Vì sao Parkson Keangnam vội vàng đóng cửa?

Kinh tếChủ Nhật, 04/01/2015 05:52:00 +07:00

Lý do đóng cửa Parkson Keangnam được chủ đầu tư đưa ra là do thua lỗ kéo dài, nhưng một nguồn tin khác lại cho rằng, trung tâm thương mại này đang có tranh chấp

(VTC News) - Lý do đóng cửa Parkson Keangnam được chủ đầu tư đưa ra là do thua lỗ kéo dài, nhưng một nguồn tin khác lại cho rằng, trung tâm thương mại này đang có sự tranh chấp ba bên.

Nhiều chủ gian hàng tại trung tâm thương mại Parkson Keangnam đã bất ngờ nhận được thông báo toàn bộ Trung tâm thương mại này sẽ ngưng hoạt động và yêu cầu các gian hàng phải di chuyển khỏi trung tâm này, thời gian từ ngày 3-4/1-2015.
Vì sao Parkson Keangnam vội vàng đóng cửa?
Vì sao Parkson Keangnam vội vàng đóng cửa? - Ảnh: zing news 
Đặc biệt, đến sang 3/1, Parkson lại đột ngột ra thông báo khác, yêu các các cửa hàng phải chuyển hết đồ ra ngoài ngay trong đêm 3/1, khiến nhiều chủ gian hàng không kịp trở tay, phải chuyển đồ đạc ngay trong đêm 3/1.


Lý giải nguyên nhân đóng cửa trung tâm thương mại này, trong thông báo của Công ty TNHH Parkson Hà Nội do ông Tiang Chee Sung, Tổng Giám đốc ký cho rằng, kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu như kế hoạch đề ra.

“Chúng tôi nhận thấy các quầy hàng của Quý đối tác cũng đang phải chịu những khoản lỗ lớn cho đến nay”, thông báo nói. Công ty TNHH Parkson Hà Nội cho biết đã cân nhắc kỹ lưỡng trước tình hình trên và để ra quyết định đóng cửa.

"Chúng tôi rất tiếc khi phải thông báo đến quý đối tác rằng toàn bộ TTTM Parkson Landmark sẽ ngừng hoạt động kinh doanh ngay lập tức kể từ ngày ban hành thông báo này và Ngày kinh doanh cuối cùng của TTTM Parkson Landmark là ngày 02 tháng 01 năm 2015."

Việc Trung tâm thương mại dừng do hoạt động thua lỗ là việc bình thường, nhưng điều khiến các tiểu thương băn khoăn là việc dừng quá gấp gáp, khiến nhiều người không kịp trở tay.

Trao đổi với báo chí, chị Nguyễn Thị Diễm Châu, chủ một quầy hàng ăn tại tầng hầm B1 than thở: “Gia đình đầu tư hơn 2 tỷ đồng, cửa hàng mới đi vào hoạt động được vài tháng bị ép đóng cửa thế này vô tình đã đẩy gia đình đi vào con đường phá sản trong khi hợp đồng vẫn còn hiệu lực gần 1 năm nữa”.

Anh Nguyễn Đức Minh, kinh doanh đồ uống tại TTTM Parkson Keangnam Landmark 72 cũng nhăn nhó: “Chúng tôi đang hoạt động bình thường mà bên cho thuê chấm dứt hợp đồng, không có thông báo trước, nhất là vào dịp cuối năm mà thay đổi như thế này chúng tôi sao chuẩn bị kịp”.

Trong khi đó, trao đổi với Vietnamplus sáng 4/1, ông Nguyễn Thế Cường, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường Nam Từ Liêm cho hay, thông tin ban đầu, do việc giải quyết hợp đồng giữa Kengnam (chủ tòa nhà) và Parkson (đơn vị thuê lại để kinh doanh) còn chưa thống nhất, nên hoạt động kinh doanh tại một số cửa hàng thuê lại của Parkson tạm thời bị gián đoạn.

Ông Cường cho biết thêm, một số chủ cửa hàng thuê lại của Parkson cũng không đồng ý với cách thức giải quyết của đơn vị cho thuê (Parkson) trong khi phía cho thuê lại bắt phải thanh toán xong hợp đồng mới được rút hàng, từ đó đã nảy sinh một số vấn đề về tài sản.

"Đây là tranh chấp dân sự nảy sinh ba bên, tuy nhiên không có khiếu kiện và tụ tập đông người," ông Cường cho hay.

Video: Nghi thức đóng cửa khẩu kì lạ 

Trao đổi thêm với lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương chưa nhận được thông tin gì về việc xin đóng cửa của Parkson và sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo.

Trước đó, hệ thống điều hành chuỗi bán lẻ Parkson tại châu Á vừa công bố lợi nhuận quý đầu tiên trong năm tài chính 2015 sụt giảm tới 33,1%. Nguyên nhân được đưa ra là do doanh số nghèo nàn từ Việt Nam và Malaysia.

Parkson cho biết, mức giảm trung bình mỗi cửa hàng là 8,2% và nếu loại bỏ bớt yếu tố ngoại tệ, mưc sụt giảm sẽ là 7%.

CEO của Parkson, Toh Peng Koon cho biết môi trường bán lẻ đang gặp nhiều thách thức.

"Trong khi chúng tôi thấy sự tăng trưởng tại Indonesia và Myanmar, một số thị trường trọng điểm đang vấp phải nhiều khó khăn, như Malaysia và Việt Nam. Khoản lỗ chủ yếu là do chi phí từ việc xây dựng các cửa hàng mới. Tuy nhiên, việc đầu tư là cần thiết để xây dựng hệ thống của tập đoàn mạnh mẽ hơn. Chúng tôi hy vọng doanh số của các cửa hàng mới sẽ tốt trở lại và sinh lời trong tương lai gần", ông Toh Peng Koon cho biết.

Việc doanh số tại nhiều trung tâm Parkson tại Malaysia và Việt Nam giảm cùng với sự suy yếu của đồng Rupiah của Indonesia là nguyên nhân chính dẫn tới vấn đề trên.

"Môi trường bán lẻ của Việt Nam vẫn chưa mấy khởi sắc dù nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi", đại diện của Parkson cho biết.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn