozawa Ichiro bày tỏ hy vọng ông này nên chủ động từ chức vì quyền lợi của đảng, đặc biệt là ông Yukio Ubukata, cấp phó của Ozawa Ichiro.

Tuy nhiên, một động thái khá bất ngờ đối với những người này khi ngay hôm sau, Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama bày tỏ hi vọng ông Ozawa Ichiro vẫn tiếp tục giữ chức Trưởng ban cán sự đảng. Chính hành động này của Thủ tướng Yukio Hatoyama đã khiến dân chúng Nhật Bắt đầu không tin tưởng vào chính phủ của ông.


Trước cuộc biểu tình của gần 100 ngàn người dân, quan chức Okinawa tuần vừa qua, ông Yukio Hatoyama đã hứa sẽ giải quyết vấn đề trong tháng 5 này, thậm chí ông còn khá “mạnh dạn” khi đặt cược cả ghế Thủ tướng của mình để cam kết giải quyết ổn thỏa vấn đề căn cứ quân sự.


Tờ Manichi của Nhật Bản nhận định, bóng dáng của một cuộc chính biến vật đổi sao dời trên chính trường Tokyo đang ngày càng hiện hữu, giới báo chí nước này hầu hết đều có chung nhận định đó.


Thủ tướng Hatoyama thất hứa

 

Việc di dời căn cứ không quân Futenma của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ ở miền Nam Nhật Bản là một yếu tố khiến uy tín của Thủ tướng Hatoyama sụt giảm mạnh, đe dọa tới cơ hội của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 tới đây.

 

Trong cuộc vận động tranh cử  Hạ viện Nhật năm 2009, ông Yukio Hatoyama đã hứa với các cử tri Nhật như đinh đóng cột rằng nếu giành được quyền lãnh đạo đất nước ông sẽ thúc đẩy việc di dời căn cứ Futenma ra khỏi tỉnh Okinawa, thậm chí ra khỏi nước Nhật. Nhiều cử tri đã tin tưởng dành phiếu cho ông và các thành viên của DPJ.

Các cử tri này cho rằng quân đội Mỹ phải hoàn toàn rút ra khỏi lãnh thổ nước này để cho người dân và quân đội nước này tự đảm bảo nền anh ninh, không lệ thuộc vào Washington.

Ngày 23/5, Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama công bố kế hoạch tái bố trí căn cứ không quân Futemma của chính phủ, theo đó căn cứ này vẫn nằm trong tỉnh Okinawa. Căn cứ Futemma chỉ di chuyển một phần căn cứ này từ khu vực đông dân cư ở thành phố Ginowan tới khu vực ít dân hơn ở thành phố Nago, phía Bắc đảo Okinawa.

Có thể nói rằng, dù biết chắc sẽ bị dân chúng lên án khi vẫn cho phép quân đội Mỹ duy trì căn cứ quân sự trên đảo Okinawa nhưng chính phủ của ông Hatoyama vẫn phải làm.

 

Tokyo vẫn cần có sự hiện diện của lực lượng Mỹ vì bản thân Nhật Bản cũng không có phương án lựa chọn khả thi nào khác thay thế cho mối quan hệ đồng minh với Mỹ, sách lược an ninh của Nhật Bản vẫn coi Washington là đồng minh quan trọng nhất.

 

Lê Dũng

Bình luận
vtcnews.vn